Cán bộ tuyển sinh giải thích rằng chỉ nhận hồ sơ qua đường bưu điện hoặc đăng ký xét tuyển trực tuyến, những thí sinh này mới “ồ, à” vì không hề cập nhật những thay đổi trong phương thức tuyển sinh,
“Nước đến đâu, nhảy đến đó”
Khi được hỏi đã thử đăng nhập để làm quen với việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến chưa, thí sinh Dương Thị Minh Hoàng (cựu HS trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng) cho biết:
“Em không biết năm nay thí sinh không được trực tiếp nộp hồ sơ tại trường ĐH mà phải nộp qua bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến. Đến tham gia Ngày hội tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng thì em mới biết thông tin này. Chắc trưa nay về thì em mới tìm hiểu cách thức đăng ký trực tuyến”.
Nhiều thí sinh cũng bày tỏ không biết những điều chỉnh mới của Bộ GD&ĐT trong cách thức nộp hồ sơ xét tuyển.
Trong Ngày hội tuyển sinh, dù đại diện Ban Giám đốc ĐH Đà Nẵng và cả Ban Đào tạo đều nhắc đi nhắc lại nhiều lần về quy định phương thức nộp hồ sơ, nhưng vẫn có nhiều thí sinh đứng lên thắc mắc rằng “nhà em ngay gần ĐH Đà Nẵng, cứ đến nộp hồ sơ trực tiếp thì có sao không”.
Hai mẹ con em Trần Hải Nhi (cựu HS trường THPT Phan Châu Trinh), có dự định nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, chia sẻ: “Trước đây chỉ tập trung cho ôn thi và thi thôi, giờ mới bắt đầu nghiên cứu để nộp hồ sơ xét tuyển, chọn trường, chọn ngành”.
Thí sinh Nguyễn Duy Hòa (Đà Nẵng) thì cho rằng “Còn nguyện vọng 2 dự phòng nữa nên nguyện vọng 1 thì em cứ nộp vào trường mình yêu thích, đỗ được thì tốt”. Với tổng điểm 3 môn thi là 18 điểm, Hòa dự nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành CNTT của trường ĐH Bách khoa và ngành Quản lý thông tin trường ĐH Kinh tế.
Công tác tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp ngày càng được tổ chức theo chiều sâu với sự tham gia của rất nhiều lực lượng, từ ban tư vấn của các trường THPT, các trường TCCN, CĐ, ĐH với rất nhiều kênh thông tin: qua báo chí, ngày hội tư vấn tuyển sinh, cán bộ làm công tác thu nhận hồ sơ hướng dẫn trực tiếp… Nhưng có vẻ như càng nhiều thông tin, nhiều hướng dẫn, được tạo điều kiện… thì thí sinh càng chủ quan.
Trong ngày hội tuyển sinh, ở phần thông tin chung tại hội trường, cán bộ Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng cứ “tua đi, tua lại” phần xét tuyển theo nhóm trường của ĐH Đà Nẵng vì cứ hết thí sinh này hỏi đến thí sinh khác. Lúc được giải thích thì không nghe, đến khi thấy cần mới bắt đầu hỏi. Không tập trung nghe tư vấn, cần đến đâu thì hỏi đến đấy, có khi viết giấy hỏi xong thì ngồi nói chuyện…
Cần nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh
Do năm nay thí sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã nộp hồ nên theo TS Trần Đình Khôi Quốc, thí sinh cần nghiên cứu kỹ tiêu chí phụ của các trường, ngành học, độ lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp trước khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Thí sinh cũng phải lưu ý các minh chứng kèm theo của đối tượng ưu tiên. Điều này là rất cần thiết để tránh tình trạng mới nhận giấy báo đỗ ĐH chưa được bao lâu thì lại có thông báo trượt do không đúng đối tượng ưu tiên như năm 2015.
Nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh, đặc biệt là các điều kiện đi kèm, các tiêu chí phụ, độ lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp… là trách nhiệm của mỗi thí sinh với tương lai của chình mình.
Như trường hợp 15 thí sinh đến trường ĐH Sư phạm Huế làm thủ tục nhập học theo giấy báo trúng tuyển trong mùa tuyển sinh năm 2015 thì được thông báo trượt ĐH vì hạnh kiểm 3 năm không đạt loại khá trở lên.
Nguyên nhân xuất phát từ chính thí sinh khi làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào trường đã không nghiên cứu kỹ các điều kiện kèm theo của trường trong quy chế tuyển sinh. Trong các chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm nay, điều này đã được các chuyên gia tư vấn đến từ Bộ GD&ĐT, các trường ĐH lưu ý rất kỹ với thí sinh để tránh những sai sót không đáng có.