Thông tin dập tắt hi vọng của hàng ngàn giáo viên
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị về công tác tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS công lập trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019.
Trước đó, trong cuộc họp của HĐND TP Hà Nội hồi tháng 7/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, sẽ có phương án giải quyết cho các giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới (trước ngày 5/9/2019).
Đồng thời, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung còn cho biết: “Ban chỉ đạo của Thành phố sẽ họp và đưa ra phương án tối ưu nhất, trên tinh thần đối với tất cả những GV đã có kinh nghiệm, đã giảng dạy tốt, có thể chúng tôi sẽ đề ra phương án vừa xét tuyển vừa thi tuyển, đảm bảo ổn định cuộc sống của họ.
Đợt thi tuyển này phải đảm bảo mục tiêu giải quyết được tất cả những tồn đọng trong vòng khoảng 20 năm qua về vấn đề để GV hợp đồng quá lâu. Thông qua đợt thi tuyển lần này, mục tiêu của chúng tôi là tạo sự ổn định đối với toàn bộ hệ thống GV của thành phố để họ yên tâm dạy học”.
Đây là một phương án "vừa thấu tình, vừa đạt lý", một giải pháp hữu hiệu và hết sức nhân văn của Hà Nội đối với đội GV hợp đồng đã có nhiều đóng góp cho ngành GD&ĐT Thủ đô.
Trước đó, ngày 16/5/2019, UBND Thành phố Hà Nội có công văn số 1040/SNV-BCĐ về việc xin ý kiến hình thức tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục của TP Hà Nội năm 2019. Theo đề xuất này, Hà Nội sẽ có 3 phương án thi, tuyển dụng viên chức giáo dục: Phương án thứ nhất: Thi tuyển 2 vòng. Phương án thứ 2: Xét đặc cách cho một số trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức; Phương án thứ 3: Xét tuyển theo 2 vòng.
Theo quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP, ngoài phương thức tuyển dụng qua thi tuyển hoặc xét tuyển thì tuyển dụng viên chức còn được thực hiện thông qua tuyển dụng đặc biệt (đặc cách) với những điều kiện cụ thể.
Gần 3 nghìn giáo viên hợp đồng Hà Nội đang hoang mang trước nỗi lo mất việc khi thành phố sắp tổ chức thi viên chức ngành giáo dục bỗng được tiếp thêm hi vọng.
Gần 3 nghìn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn đang mong chờ Hà Nội thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng. |
Chậm trễ thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng?
Liên quan đến nội dung tuyển dụng đặc cách GV hợp đồng, tại cuộc họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 20/9, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết:
Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về GV hợp đồng, tại công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của VP Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đồng ý cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với GV đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Quy trình xét đặc cách thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý viên chức. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo vấn đề này. Tinh thần chung là những người ký hợp đồng trước ngày 31/12/2015, có đóng bảo hiểm thì giao cho chủ tịch UBND căn cứ vào vị trí việc làm, biên chế để tuyển dụng.
"Bộ Chính trị, Chính phủ đã có tinh thần chỉ đạo như vậy, đề nghị các địa phương thực hiện đúng chỉ đạo để tránh hiểu nhầm", ông Thăng nhấn mạnh.
Như vậy, đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị và lời hứa của người đứng đầu Hà Nội về vấn đề liên quan đến sự nghiệp của hàng nghìn giáo viên nhưng không hiểu vì lý do gì mà Hà Nội vẫn chưa thể “giải quyết dứt điểm vấn đề giáo viên hợp đồng” và suốt thời gian dài với nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều phương án đưa ra, rồi việc đâu vẫn nguyên đó?
Vướng mắc được xác định nằm ở điều kiện xét đặc cách (trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức) theo Khoản 7, Điều 2, Nghị định 161/2018/NĐ-CP:
“Người ký hợp đồng theo đúng quy định pháp luật làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.”
Đây chính là điều kiện loại bỏ hoàn toàn gần 3 nghìn giáo viên hợp đồng – khiến họ không đủ điều kiện xét đặc cách. Bởi hiện nay có rất ít các trường công trên địa bàn Hà Nội tự chủ thu chi.
Vậy là gần 3 nghìn GV hợp đồng chưa kịp vui mừng vì có cơ hội được "xét đặc cách" đã phải "ngã ngửa" nhận tin buồn vì dù có được xét đặc cách thì hầu hết họ cũng không thể có "vé" để lọt vào danh sách xét tuyển trong kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục của Hà Nội sắp tới.
Mới đây, trong đơn kiến nghị ghi ngày 4/10/2019 gửi các cơ quan chức năng, tập thể giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn vẫn mong đợi Hà Nội áp dụng phương thức thấu tình đạt lý để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên hợp đồng, đặc biệt là những người đã giảng dạy lâu năm.
Đại diện cho các GV hợp đồng huyện Sóc Sơn, thầy giáo Đặng Đình Thịnh, giáo viên hợp đồng trường THCS Xuân Thu (Sóc Sơn, Hà Nội), người có 22 năm công tác đưa ra 2 đề xuất:
1. Tạm ngừng kỳ thi tuyển viên chức dự kiến tổ chức từ ngày 15/10/2019 để giải quyết dứt điểm khiếu nại của các giáo viên;
2. Chờ văn bản hướng dẫn xét đặc cách của Bộ Nội vụ và xét tuyển đặc cách cho các GV theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng, Bộ Nội vụ và những điều Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã tuyên bố.
Trước thực trạng hiện nay, dư luận có quyền đặt câu hỏi về hiệu quả cũng như mục đích ban hành các chủ trương cũng như chỉ đạo của các cấp về vấn đề GV hợp đồng Hà Nội. Liệu có phải Hà Nội cố tình không thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng? Liệu các giáo viên hợp đồng, họ có thể lấy đâu làm điểm tựa và niềm tin để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người?.