Đoạn trích 'Người thầy đầu tiên', Ngữ văn lớp 8, tập 2, Cánh diều:

Vai trò của miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự

GD&TĐ - Gần như không có tác phẩm tự sự nào không kết hợp phương thức miêu tả và biểu cảm. 

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Để rồi từ đó câu chuyện được kể trở thành những áng văn đi cùng năm tháng. Người thầy đầu tiên của nhà văn Kyrgyzstan – Aitmatov chính là một minh chứng rõ nét cho điều đó mà đoạn trích “Hai cây phong” là một đoạn văn tiêu biểu.

Aitmatov dẫn ta đến với đất nước Kyrgyzstan, kể cho chúng ta nghe một câu chuyện của đất nước Kyrgyzstan, một câu chuyện về làng Kurkureu nằm ven chân núi, nơi có những khe nước ào ào từ nhiều ngách đá đổ xuống, phía dưới làng là thảo nguyên Cadacxtan mênh mông…

Câu chuyện xảy ra cách đây gần một trăm năm mà chúng ta thấy gần gũi như ở đất nước Việt Nam bởi sự tương đồng trong một giai đoạn lịch sử, trong tình cảm của con người với con người, trong đạo lý thầy trò.

“Người thầy đầu tiên” là câu chuyện về một người lính phục viên - một đoàn viên Cômxômôn vào buổi đầu của Cách mạng tháng Mười đã tình nguyện đến vùng quê heo hút, hẻo lánh xứ núi đồi Trung Á để gieo lên những hạt mầm ánh sáng đầu tiên cho lớp trẻ.

Những đứa trẻ thất học trong tăm tối của kiếp người bán du mục quanh năm chỉ biết quẩn quanh thôn bản của mình đã được khai sáng bằng một người thầy giáo chưa biết hết mặt chữ và giáo cụ chỉ có mỗi bức chân dung Lênin.

Chuyện về thầy giáo Đuysen, về hai cây phong chỉ là một câu chuyện giản dị nhưng đã được Aitmatov kể lại bằng sự biến hóa tài tình trong ngôn ngữ. Ở đó không chỉ có ngôn ngữ kể chuyện, trần thuật mà còn có ngôn ngữ tâm lý, ngôn ngữ hình tượng. Nhà văn đã hóa thân tài tình vào nhân vật “tôi”, người họa sĩ để vẽ lại hai cây phong bằng từ ngữ, câu văn đầy chất tạo hình và giàu tính nhạc.

Gắn với mỗi vùng đất, với mỗi con người đều có những loài cây, có những loài hoa bình dị, mộc mạc nhưng rất đỗi thiêng liêng. Nó trở thành một phần không thể thiếu, một mảng kí ức vẹn nguyên đủ sức vượt qua sự băng hoại của thời gian. Những cây phong trên đồi cao nơi làng Kurkureu của đất nước

Kyrgyzstan là một ví dụ điển hình cho điều đó. Nó không phải tự nhiên mà được bắt nguồn từ một con người bình dị nhưng toả ra ánh sáng riêng và rọi vào tâm hồn mỗi cô cậu học trò mãi mãi cả cuộc đời – thầy Đuysen. “Một hôm, thầy Đuysen mang về trường hai cây phong và nói với

Altunai: “Hai cây phong này, thầy mang về cho em đây. Chúng ta sẽ cùng trồng. Và trong khi chúng lớn lên, ngày một thêm sức sống, em sẽ trưởng thành, em sẽ là một người tốt...”. Đây là một trong những chi tiết đặc sắc, quan trọng của tác phẩm Người thầy đầu tiên của nhà văn Kyrgyzstan - Aitmatov.

Câu chuyện khiến tôi rưng rưng xúc động và vấn vương mãi không thôi khi mỗi lần cầm lên trang sách. Từ thuở nhỏ, tôi đã từng đọc đoạn trích “Hai cây phong”. Với tôi, trang sách đã mang đến những ấn tượng sâu đậm với hình tượng người thầy Đuysen cùng cô học trò Altunai.

Cho đến khi tiếp cận toàn bộ tác phẩm, tôi càng thấm thía hơn về hình tượng cây phong, về người thầy giáo khiêm nhường, hiền hậu – Đuysen. Và cũng không hiểu từ bao giờ, Đuysen cũng đã trở thành người thầy của chính tôi để lòng tôi luôn dậy lên cảm giác kính trọng, yêu mến khi nghĩ về thầy cô giáo của mình.

***

Một trong những hình ảnh bìa sách 'Người thầy đầu tiên'. Ảnh: ITN

Một trong những hình ảnh bìa sách 'Người thầy đầu tiên'. Ảnh: ITN

Đọc những trang văn của Aitmatov, trước mắt chúng ta sừng sững hiện lên hai cây phong to lớn, hiên ngang đứng giữa ngọn đồi đầu làng. Từ xa nhìn lại ngỡ như thấy những ngọn hải đăng đặt trên núi.

Hải đăng là ngọn đèn đứng trên bờ biển, toả ánh sáng soi đường dẫn lối cho những người dân chài lưới, dẫn dắt những con tàu cập bến. Đó là một lối miêu tả qua hình ảnh so sánh đặc sắc và đặc biệt.

Không gì có thể có ý nghĩa hơn bởi hai cây phong là hình ảnh vừa quen thuộc vừa thiêng liêng, là mảnh hồn làng trong tâm tưởng của nhân vật “tôi” và cả “chúng tôi”. Hai cây phong không phải là món quà của tự nhiên nhưng đã từ rất lâu, những đứa trẻ đã biết chúng từ thuở bắt đầu biết mình.

Và cũng rất tự nhiên, hình ảnh hai cây phong đã trở thành của riêng làng Kurkureu, trở thành cột mốc định hướng cho mọi người tìm đến, tìm về dẫu có lúc lầm đường lạc lối. Riêng đối với “tôi” – người họa sĩ, “mỗi lần về quê, khi xuống xe lửa đi qua thảo nguyên về làng, tôi đều coi bổn phận đầu tiên là từ xa đưa mắt tìm hai cây phong thân thuộc ấy”.

Anh đã dành tình cảm đặc biệt với hai cây phong như với những người bạn, nhìn bằng cặp mắt chan chứa tình cảm yêu thương, nên dù khó nhìn đến mấy, anh bao giờ cũng cảm biết được chúng, lúc nào cũng nhìn rõ. Hai cây phong đã trở thành một phần tâm hồn của anh, chi phối cả niềm vui, nỗi buồn của người hoạ sĩ.

Bằng tình yêu ấy, anh đã tạo nên một bức tranh thật sinh động, đẹp đẽ. Cũng bằng tình yêu ấy mà “tôi” nghe được tiếng nói riêng, những lời ca êm dịu của hai cây phong, hai sinh thể sống động như con người. Một bức tranh ngân nga cả những giai điệu “tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất”.

Khắc họa ấn tượng hình ảnh ấy, Aitmatov đã vận dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm. Đoạn văn miêu tả hình ảnh hai cây phong đẹp như một bài thơ, như một khúc hát về một loài cây “có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu”.

Có lẽ chính tình yêu quê hương của người hoạ sĩ đã đem đến cảm giác choáng ngợp say sưa ấy: “Dù ta tới đây vào lúc nào, ban ngày hay ban đêm, chúng cũng vẫn nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau. Có khi tưởng chừng như một làn sóng thủy triều dâng lên vỗ vào bãi cát, có khi lại nghe như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm chuyển qua lá cành như một đốm lửa vô hình, có khi hai cây phong bỗng im bặt một thoáng, rồi khắp lá cành lại cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào”.

Ngay cả khi gió mưa, bão tố hai cây phong ấy vẫn như một con người bền bỉ kiên cường đối chọi với sức mạnh tàn phá của bão dông, “nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực”.

Cách miêu tả thật chi tiết, cụ thể, từ xa đến gần, từ màu sắc đến âm thanh. Hệ thống từ ngữ giàu tính tạo hình để tái hiện một không gian vừa bao la, vừa thiêng liêng nhưng cũng rất gần gũi. Hai cây phong mang chở cả linh hồn quê hương, đất nước.

Cảm nhận của tuổi thơ đã được người họa sĩ ấy trân trọng gìn giữ, và gửi gắm với chúng ta bằng những xúc cảm chân thành nhất, những câu từ đậm chất thơ, chất hoạ và chất nhạc vấn vương.

Bởi lẽ cây phong ấy đã gắn với cả một thời tươi đẹp: “Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh...”. Hình ảnh thời ấu thơ đã tạo thành không gian cổ tích rất riêng, phải chăng chính từ tình yêu và sự gắn bó với hai cây phong, đã làm cậu bé năm xưa lớn lên trở thành họa sĩ với mong muốn vẽ lại linh hồn nồng thắm của làng quê?

***

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Tuổi thơ vui tươi gắn với bao tháng ngày hồn nhiên, thơ mộng bên hai cây phong ấy có thể khiến các cô, cậu bé quên đi người đã vun mầm, ấp ủ những niềm hi vọng, đem lại hạnh phúc tuổi thơ. Đó cũng là điều dễ cảm thông cũng như các em đôi khi không hiểu vì sao trường học được gọi là trường Đuysen.

Nhưng có một điều có thể khẳng định rằng hai cây phong của người chiến sĩ Hồng quân, đoàn viên thanh niên cộng sản Đuysen đã cùng trồng với em bé khốn khổ Altunai trong những ngày làng Kurkureu còn chìm đắm trong lạc hậu tối tăm và những hủ tục còn đè nặng trong đời sống dân làng những năm đầu sau cách mạng tháng Mười đã trở thành chứng nhân cho sự lớn khôn của bao thế hệ.

Và thầy Đuysen, sau bao tháng ngày cần mẫn, miệt mài bên lớp học ấy vẫn ở lại với làng, để trở thành một ông lão đưa thư mẫn cán. Có lẽ, điều thôi thúc và níu giữ bước chân của người thầy giáo, người cộng sản đáng kính - Đuysen chính là ở niềm tin bất diệt, tin vào bao thế hệ học sinh như Altunai mà trong nhật ký của mình người nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã từng dẫn lời trong “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”: “Tinh thần của người Cộng sản trong suốt như pha lê, rắn chắc như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng”.

Hai cây phong vì vậy đã trở thành biểu tượng, thành minh chứng cho sự hy sinh lặng thầm của những người cộng sản trẻ tuổi đã không ngại ngần cống hiến thời thanh xuân tươi đẹp cho quê hương, đất nước. Thầy Đuysen là hình tượng của người lính cách mạng thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, những người đã quên thân mình vì sự nghiệp chung, vì tương lai của đất nước.

Thầy đã thức dậy những khao khát tiềm tàng trong học trò của mình, biết thắp lên niềm hy vọng ở tương lai. Ánh sáng mà thầy mang lại cũng chính là ngọn hải đăng rực sáng cho thế hệ trẻ ở đó thoát khỏi sự tăm tối của những định kiến cổ hủ, lạc hậu.

Và câu chuyện đã có khúc vĩ thanh thật giàu ý nghĩa. Altunai trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm, tôi là một hoạ sĩ và bao học trò khác đã tìm thấy niềm vui trong cuộc đời vốn chật hẹp. Và thật đáng quý biết bao khi gặp lại hai cây phong, được sống lại thế giới tuổi thơ mơ mộng họ luôn nhớ tới và biết ơn lớp người đi trước, mở đường và gieo trồng những hạt giống, vun xới và thức tỉnh con người đứng lên.

Đó là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa nhân văn uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ, là lời tự nhắc mình không được lãng quên cội rễ, quê hương.

Khép lại trang sách nhưng những dư âm vẫn mãi ngân vang. Không chỉ là hai cây phong, là làng Kurkureu yên bình, thơ mộng, không chỉ thầy Đuysen mà ẩn sau đó là tình thầy trò cao đẹp, là sức sống dẻo dai, sự vươn lên mạnh mẽ của một lớp người tuổi trẻ trên đất nước Kyrgyzstan những năm hai mươi của thế kỉ trước. Và để rồi mỗi chúng ta đều nhận ra rằng: Chỉ có ánh sáng của tri thức, của niềm tin, của tình yêu thương mới dẫn chúng ta tới xứ sở của thành công, hạnh phúc.

Tự sự là một trong những phương thức biểu đạt thông dụng nhất để trình bày, trao đổi thông tin. Văn tự sự được dùng để kể hoặc tường thuật lại các sự kiện theo một trình tự nhất định, nối tiếp nhau tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Những áng văn tự sự hay có sự đan cài nhuần nhuyễn với yếu tố miêu tả, biểu cảm để tăng hiệu quả diễn đạt.

Miêu tả là vẽ lại bằng ngôn ngữ một sự vật, sự việc, phong cảnh hoặc con người sao cho thật chân thực, cụ thể, sinh động. Biểu cảm là bày tỏ những tình cảm, cảm xúc, tư tưởng, suy nghĩ của người viết. Miêu tả và biểu cảm giúp câu chuyện được kể trở nên sinh động, hấp dẫn và có sức truyền cảm mạnh mẽ, thông điệp đến với người đọc sẽ sâu sắc hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ