Bí quyết để giờ văn miêu tả trở nên hấp dẫn

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Hồng (Trường tiểu học Tân Lập, Bá Thước, Thanh Hóa) chia sẻ kinh nghiệm chỉ đạo đổi mới tiết dạy Văn, giúp giáo viên khi dạy văn miêu tả dẫn dắt học sinh cảm nhận và đến với đối tượng một cách tự nhiên, khai thác nội dung khéo léo, sáng tạo, tinh tế., tránh đơn điệu, khô cứng.

Bí quyết để giờ văn miêu tả trở nên hấp dẫn

Hoạt động nhóm lớn

Khi tổ chức hoạt động nhóm lớn, giáo viên tổ chức trò chơi “Vẽ quê hương” trong thời gian từ 10 - 15 phút. Hoạt động này thay cho bước hướng dẫn học sinh đọc đề, tìm hiểu và phân tích đề trong quy trình dạy học phân môn tập làm văn chương trình hiện hành.

Trò chơi không sử dụng màu sắc để vẽ mà dùng ngôn ngữ (nói, viết) để tái hiện bức tranh của mình. Mỗi nhóm sẽ vẽ lại một bức tranh về quê hương khi mùa xuân đến (theo nội dung yêu cầu của đề) bằng cách liệt kê (viết ra) những hình ảnh sẽ vẽ và sắp xếp hình ảnh một cách hợp lí.

Từng học sinh trong nhóm sẽ tự lựa chọn cho mình những cảnh vật yêu thích để đưa vào bức tranh và chuẩn bị nội dung thuyết trình, giới thiệu (mô tả ) về hình ảnh, đối tượng đã lựa chọn.

Sau khi học sinh nhận xét kết quả các nhóm bạn, giáo viên nhận xét phần trình bày của các nhóm, khen ngợi học sinh biết diễn đạt trôi chảy, dùng từ hay…; cuối cùng chốt nội dung kiến thức sau trò chơi:

Bức tranh quê hương có rất nhiều cảnh đẹp làm ta thêm yêu, thêm quý. Thông qua trò chơi các em đã biết lựa chọn những hình ảnh đặc sắc để đưa vào bức tranh của mình.

Khi nói đến quê hương, chúng ta có thể kể đến rất nhiều cảnh vật như cây đa, giếng nước, dòng sông, con suối, ruộng lúa, đồi núi, nhà cửa, con đường, hàng cây… Nhưng quê hương vào mùa xuân thì phải gắn với các loài hoa trong đó nổi bật là hoa đào, hoa mai, hoa mận, quất; cảnh người qua lại tấp nập trên đường…Dựa vào nội dung đã trình bày các em hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh tả lại quê hương em khi mùa xuân đến (theo đề bài dưới đây).

Hoạt động cá nhân

Ở hoạt động này, học sinh làm bài viết trong thời gian từ 25 - 30 phút. Hoạt động này có thể tiến hành theo hình thức nhóm đôi, nhóm lớn hoặc cá nhân.

Giáo viên nên chuẩn bị 1 bảng mẫu để minh họa trong phần chốt nội dung sau trò chơi và chuẩn bị 1 số câu văn hay gắn với nội dung đã liệt kê để giới thiệu cho học sinh tham khảo trước khi làm bài viết.

Trò chơi là hoạt động khởi động nhằm giảm bớt căng thẳng, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập song lại là bước chuẩn bị quan trọng cho phần bài viết nên giáo viên phải hướng tập trung học sinh vào vấn đề cần tả theo yêu cầu của đề.

Chỉ đưa ra đề bài hoàn chỉnh khi kết thúc hoạt động 1 để học sinh thực hiện việc tìm hiểu đề một cách tự nhiên như đang tham gia trò chơi, không bị áp lực bởi bài văn viết.

Trong phần trình bày kết quả thảo luận có thể để mỗi học sinh trình bày một nội dung tức là mỗi học sinh sẽ nêu miệng câu văn tả về cảnh đẹp mình thích hoặc 1 học sinh đại diện nhóm trình bày tất cả nội dung theo sự thảo luận của nhóm.

Khi học sinh trình bày giáo viên cần chú ý sửa cách dùng từ, diễn đạt để hạn chế lỗi trong bài văn viết ở hoạt động 2.

Phân môn tập làm văn có quan hệ chặt chẽ với các phân môn khác như: tập đọc, chính tả, luyện từ và câu, THXH, đạo đức… nên giáo viên cần chú ý tích hợp kiến thức khi giảng dạy và rèn kỹ năng sống cho học sinh.

Một số nội dung kiến thức giúp học sinh rèn kỹ năng viết văn miêu tả

Cô Nguyễn Thị Hồng lưu ý: Mỗi giáo viên khi dạy học sinh viết văn miêu tả cần chú ý các nội dung cơ bản sau:

Bài văn miêu tả phải thể hiện được trọng tâm, nhấn mạnh được đặc điểm mà bản thân đặc biệt quan tâm, yêu thích.

Lựa chọn và sử dụng đa dạng các loại từ gợi tả như: từ láy, từ gợi tả hình ảnh (từ tượng hình), từ gợi tả âm thanh (từ tượng thanh), từ gợi tả mức độ giúp cho việc miêu tả trở nên sinh động, gợi cảm, hấp dẫn, cuốn hút người đọc, người nghe và làm nổi bật trọng tâm bài miêu tả;

Hiểu rõ tác dụng dấu câu áp dụng vào văn viết; nắm vững các dạng cấu trúc câu: câu kể, câu cảm, câu ghép; vận dụng phù hợp hình thức liên kết câu trong đoạn như : thay thế từ ngữ, lặp từ ngữ; sử dụng hợp lí các biện pháp so sánh, nhân hoá…

Muốn có câu văn hay trước hết học sinh phải phải biết lựa chọn từ ngữ phù hợp. Lựa chọn từ ngữ không phải là việc làm mới mẻ mà là việc làm thường xuyên, song giáo viên cần có cách để giúp học sinh có vốn từ phong phú và sử dụng vốn từ một cách hợp lí, chính xác, có hệ thống.

Cách sử dụng câu cảm khi miêu tả cũng rất quan trọng. Câu cảm là loại câu bộc lộ cảm xúc, tình cảm của người viết. Sử dụng câu cảm khi miêu tả tức là thông qua câu cảm để bộc lộ cảm xúc, tình cảm của mình với đối tượng được tả. Cảm xúc tự nhiên, chân thành ấy dễ cảm hóa người đọc, người nghe ngay từ câu mở đầu bài viết hoặc đọng lại trong phần kết của bài viết.

Vì vậy, giáo viên cần rèn kĩ năng viết câu cảm thán cho học sinh khi viết văn miêu tả để làm tăng giá trị bài viết.

Khi học sinh đã nắm vững yêu cầu của đề tức là xác định được đối tượng, nội dung cần tả; để bài văn có điểm nhấn, giáo viên tiếp tục thực hiện hoạt động rèn kỹ năng sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hoá, đảo ngữ, điệp ngữ cho học sinh để đưa vào bài văn viết.

Tuy nhiên, theo lưu ý của cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên muốn dạy tốt môn Tập làm văn nói chung và dạy Tập làm văn miêu tả nói riêng cần chú ý hai yếu tố cơ bản đó là: Phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và nội dung dạy học.

Về phương pháp, hình thức dạy học giáo viên phải vận dụng sáng tạo chuyên đề trò chơi học tập ở tiểu học để xây dựng các trò chơi học tập phù hợp với từng nội dung bài học, phù hợp với đối tượng học sinh lớp mình phụ trách.

Về nội dung, để rèn kỹ năng viết văn miêu tả cho học sinh giáo viên phải chú ý rèn các kỹ năng: Lựa chọn từ ngữ, lựa chọn hình ảnh, sử dụng hình ảnh đối lập, câu cảm thán, các biện pháp nghệ thuật nhân hóa, so sánh, đảo ngữ, điệp ngữ khi miêu tả.

Ngoài các yếu tố trên, giáo viên phải chú ý khắc phục các lỗi viết văn của học sinh cả về nội dung và hình thức trình bày như lỗi về chính tả, lỗi viết câu, lỗi về ngữ pháp, lỗi về bố cục, lỗi diễn đạt, lỗi trình bày… để bài văn đạt hiệu quả cao.

Việc rèn kĩ năng viết văn nói chung, văn miêu tả nói riêng cho học sinh khá giỏi không bị hạn định thời gian, nên với mỗi đề văn miêu tả giáo viên nên luyện kĩ các thao tác: Lựa chọn hình ảnh - lựa chọn từ ngữ - lưạ chọn hình ảnh đối lập – viết câu cảm thán - sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, đảo ngữ, điệp ngữ trước khi học sinh viết bài để tạo điểm nhấn cho bài viết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ