Báo Mỹ dẫn lời quan sát viên Brent Eastwood, cho rằng Trung Quốc hiện có hơn 200 máy bay chiến đấu J-20 thế hệ thứ năm, mà trong năm nay cơ số này có thể còn tăng đến 300 chiếc.
Cũng theo vị chuyên gia này, vào năm 2022, Trung Quốc chỉ có vẻn vẹn 40 chiếc J-20, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiếp nhận chiến đấu cơ đầu tiên loại này vào năm 2017.
"Có thể khen ngợi loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm này về tốc độ ấn tượng, khả năng cơ động linh hoạt và hệ thống radar tiên tiến, tạo ra thách thức thực sự đối với Không lực Mỹ và các đồng minh", quan sát viên viết.
Ông lưu ý rằng việc Trung Quốc sản xuất hàng loạt J-20 báo hiệu sự thay đổi lớn trong ưu thế thượng phong trên không, khiến nó trở thành yếu tố quan trọng của kế hoạch chiến lược trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt là liên quan đến vấn đề đảo Đài Loan và lợi ích của Mỹ.
Nói về sức mạnh giữa J-20 với F-35, báo Mỹ dẫn lời chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Wei Dongxu, cho biết: "Tiêm kích tàng hình J-20 có phạm vi hoạt động và vũ khí tốt hơn hẳn F-35, cho phép nó dễ dàng thực thi sứ mệnh chiếm ưu thế trên không trong chiến trường thế kỷ 21".
Tuyên bố được Wei đưa ra sau khi một số chuyên gia phân tích quân sự phương Tây tỏ ý hoài nghi về năng lực chiếm ưu thế trên không của J-20.
Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh, cho rằng những thiếu sót ở thiết kế và động cơ có thể khiến tiêm kích tàng hình Trung Quốc thất thế trong các cuộc không chiến với tiêm kích đời cũ như F-16 hay Su-35 chứ chưa nói đến máy bay tối tân như F-35 của Mỹ.
Wei cho rằng J-20 sở hữu các công nghệ điện tử và hàng không tối tân và vẫn có thể tiếp tục được cải tiến, nâng cấp để chiếm ưu thế vượt trội so với F-35 Mỹ trong tương lai.
"Các radar thụ động và radar bước sóng mét của J-20 hoàn toàn có thể phát hiện F-35 và chỉ thị cho các tên lửa phòng không HQ-9 và HQ-16 tiêu diệt chúng", Wei nhấn mạnh.
Học giả này cho rằng F-35 chỉ sở hữu ưu thế là tính năng tàng hình, nhưng có chi phí bảo dưỡng rất cao, trong khi lớp phủ tàng hình liên tục bị bào mòn và cần được sơn lại sau mỗi chuyến bay.
J-20 được Trung Quốc đưa vào biên chế đầu năm 2018 và là mẫu tiêm kích tàng hình duy nhất trong biên chế quân đội nước này hiện nay.
Trong video được đăng tải hồi tháng 2 năm 2025, cho thấy tiêm kích J-20 Trung Quốc mang 8 tên lửa tầm xa dưới cánh, cấu hình được ví như chế độ "Quái thú" của F-35 Mỹ.
Hình ảnh cho thấy một tiêm kích J-20 bay thấp với 8 tên lửa đối không tầm xa PL-15 ở các giá treo dưới cánh, gấp đôi cơ số đạn PL-15 có thể lắp ở khoang chứa vũ khí trong thân.
Đây là lần đầu tiêm kích J-20 Trung Quốc xuất hiện với dàn tên lửa và giá treo dưới cánh. Không rõ máy bay khi đó có mang tên lửa giấu trong thân hay không, nhưng giới phân tích quân sự chỉ ra rằng phương án này tương tự chế độ "Quái thú" của chiến đấu cơ tàng hình F-35 Mỹ.
"Chế độ Quái thú" không phải thuật ngữ kỹ thuật chính thức, mà là biệt danh được đặt cho cấu hình mang tải vũ khí tối đa của dòng F-35. Biện pháp này được áp dụng khi nó hoạt động trong môi trường ít nguy hiểm, đánh đổi tính tàng hình để cho phép máy bay mang lượng vũ khí nhiều gấp 4 lần so với chế độ thông thường.
Không rõ tiêm kích J-20 đang thử nghiệm chế độ "Quái thú" hay đã triển khai cấu hình vũ khí trong hoạt động thực tế.
Chuyên trang 19FortyFive cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ triển khai các phi đội J-20 hỗn hợp, trong đó những chiếc tàng hình sẽ là mũi nhọn giao chiến ở tiền phương, còn lực lượng dùng cấu hình "Quái thú" sẽ ở phía sau hỗ trợ khi cần tăng cường hỏa lực.