Phụ huynh, học sinh là những người phấn khởi nhất. Tuy giáo viên có thêm vất vả song ai cũng vui vì các con trở lại trường đông hơn.
Hồ hởi đưa con đến trường
Ngày 8/3, tất cả trường mầm non trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đồng loạt nấu ăn trở lại cho học sinh bán trú. Ông Quàng Văn Hưng và bà Điêu Thị Miu cùng đưa con trai là Quàng Văn Giang đến lớp. Đầu giờ sáng cả nhà có mặt tại cổng Trường Mầm non Mường Đun, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa.
Trường tổ chức ăn bán trú, ông Hưng không phải canh giờ để đưa đón con ngày 4 lần (sáng, trưa, chiều, tối) như mấy tuần trước. Mấy ngày nữa, ông Hưng sẽ về Hà Nội tiếp tục làm thuê kiếm tiền nuôi con. Còn bà Miu cũng rủng rỉnh thời gian lên nương để làm đất, chuẩn bị cho mùa nương mới bởi bà chỉ phải đưa con lên lớp vào buổi sáng, chiều muộn mới phải đón con.
“Vừa rồi, vợ chồng tôi ngày đưa đón con 4 lần vì các cháu chưa được ăn trưa tại trường. Rừng thì xa nhà, nếu đi chẳng có ai đón con. Nương cũng xa, đi mất nửa buổi mới tới nơi, có lên đến cũng là giờ phải đón con nên chẳng làm được việc gì”, bà Điêu Thị Miu chia sẻ.
Không chỉ phụ huynh, cô giáo cũng phấn khởi. Cô Vũ Thúy Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Đun chia sẻ: Giáo viên không còn vất vả tìm, gọi học sinh sau mỗi buổi tan trường nữa. Gia đình cũng yên tâm gửi gắm con cho các cô để lên nương, đi làm thuê…
Bảo đảm vệ sinh, an toàn phòng dịch
Thống kê ngày 8/3, huyện Tủa Chùa có 5.325/5.818 trẻ đến lớp, đạt tỷ lệ 91,5%. Trong đó, trẻ ăn bán trú là 5.079 trẻ. Con số này đã tăng lên rất nhiều so với những tuần trước.
Ông Nguyễn Văn Tiếp - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: Trước khi bếp ăn hoạt động trở lại, giáo viên các trường đã chủ động lau dọn vệ sinh đồ dùng sạch sẽ, an toàn. Để bảo đảm khoảng cách an toàn cho trẻ, phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường học bố trí lịch ăn so le giữa các nhóm học sinh trong lớp và các nhóm lớp.
“Ở một số nơi diện tích không cho phép, chúng tôi bố trí chia ca để các cháu ăn. Mỗi ca lệch nhau khoảng 30 phút. Khi ca này ăn xong, ca khác tiếp tục. Qua tuyên truyền của giáo viên, học sinh vùng cao cũng ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh. Các em đã hình thành được thói quen vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi lên lớp”, ông Tiếp nói.