“Quả bóng” lạm thu đôi lúc, đôi nơi đã được “đẩy” sang cho Ban Đại diện Cha mẹ học sinh. Quy định của Bộ GD&ĐT về tài trợ giáo dục được CBQL các trường học xem là căn cứ để thực hiện xã hội hóa một cách đúng hướng.
Thu hút nguồn lực
Từ nguồn kinh phí đầu tư của UBND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) và nguồn vận động tài trợ giáo dục, hè 2019, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn đã “phủ kín” tivi cho 44 phòng học, trong đó từ nguồn tài trợ giáo dục là 20 cái. Trước đó, toàn trường chỉ có 8 cái tivi và máy chiếu. Cô Ông Thị Thái Hằng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong buổi họp phụ huynh chuẩn bị cho lễ tổng kết năm học 2018 – 2019, nhà trường thông báo chủ trương quận sẽ hỗ trợ 50% kinh phí cho việc trang bị tivi tại các lớp học; 50% còn lại, sẽ kêu gọi phụ huynh và các doanh nghiệp tài trợ theo nguyên tắc tự nguyện và không cào bằng. Nhà trường giải đáp tỉ mỉ những thắc mắc của phụ huynh về chủ trương này.
Dù nằm cách thị trấn Khe Sanh 30 km, nhưng Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã có 9 phòng học được trang bị tivi; 1 phòng tin học với 15 máy tính được trang bị từ nguồn cho - tặng. Hằng năm, trước khai giảng năm học mới, trường đều nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân giúp trang bị những phương tiện học tập tối thiểu cho HS...
Chuẩn bị cho năm học mới 2019 – 2020, nhà trường đưa vào sử dụng khu công trình vệ sinh kiểu mẫu do UBND huyện đầu tư kinh phí xây dựng; các thiết bị vệ sinh bên trong do doanh nghiệp tài trợ. Có được như vậy, theo thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng nhà trường, là nhà trường luôn công khai, sử dụng có hiệu quả những hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và “tất cả đều ưu tiên phục vụ cho HS và nâng cao chất lượng dạy học”.
Công tác thu hút tài trợ tốt mang lại điều kiện dạy học tốt hơn. Ảnh minh họa |
Tránh tình trạng lạm thu và cào bằng
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng, Thông tư 16 ban hành năm 2018 của Bộ GD&ĐT về tài trợ giáo dục với những quy định chặt chẽ giúp giám sát, quản lý các nguồn vận động tài trợ giáo dục, để người đứng đầu các trường học không tư lợi, không lợi dụng chủ trương xã hội hóa giáo dục dẫn đến tình trạng lạm thu, cào bằng.
“Ví dụ như hoạt động ngoại khóa của HS, những năm trước, từ nguồn kinh phí đóng góp của phụ huynh, nhà trường liên hệ với công ty tổ chức lên kế hoạch chi tiết rồi chuyển kinh phí cho công ty, nhưng với quy định tài trợ giáo dục, hoạt động này đều do Ban Đại diện phụ huynh đứng ra làm, từ nhận tiền đóng góp của từng phụ huynh, ký hợp đồng với công ty tổ chức tour, nhà trường chỉ cùng với Ban Đại diện phụ huynh tham gia giám sát và điều hành các nội dung trong hoạt động trải nghiệm đúng theo mục đích giáo dục đề ra” – cô Thu Nguyệt dẫn chứng.