“Gỡ điểm” thi tốt nghiệp môn Ngữ văn

GD&TĐ - Nếu có kiến thức vững vàng, phương pháp ôn thi và kỹ năng làm bài tốt, học sinh có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn sắp tới.

“Gỡ điểm” thi tốt nghiệp môn Ngữ văn

Đó là chia sẻ của thầy Lê Văn Hồng - Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp).

Nắm vững kiến thức trọng tâm của tác phẩm đã học

Có người cho rằng, hướng ra đề mới của Bộ GD&ĐT như hiện nay không cần phải học kỹ các tác phẩm có trong chương trình. Điều này không phải không có lý, nhưng xét cho kỹ, không một sĩ tử nào đi thi lại không cần kiến thức về bộ môn đã học, không một đề thi nào lại thoát ly hoàn toàn khỏi kiến thức trong sách giáo khoa.

Hơn nữa, trong hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đối với môn Ngữ văn ngày 15/4/ 2014 của Bộ GD&ĐT cũng đã ghi rõ “năm 2014 vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình và sách giáo khoa”

“Vì vậy, trong những ngày qua, chúng tôi đã bắt đầu cho học sinh làm quen với một số câu hỏi mới, trong đó sử dụng các ngữ liệu khá quen thuộc trong sách giáo khoa” - Thầy Hồng cho biết

Rèn luyện các kỹ năng

Quá trình ôn thi là quá trình làm quen và giải các dạng đề khác nhau. Qua đó giúp học sinh vừa ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản nêu trên vừa tạo lập các kỹ năng cần thiết cho một bài làm văn.

Theo hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đối với môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT: “Bài viết của học sinh được đánh giá dựa vào chuẩn kĩ năng viết nói chung và chuẩn kĩ năng viết kiểu văn bản nói riêng mà đề bài yêu cầu”. 

Vì vậy, để học sinh có thể đạt được điểm khá, giáo viên cần hướng dẫn học sinh rèn luyện các kỹ năng cơ bản sau :

Kỹ năng phân tích đề: Phân tích đề đúng sẽ giúp học sinh làm bài đúng nội dung cũng như đúng kiểu bài.

Kỹ năng lập dàn ý : Không có dàn ý, bài sẽ viết lung tung và sẽ không đúng với kiểu văn bản, bởi vì mỗi kiểu văn bản sẽ có một cách viết khác nhau.

Kỹ năng viết mở bài - kết luận: Giúp tiết kiệm thời gian, tạo cảm hứng và bắt mạch được bài viết để viết tốt phần thân bài.

Và cuối cùng là Kỹ năng tạo dựng đoạn văn/bài văn với các dạng đề khác nhau. Giáo viên nên cho học sinh các bài tập làm ở nhà để rèn luyện tốt kỹ năng này.

Với phần thi viết, giáo viên có thể cho học sinh tập phân tích đề, lập dàn ý và viết mở bài - kết luận ngay tại lớp. Phần còn lại cho làm ở nhà theo dàn ý để rèn luyện kỹ năng viết.

Giáo viên nên sửa bài cẩn thận, giúp học sinh nhận ra những sai sót của mình nhất là những lỗi về chuẩn kĩ năng viết kiểu văn bản.

Theo thầy Hồng, cũng có thể giúp học sinh viết những đoạn văn ngắn, vì có thể với thời lượng 120 phút, đề thi không yêu cầu viết một bài văn dài như lâu nay đã quen làm, mà chỉ là những đoạn văn ngắn với những yêu cầu cũng rất ngắn.

Nguyễn Thị Mai Chi lớp 12C6 Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) - Học sinh giỏi văn cấp tỉnh 2013 - 2014 :                                               

“Gỡ điểm” thi tốt nghiệp môn Ngữ văn ảnh 1Nguyễn Thị Mai Chi và  Thanh Thùy cùng bạn học trao đổi về môn Văn
Em rất bất ngờ và thích thú trước việc đổi mới về hình thức ra đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn như năm nay.                                         Với cách ra đề thi này, chắc chắn chúng em sẽ thay đổi được cách học vẹt, kiểu làm bài theo khuôn mẫu.                                                     Em có thể tự do "múa bút" theo cảm nhận, suy nghĩ của bản thân mình trước đề thi áp sát thực tế như thế này.

Tuy nhiên, sẽ có không ít bạn vẫn cảm thấy hơi hoang mang vì thời gian thi chỉ còn hơn 45 ngày. Bản thân em cho rằng, thay bằng lo lắng, hãy bình tĩnh, tỉnh táo trước những thay đổi và gấp rút triển khai phương pháp học tập mới để môn Văn trở nên gần gũi hơn.

Ngoài đọc, hiểu các nội dung sách giáo khoa, nên tìm hiểu các kiến thức ngoài thực tế, thông qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo chí, mạng xã hội,... 

Khi theo sát những sự kiện nhận được nhiều sự quan tâm đã và đang diễn ra xung quanh ta, chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc làm bài văn nghị luận xã hội.Nguyễn Thị 

Thanh Thùy lớp 12c4 - Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) - Học sinh giỏi Văn cấp tỉnh 2013 - 2014 :                                                               

Ra đề mở môn Ngữ văn là vấn đề được các thầy cô và tất cả học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp năm nay quan tâm. Mặc dù có nhiều ý kiến, quan điểm về vấn đề này, nhưng là một học sinh, em thấy cách ra đề mới thực sự có lợi.

Trước hết, nó giúp em ôn tập nhẹ nhàng hơn, có cơ hội đạt điểm thi cao hơn. Với cách ra đề này, các bạn sẽ phải tránh lỗi học vẹt, học tủ hay học một cách thụ động, máy móc mà phải tổng hợp liên môn để phát huy tính tích cực sáng tạo của mình.

Ngoài ra, với câu nghị luận xã hội, học sinh chúng em có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế em thấy vẫn còn không ít bạn chưa hiểu rõ, tỏ ra lo lắng, hoang mang, phải chuẩn bị ôn tập thế nào đây để đáp ứng tốt nhất ra đề theo cách mới.

Em cho rằng, các bạn chỉ cần nắm vững những nội dung, dẫn chứng trong sách giáo khoa, lắng nghe thầy cô giáo bài; chăm luyện văn và đặc biệt là nên theo dõi, cập nhật tin tức, những vấn đề "nóng" của xã hội để có thể vận dụng vào bài văn của mình. Chỉ cần như thế, các bạn có thể tự tin với môn Ngữ văn khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ