Để sáng 6/10, khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về “Nhận diện thành tựu văn chương trong thời gian Hà Nội tạm chiếm 1947 - 1954”, bao kỷ niệm, nhớ thương, bao trăn trở suy tư của một thế hệ các nhà văn tài hoa với Hà Nội lại ùa về…
Những tác phẩm còn mãi với thời gian
Tại buổi tọa đàm, nhiều cái tên nhà văn được nhắc đến trong sự xúc động. Đó là “Viết trong Hà Nội” là tập tuyển dành cho những độc giả lưu tâm đến văn chương Hà Nội giai đoạn 1947 - 1954. Các tác giả thuộc lứa tiền chiến như Lê Văn Trương, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Bằng, Vũ Khắc Khoan, Ngọc Giao... Còn lại và nhiều nhất là các tác giả trẻ mới bắt đầu văn chương ngay trong thời kỳ ấy như Sao Mai, Hoàng Công Khanh, Hồ My, Nguyễn Minh Lang, Thy Ngọc, Băng Sơn…
Nhiều phân tích cho rằng đặc trưng của văn chương Hà Nội thời kỳ 1947 - 1954 là tình cảm của người yêu nước hướng về kháng chiến nhưng phải sống trong lòng địch, có người là cơ sở của kháng chiến hoặc trong các tổ chức hoạt động địch hậu, có người từng bị bắt bớ đi tù đầy.
Những giọng nói cảm xúc của văn chương thời kỳ ấy là tình cảnh đất nước chìm trong khói lửa tan tác, thê lương, là chí làm trai trong thời tao loạn, khát vọng nhiều mà như hồ sa cơ, là tiếng than, là nỗi nhớ con đường lý tưởng cao đẹp. Truyện ngắn phóng sự là các thể loại được vận dụng nhiều. Hà Nội thời ấy hình dung qua văn chương một cách sâu lắng và thấm đượm tình yêu quê hương, đất nước. Quán gió, Cầu sương, Đất, Xã Bèo, vẫn câu văn nhịp nhàng cân đối như thưở nào.
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ lại: Nhà văn Hoàng Công Khanh thời gian đó cho ra đời tác phẩm “Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu” và “Trại Tân bồi”. Các tác phẩm của nhà văn “trình làng” trong thời gian này thực sự bồi hồi, thu hút độc giả và đi vào lòng người đầy sâu lắng. Nhưng từ năm 1950, nhiều cây bút ngoài kháng chiến vì nhiều lý do phải hồi cư về Hà Nội, trong đó có nhà văn Hoàng Công Khanh.
Những tác giả thời kỳ này là người trẻ tuổi, là học sinh, sinh viên lớn lên trong Hà Nội hay từ kháng chiến trở về. Tuy hoàn cảnh sống của các tác giả khác nhau, sự từng trải cũng khác nhau nhưng viết là hoài bão sống của họ. Thời gian đó, không có một đoàn thể văn chương nghệ thuật nào đứng ra tập hợp lực lượng mà chỉ có tình cảm của độc giả, ý thức công dân Thủ đô và lòng yêu nước thương nòi liên kết tình cảm và ý chí của các tác giả lại.
Nhà văn Vũ Quần Phương cũng đã nhận định: Ở đâu có người Việt Nam thì ở đó có vui buồn, hy vọng, khát khao Việt Nam. Ở đó chắc chắn có văn chương Việt Nam với tất cả đặc thù của không gian, thời gian ấy. Đấy là máu thịt tâm hồn của dân của nước. Chúng ta trân trọng hết thảy, thâu nhận hết thảy, gạn đục khơi trong, tận tụy làm phong phú, làm giàu sang cho gia tài văn chương thiêng liêng của đất nước ta.
Nhà văn Hoàng Công Khanh - Một trong những cây bút có thành tựu văn chương trong thời gian Hà Nội tạm chiếm 1947 - 1954 |
Cháu con tự hào về cha ông một thời thăng hoa trên văn đàn
Đến dự buổi tọa đàm về nhận diện văn học thời kỳ tạm chiếm, những “người muôn năm cũ” giờ còn nhà văn Văn Long, nhà văn Lê Văn Ba, nay tuổi cũng đã hơn 80. Nhiều nhà văn thời kỳ ấy đã về “cõi khác”, không còn cơ hội nghe những lời khen ngợi, tán dương, những ghi nhận trân quý tác phẩm của mình. Đáng quý nhất là con cháu của các nhà văn như gia đình nhà văn Hoàng Công Khanh, Sao Mai... đã đến dự đông đủ, nghe để thấy thêm tự hào về người cha, người ông của mình đã từng có một thời lăn xả, thăng hoa trên văn đàn như vậy.
Họa sĩ Hoàng Hạnh Đào - con gái cố nhà văn Hoàng Công Khanh - xúc động tâm sự: Bố tôi đã đi xa 6 năm. Hôm nay, nghe các bạn văn kể lại các tác phẩm của ông, trân trọng những đóng góp của ông với văn chương Hà Nội, tôi cảm thấy rất xúc động, lại bồi hồi nhớ bố tôi đi xe đạp, tích cực tham dự các buổi tọa đàm như thế này…
Các nhà văn còn sống, gia đình các cố nhà văn đã khuất đều chung mong muốn Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ có không gian lưu giữ, giới thiệu phần tinh hoa của giai đoạn văn chương ngặt nghèo và quả cảm này của Hà Nội; mảng văn học thời gian tới sẽ được quan tâm nhiều hơn, đáp ứng lòng mong muốn của nhiều văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu văn nghệ cận hiện đại và tất cả những người yêu nền văn chương nước nhà.
Giáo sư Trần Hữu Tá - nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn nghệ trong lời giới thiệu Hoa đào năm cũ (9/2004) có viết: “Chúng ta mắc một “món nợ” lớn, đó là ghi nhận, đánh giá những hoạt động văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Hà Nội thời kỳ bị tạm chiếm 1947 - 1954. “Món nợ” càng khó trả khi năm tháng càng lùi xa, tài liệu càng mai một và nhân chứng lịch sử càng thưa vắng”…
Với buổi tọa đàm này, “món nợ” xưa đã có hồi đáp…