Vẫn còn một cuộc chiến khác

GD&TĐ - Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã chính thức chấm dứt từ năm 1989 khi người lính cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi đất nước Chùa Tháp, nhưng có một cuộc chiến khác vẫn luôn diễn ra trong lòng các cựu binh từng có thời tham gia giải phóng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đó là nỗi day dứt về sự hy sinh của đồng đội, nhất là những anh em cho đến hôm nay vẫn chưa tìm được hài cốt hoặc thất lạc đâu đó ở các nghĩa trang liệt sĩ.

Từ nhiều năm qua, các đội quy tập hài cốt liệt sĩ đã trở lại chiến trường xưa, lục lọi trong ký ức của mình để lần tìm dấu vết mà mình đã từng chôn cất đồng đội lúc hy sinh với mong muốn mang được một chút kỷ vật, dù là nhỏ nhoi để trao lại cho gia đình các anh. Nhiều hình ảnh và câu chuyện rất xúc động liên quan đến việc đi tìm đồng đội này của các cựu chiến binh và các đội quy tập hài cốt liệt sĩ.

Hằng năm, các cựu chiến binh từng tham gia chiến trường K vẫn thường tổ chức gặp mặt ở một địa phương nào đó, thông báo cho đồng đội cả nước tụ về. Các anh thăm hỏi sức khỏe của nhau, tìm hiểu cuộc sống của từng gia đình, đồng đội nào quá khó khăn thì các cựu binh có điều kiện, mỗi người góp một tay giúp sức. Có một việc không thể thiếu trong những lần gặp gỡ này, đó là thông tin cho nhau về những liệt sĩ bị thất lạc.

Mỗi người tự lục trong ký ức của mình về liệt sĩ mà mình từng biết nhưng hiện nay không tìm ra, rồi thông báo cho nhau để tìm cho bằng được. Khác với thời chống Mỹ do điều kiện khó khăn nên phần lớn các liệt sĩ khi hy sinh sau mỗi trận đánh thường thì bỏ lại, các liệt sĩ hy sinh tại Campuchia đều được chôn cất cẩn thận tại các nghĩa trang của tiểu đoàn, trung đoàn hoặc có chiến sĩ được đưa về các nghĩa trang sát biên giới để chôn cất. Ấy thế mà vẫn thất lạc khiến cho gia đình phải tìm kiếm khắp nơi suốt mấy chục năm qua.

Chẳng hạn như mới đây, một liệt sĩ quê Quảng Nam, lính Sư đoàn 307 thuộc Quân khu 5 nhưng trong quá trình chiến đấu, một bộ phận của đơn vị lại tách ra để nhập vào lính Quân khu 7. Khi anh ấy hy sinh, phần mộ được di dời về một nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Đồng Nai.

Ấy thế mà gia đình đã đi tìm khắp các nghĩa trang dọc Tây Nguyên thuộc Quân khu 5 mấy chục năm qua mà vẫn bặt vô âm tín. Nhờ cuộc gặp mặt cựu binh mới đây, các đồng đội cũ đã lần theo dấu vết của phiên hiệu đơn vị từ 40 năm trước để cuối cùng tìm ra liệt sĩ ấy.

Nếu không nặng lòng với đồng đội mình, chắc hẳn gia đình liệt sĩ ấy sẽ mãi mãi thất lạc dù anh được chôn cất tại một nghĩa trang ở Đồng Nai!

Trong số những cựu binh luôn đau đáu với số phận các đồng đội mình hiện vẫn còn thất lạc, có một người gần như quanh năm, hễ có điều kiện là đi dọc các nghĩa trang biên giới thuộc Quân khu 5 để ghi chép cẩn thận về những liệt sĩ mà anh từng biết, rồi báo về cho gia đình của họ.

Đó là nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, lính thuộc biên chế Sư đoàn 307, Quân khu 5. Gần như năm nào, anh Đoàn Tuấn cũng tìm ra một vài đồng đội mà anh từng biết lúc ở chiến trường K đang nằm ở một nghĩa trang nào đó dọc biên giới Tây Nam để báo cho gia đình họ.

Có một cuộc chiến tranh không nghe tiếng súng đang diễn ra trong lòng các cựu binh từng tham gia ở chiến trường K. Cuộc chiến ấy chỉ có thể kết thúc khi những đồng đội cuối cùng của các anh được gia đình tìm thấy ở một nghĩa trang nào đó trên đất nước này. Cầu mong cho “cuộc chiến” ấy sớm kết thúc để các anh sống một cách thanh thản nhất trong những năm còn lại của đời mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ