Vận dụng mô hình 'Dạy học vừa đúng lúc' với môn Vật lí

GD&TĐ - Nhóm cán bộ, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) chia sẻ mô hình Dạy học vừa đúng lúc, áp dụng với môn Vật lí.

Học sinh Trường THPT Trần Quang Khải trong giờ Vật lí.
Học sinh Trường THPT Trần Quang Khải trong giờ Vật lí.

Mô hình này đã được các thầy cô gồm: Phó Hiệu trưởng Bùi Thị Thu Hằng; Tổ trưởng chuyên môn Ngô Văn Hồng và giáo viên giảng dạy Vật lí Lê Thị Huyền áp dụng có hiệu quả nhằm bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học của học sinh khi dạy học Vật lí.

Dạy học vừa đúng lúc (Just in Time Teaching) là mô hình thúc đẩy sự tham gia tích cực của học sinh và tăng cường năng lực tự học của học sinh bằng cách liên kết các hoạt động ngoài lớp và trong lớp một cách có chủ ý.

Just in Time Teaching (JiTT) cố ý liên kết câu trả lời của học sinh với các câu hỏi dựa trên web bên ngoài lớp học với các hoạt động trong lớp.

Để bắt đầu, học sinh trả lời một tập hợp nhỏ các câu hỏi dựa trên web về kiến thức sẽ được học sắp tới bên ngoài lớp học và gửi câu trả lời của họ trực tuyến vài giờ trước khi lớp học bắt đầu.

Sau khi gửi, giáo viên sẽ xem xét các phản hồi của học sinh và phát triển mô hình dạy học vừa đúng lúc cho phù hợp.

Qua nghiên cứu, cô Bùi Thị Thu Hằng, thầy Ngô Văn Hồng, cô Lê Thị Huyền đề xuất quy trình dạy học Vật lí phổ thông theo mô hình JiTT gồm ba giai đoạn tương ứng với 7 bước.

3 bước chuẩn bị trước giờ lên lớp

Giai đoạn 1 - trước giờ lên lớp, giáo viên thực hiện 3 bước như sau:

Bước 1, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện JiTT. Ở bước này, giáo viên xác định mục tiêu học sinh cần đạt về kiến thức, kỹ năng, phát triển năng lực; tìm hiểu phương tiện dạy học có thể sử dụng; nghiên cứu nội dung bài học hoặc chủ đề sẽ sử dụng mô hình JiTT; trao đổi với HS, làm rõ các quy tắc, yêu cầu khi thực hiện mô hình; xây dựng kế hoạch và cộng cụ kiểm tra, đánh giá trong vận dụng mô hình JiTT.

Bước 2, xây dựng bộ câu hỏi khởi động có hiệu quả. Các câu hỏi khởi động khác với các câu hỏi hay bài tập ở nhà bởi vì mục tiêu không phải là xác định HS đã thông hiểu kiến thức hay chưa mà là nhận được câu trả lời phong phú, minh hoạ cho quá trình suy nghĩ và các khó khăn chủ yếu, sai lầm phổ biến của HS. Đây là những thông tin cần thiết cho các hoạt động kế tiếp trong lớp học.

Các dạng bài tập JiTT chính có thể dùng ở bộ câu hỏi khởi động gồm:

WarmUps là các bài tập ngắn, dựa trên web được thiết kế để HS hoàn thành trước khi nhận được hướng dẫn về một chủ đề. Thời gian trên lớp có thể tập trung vào những điểm mà HS cần được trợ giúp nhiều hơn và nó có thể được cấu trúc xung quanh các câu trả lời cụ thể của HS.

Puzzles là các bài tập ngắn, dựa trên web được thiết kế để giúp hệ thống nội dung một chủ đề đã được đề cập trong một lớp học. Chúng cung cấp sự kết luận cuối cùng về kiến thức cần xây dựng và thường tích hợp các khái niệm trong đó.

GoodFors là các bài luận bổ sung giúp HS kết nối lớp học với thế giới thực, giúp giữ cho tài liệu luôn mới và khởi đầu cho các cuộc thảo luận trong lớp.

Bước 3: Sau khi HS kết thúc quá trình thực hiện trả lời câu hỏi khởi động, giáo viên đọc, phân tích, thống kê các câu trả lời của HS, phát hiện những lỗi sai, những khó khăn trong quá trình tự tìm hiểu kiến thức từ bộ câu hỏi khởi động.

Quy trình dạy học vật lí theo mô hình JiTT.
Quy trình dạy học vật lí theo mô hình JiTT.

2 bước trong quá trình dạy học trên lớp

Giai đoạn 2 - diễn ra trên lớp, giáo viên tiếp tục các bước thực hiện JiTT như sau.

Bước 4, sử dụng thông tin phản hồi để tổ chức các hoạt động học trên lớp. Các hoạt động học tập trong lớp tập trung vào những khoảng trống nhận thức của HS đã thu nhận được từ các câu trả lời của câu hỏi khởi động. Tổ chức các hoạt động học có thể được thực hiện bởi nhiều hình thức như: thảo luận, làm việc nhóm, thực hành, …nhằm giải quyết những thách thức, nhu cầu nhận thức của HS.

Nhóm tác giả tổ chức các hoạt động học trên lớp dựa vào các căn cứ:

Thứ nhất là mức độ tìm hiểu kiến thức của học sinh thu nhận được từ việc trả lời các câu hỏi khởi động. Đặc biệt cần xác định trọng tâm kiến thức ở bài học, tránh sa đà vào các kiến thức ngoài phạm vi bài học để không bị mất thời gian và làm rối quá trình nhận thức của học sinh.

Thứ hai là các quan niệm sai lầm phổ biến, điển hình, những khó khăn, vướng mắc của học sinh được bộc lộ khi trả lời các câu hỏi khởi động.

Thứ ba là bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học của học sinh.

Thứ tư là tiến trình dạy học cần có nhiều phương án để thực hiện được một cách linh hoạt mềm dẻo phù hợp với các thông tin phản hồi của học sinh ở lớp học trực tiếp.

Bước 5, thể chế hóa kiến thức. Sau các hoạt động học tập, HS đã tự chủ chiếm lĩnh được kiến thức. Tuy nhiên, cách diễn đạt của các em có thể chưa chính xác hoặc chưa đầy đủ nên giáo viên cần thể chế hóa kiến thức để học sinh ghi nhận.

2 bước thực hiện sau giờ lên lớp

Sau giờ lên lớn, giáo viên tiếp tục thực hiện JiTT với 2 bước như sau:

Bước 6, kiểm tra đánh giá mức độ chiếm lĩnh kiến thức và sự phát triển năng lực. Cụ thể, sau khi tiến hành giai đoạn 2, nhằm củng cố lại kiến thức HS lĩnh hội được trong bài, cũng như những sai lầm HS đã khắc phục được chưa, giáo viên có thể thiết kế các hình thức kiểm tra, hệ thống câu hỏi và công cụ đánh giá để kiểm tra lại lần nữa, từ đó có những điều chỉnh hợp lý cho các tiết học sau.

Câu hỏi có thể là dạng bài tập tự luận trả lời ngắn, hoặc câu hỏi trắc nghiệm một lựa chọn hay nhiều lựa chọn. Bước này cũng có thể tiến hành ở nhà hay ngay tại lớp học.

Bước 7, đánh giá việc vận dụng mô hình JiTT. Sau mỗi khi vận dụng mô hình JiTT ở mỗi bài học, giáo viên cần nhìn nhận lại, đánh giá một cách nghiêm túc về những điều đạt được về sự tương tác giữa giáo viên với HS, giữa HS với HS đúng lúc, đúng chỗ giúp HS tự lực và tự học có hiệu quả cao. Những điều cần chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện ở bộ câu hỏi khởi động, các hoạt động học trên lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.