Áp lực vô hình
Sự phát triển của như vũ bão của công nghệ thông tin (CNTT) đã mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển nhiều lĩnh vực công nghệ hiện đại. Tuy nhiên học trò hiện nay cũng đang bị hút vào vòng xoáy của CNTT giải trí và văn hóa đại chúng. Nhiều em không cưỡng lại được hấp dẫn của thế giới mạng, trò chơi điện tử và chịu tác động, hệ lụy không nhỏ.
Có thể thấy khi bị hút vào các trò chơi trên mạng, các cuộc giao lưu trong thế giới ảo, học sinh thường trở nên ham mê, tiêu tốn thời gian. Mặt khác còn thụ động, máy móc và xa rời cuộc sống hiện tại hình thành hình thái tâm lý đặc biệt, xa rời bản chất nhân văn.
Có em tính cách có xu hướng bạo lực, mê đắm, mông muội khó tự chủ trong những hành vi ứng xử khi hòa nhập vào cuộc sống thực. Nhiều học sinh lối sống bản năng trỗi dậy và chi phối hành vi lối sống. Đó là lối sống hưởng thụ, ồn ào, thô ráp. Không còn giản dị, chân thực giàu tình cảm, tình người với bạn bè, gia đình…
Trong thế giới hiện đại, học sinh cũng hình thành lối sống hưởng thụ và tâm lý thực dụng ảnh hưởng sâu sắc. Nhiều em sống không có mục đích, thụ động, thiếu ý chí, nghị lực và mất dần khả năng sáng tạo.
Thậm chí sống một cách lạnh lùng, vô cảm thiếu khả năng bộc lộ thái độ và cảm xúc đúng đắn trước những cảnh huống trong đời sống hàng ngày.
Những áp lực học tập từ gia đình, nhà trường cũng là vấn đề mà học sinh phải đối diện hiện nay. Tình trạng quá tải trong học tập nhiều em luôn trong trạng thái lo lâu, phải dành nhiều thời gian cho học tập, trí não căng thẳng.
Hay tại gia đình, nhiều cha mẹ do mải mưu sinh, thiếu hiểu biết, sự quan tâm… đã không nắm bắt được quá trình phát triển và đòi hỏi của con cái. Dẫn tới tình trạng áp đặt, nuông chiều, buông lỏng hoặc bất lực trước những biến đổi tâm lý và tình cảm phức tạp của học sinh.
Với những áp lực từ nhiều phía, học sinh hiện nay không tránh khỏi những lúng túng, bỡ, ngỡ; Có em trở nên lầm lạc trong việc lựa chọn hành vi và lối soongs tích cực, dễ mắc sai lầm không chỉ hành vi mà cả trong lối sống…
Làm gì để giúp học sinh giảm và thoát khỏi những ảnh hưởng, áp lực của học tập và cuộc sống hiện đại đòi hỏi không chỉ trách nhiệm của xã hội, gia đình mà cần có vai trò to lớn của những người thầy.
“Điểm tựa” cho học trò
Ở thời đại nào thì vai trò của người thầy cũng không thể thiếu. Tuy nhiên, khi xã hội càng phát triển thì giáo dục càng đòi hỏi phải đổi mới, khoa học… để người thầy thực sự là “điểm tựa”, là cha mẹ thứ hai của học sinh.
Giáo dục nhân cách, phá bỏ “áp lực” cho học trò trong bối cảnh hiện nay theo quan điểm của thầy Đỗ Văn Giảng, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), đó là người thầy cần tránh khuynh hướng cầu toàn, đòi hỏi sự tuyệt đối trong giáo dục học sinh.
Cầu toàn là một đòi hỏi tích cực nhưng đòi hỏi một sự hoàn mỹ tuyệt đối về một nhân cách lại dựa trên những nhận xét và đánh giá cảm tính và hình thức dễ dẫn đến sự ngộ nhận hoặc bi quan trước những biến thái trong quá trình hình thành nhân cách học trò.
Trong quá trình định hình nhân cách nói chung ở mỗi người bao giờ cũng tồn tại hai mặt đối lập. Đó là tích cực và tiêu cực. Nhiệm vụ của nhà giáo ở dây là giúp học sinh biết tự điều chỉnh để trở nên tích cực hơn và giúp các em tránh mặc cảm về những hạn chế của mình.
Khuynh hướng cầu toàn trong giáo dục nhân cách có khi dẫn tới sự phủ nhận và cố chấp dễ gây cho các em tâm lý bi quan, trở nên nhu nhược, thiếu tự tin, thụ động không có khả năng sáng tạo và dễ trở thành người chỉ biết tuân thủ và thuần phục.
Mặt khác, người thầy cũng tránh đối xử thiên vị, thiếu công bằng với học sinh. Khuynh hướng này dễ xảy ra do thành kiến giữa thầy và trò hoặc từ các mối quan hệ tế nhị khác. Cách đối xử như vậy dễ gây bức xúc mất niềm tin trong học sinh và từ đó có thể gây ra những hậu quả khó lường trong quan hệ thầy trò, làm tổ thất uy tín của người thầy.
Thầy Đỗ Văn Giảng khẳng định: Để có thể làm tốt việc giáo dục nhân cách cho học sinh người thầy bao giờ cũng phải là “một tấm gương”, đó là một “định ước” mang tính tất yếu của nghề nghiệp.
Khó có thể nói trong hoàn cảnh hiện nay người thầy chỉ cần làm tốt chuyên môn là trở thành một tấm gương cho học sinh noi theo. Nhân cách tốt đẹp của người thầy bao giờ cũng là hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí học sinh và góp phần làm nên nhân cách tích cực cho các em…
Cô Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho rằng: Giáo dục nhân cách học trò cần xuất phát từ sự yêu thương tôn trọng của người thầy. Cần biết lắng nghe, chia sẻ, cảm thông để giúp đỡ các em với tấm lòng khoan dung, độ lượng.
Ở độ tuổi mới lớn, đang trưởng thành, các em còn chưa đủ khả năng làm chủ mình để vượt qua những nhận xét, đánh giá nặng nề. Kể cả cha mẹ cũng không nên nói, làm những việc thiếu chuẩn mực bởi như vậy sẽ gây cho các em cảm giác bị xúc phạm và từ đó dẫn đến những hiệu ứng tâm lý tiêu cực.
Cô Hải khẳng định, cần bền bỉ và kiên nhẫn trong giáo dục học sinh. Và để làm được điều đó trước hết thầy cô cần bình tĩnh, tránh nóng nảy hồ đồ, cáu kỉnh. Mọi động thái tỏ ra nôn nóng, bực dọc thường gây tâm lý sợ hãi bất an và các em dễ trở nên xa lánh hoặc khinh nhờn thái độ và biện pháp giáo dục.
Và để bền bỉ, kiên nhẫn đòi hỏi người thầy phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo; Trước những biểu hiện tiêu cực của học sinh cần tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân để có giải pháp giáo dục thích hợp. Tránh bộc lộ chán nản hoặc thoái thác trách nhiệm trước học sinh về những vấn đề gay cấn, phức tạp…