Vận động tài trợ cho giáo dục không thể… nóng vội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mặc dù đã có quy định cụ thể công tác vận động tài trợ GD, tuy nhiên không ít đơn vị vì lý do nào đó thực hiện không đầy đủ dẫn đến sai phạm...

Học sinh Hậu Giang trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập.
Học sinh Hậu Giang trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập.

Làm đúng nhưng… chưa đủ

Công tác vận động tài trợ giáo dục được Bộ GD&ĐT hướng dẫn kỹ tại Thông tư 16/2018/TT- BGDĐT (Thông tư 16). Thực hiện thông tư này, ngành GD-ĐT các địa phương những năm qua thường xuyên lưu ý nhà trường tìm hiểu kỹ quy định, quy trình.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số đơn vị sau khi thống nhất ý kiến với Ban đại diện cha mẹ học sinh liền nhanh chóng triển khai mà không có sự phê duyệt của cấp trên. Hiệu trưởng một trường học thừa nhận, theo Thông tư 16 các thủ tục hành chính rất rườm rà, đôi khi trình kế hoạch phê duyệt bị chậm, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của học sinh.

Do đó sau khi thống nhất ý kiến, nhà trường để Ban đại diện cha mẹ học sinh tự tổ chức vận động theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Chính vì vậy khi xảy ra vấn đề phát sinh hay thanh tra, kiểm tra dẫn đến sai phạm.

Điển hình mới đây, một trường học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bị tuýt còi khi thực hiện vận động thiết bị phục vụ dạy học ứng dụng công nghệ thông tin. Nguyên nhân do trường chỉ dựa trên thống nhất ý kiến trong hội đồng sư phạm trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh mà không trình sở GD&ĐT phê duyệt chủ trương.

Theo bà Nguyễn Hoài Thuý Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất là việc làm ý nghĩa, thiết thực. Gia đình, nhà trường và xã hội cùng quan tâm chăm lo cho giáo dục để thầy, cô giáo và học sinh thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

“Tuy nhiên khi thực hiện vận động, tài trợ, nhà trường phải tuân thủ đúng quy định của Bộ GD&ĐT: Xây dựng kế hoạch trình sở GD&ĐT phê duyệt, đồng ý chủ trương. Sau khi được phê duyệt, nhà trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm tổ chức vận động từ các tổ chức, cá nhân cho việc mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học; thành lập tổ tiếp nhận bằng nhiều hình thức như tiền mặt, thiết bị hay hiện vật “chìa khóa trao tay””, bà Hằng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Yến - Trưởng phòng GD&ĐT TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) - cho rằng, vận động tài trợ giáo dục hay xã hội hóa học đường cần thực hiện đúng theo thông tư, hướng dẫn và quy định của Nhà nước, đặc biệt là Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT.

“Thầy cô làm vì cái chung nhưng thực hiện không đúng theo quy định sẽ dẫn đến sai phạm trong công tác vận động. Do đó, chúng tôi thường xuyên lưu ý, nhắc nhở các trường thực hiện công tác vận động theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”, bà Yến chia sẻ thêm.

Phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở TP Cần Thơ hỗ trợ nhà trường di dời thiết bị học tập sang phòng học mới.

Phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở TP Cần Thơ hỗ trợ nhà trường di dời thiết bị học tập sang phòng học mới.

Không thể bỏ qua quy trình

Nhiều năm qua, hầu hết cơ sở vật chất của Trường THPT Thốt Nốt, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) được đầu tư theo ngân sách Nhà nước. Thầy Hiệu trưởng Tăng Văn Chín chia sẻ: Một số công trình nhỏ, nhà trường chủ yếu xin hỗ trợ từ vài cá nhân, đơn vị chứ chưa thực hiện vận động, xã hội hóa đại trà.

“Năm đầu tiên thực hiện nên gặp nhiều khó khăn, trường cũng chủ động tham khảo ý kiến phòng tài chính, thanh tra sở GD&ĐT để có hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định”, thầy Chín thông tin thêm.

Năm học 2023 - 2024, trường xây dựng kế hoạch xã hội hóa tivi phục vụ giảng dạy tại 43 lớp học. Việc làm này được nhà trường thông tin đến giáo viên và phụ huynh đồng tình ủng hộ.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai vận động tài trợ giáo dục tại địa phương, bà Nguyễn Kiều Phương - Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho biết: Sau khi tiếp nhận kế hoạch vận động tài trợ của trường, phòng phải nghiên cứu kỹ, xem xét đề nghị có hợp lý và cần thiết.

Đồng thời, phòng thực hiện khảo sát thực tế, gặp Ban đại diện cha mẹ học sinh trường để xác định được nội dung tài trợ có phù hợp với nguyện vọng, yêu cầu của phụ huynh; đôi khi có những nội dung đề nghị không phù hợp thì không thể phê duyệt.

Thừa nhận thực tế triển khai đôi khi gặp nhiều vấn đề phát sinh, bà Nguyễn Thị Kim Yến trao đổi: Có doanh nghiệp, phụ huynh mong muốn hỗ trợ, trang bị thêm cho nhà trường một số thiết bị, máy móc… giúp con em học tập nhưng lại không nằm trong kế hoạch vận động của trường. Để hoàn thiện theo quy định dẫn đến “chậm nhịp”. Vì thế, để không làm mất quyền lợi chính đáng của học sinh, một số đơn vị sốt ruột thực hiện ngay dù biết chưa đúng quy trình.

“Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch xã hội hóa từ đầu năm học và kế hoạch phải được triển khai, lấy ý kiến thống nhất trong hội đồng sư phạm, đại diện cha mẹ học sinh. Kế hoạch được phòng GD&ĐT phê duyệt trước khi thực hiện vận động đại trà theo nguyên tắc tự nguyện của cha mẹ học sinh, tổ chức”, bà Yến cho biết thêm.

“Khi vận động tài trợ phải thực hiện đúng theo thông tư, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các đơn vị đồng thời không quy định mức tài trợ bình quân, không áp đặt, phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện từ phụ huynh học sinh hoặc các tổ chức, đơn vị xã hội bên ngoài nhà trường”, bà Nguyễn Kiều Phương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ