Vai trò chủ lực của đổi mới giáo dục

GD&TĐ - "Trong công cuộc đổi mới, tâm điểm của đổi mới giáo dục, những người sẽ đóng vai trò chủ lực đưa cuộc cải cách giáo dục đi đến thành công chính là đội ngũ nhà giáo. Họ sẽ là những người đi tiên phong, là chủ thể, là lực lượng trực tiếp đóng góp vào sự đổi mới trong giáo dục".

Tâm điểm của đổi mới giáo dục, những người sẽ đóng vai trò chủ lực đưa cuộc cải cách giáo dục đi đến thành công chính là đội ngũ nhà giáo. Ảnh minh họa/internet
Tâm điểm của đổi mới giáo dục, những người sẽ đóng vai trò chủ lực đưa cuộc cải cách giáo dục đi đến thành công chính là đội ngũ nhà giáo. Ảnh minh họa/internet
Nhà giáo dục nhận thức được giáo dục là một xu thế toàn cầu cũng tức là họ nhận thức được vị trí, vai trò của mình trong quá trình ấy. Trước những nhiệm vụ mới của thực tiễn, họ phải là người tìm ra được con đường, phương pháp, không ngừng mở rộng nghiên cứu, thu nhận tri thức, tiếp cận với công nghệ giáo dục mới để có thể là người trực tiếp định hướng, phân khối lượng trí thức khoa học cho người học.

Th.s Ngô Thị Phương Thảo - Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên nhấn mạnh trong bài tham luận của mình tại Hội thảo quốc tế năm "Phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Xu hướng Việt Nam và thế giới".

Theo Th.s Ngô Thị Phương Thảo, để đáp ứng được với yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn xã hội; đặc biệt là với yêu cầu ngày càng cao của người được giáo dục thì đòi hỏi bản thân mỗi nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục một cách toàn diện.

Trước hết cần phải thấy rằng: Đổi mới giáo dục đang là một xu thế toàn cầu. Trong xu thế ấy đòi hỏi mọi lực lượng vật chất phải thay đổi, sáng tạo để thích nghi với sự biến đổi mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của xã hội thông tin và sự phát triển của kinh tế tri thức.

Nhà giáo dục phải là những người nhận thức và nắm rõ quy luật ấy. Họ là người biết cách nhìn nhận, nắm bắt những chuyển biến hết sức mạnh mẽ của tri thức xã hội và không ngừng mang những tri thức ấy truyền thụ đến đối tượng người học. Qua đó, là người giúp người học tiếp nhận, đánh giá và áp dụng những tri thức mới vào thực tiễn để cải tạo và biến đổi thực tiễn.

Để làm sao cho lượng tri thức ấy vừa đủ, phù hợp và đạt hiệu quả giáo dục cao nhất. Đó là những vấn đề của nhà giáo dục. Chính trong quá trình ấy họ tự giáo dục mình, tự mở rộng mình, biến mình trở thành người chủ động, tích cực của quá trình giáo dục.

Từ đó, mang lại những tri thức mới, những giá trị mới trong việc đào tạo nên lực lượng lao động có tri thức và văn hóa cao, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về sản xuất của quá trình quốc tế hóa.

Thứ hai, nhà giáo dục trong quá trình giáo dục phải là người biết tổng kết thực tiễn, luôn luôn gắn lý luận với thực tiễn, biết nhìn ra chiều hướng của sự vận động, phát triển của thế giới và sự vật, hiện tượng.

Điều này được xuất phát từ những biến chuyển mạnh mẽ của thế giới con người; xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam; xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của quá trình giáo dục, của người học và đặc biệt là xuất phát từ nhu cầu phát triển tự thân của nhà giáo dục.

Bởi có nhận thức được những vấn đề trên và phải có quyết tâm đổi mới trong tư duy, Trong phương pháp giáo dục thì nhà giáo dục mới không tự đào thải mình ra khỏi quá trình phát triển của quá trình giáo dục ấy, mới vươn lên trở thành nhà giáo dục có tri thức, có văn hóa trong thời đại mới.

Xã hội hiện đại đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: từ những biến đổi về khí hậu, những thay đổi theo chiều hướng ngày càng đáng báo động của tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đến những biến động quân sự - chính trị, nhà giáo dục phải trang bị cho các thế hệ tương lai năng lực thích ứng cao trước những biến động của thời cuộc và yêu cầu về trách nhiệm của những công dân toàn cầu.

Nhà giáo dục là người thực hiện những nhiệm vụ giáo dục của ngành giáo dục. Ảnh minh họa/internet
Nhà giáo dục là người thực hiện những nhiệm vụ giáo dục của ngành giáo dục. Ảnh minh họa/internet

Thứ ba, nhà giáo dục tham gia vào quá trình giáo dục và họ là những người nhìn ra sự tha hóa của đời sống đạo đức xã hội, trước nhất là trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay.

Mặt khác, ý chí quyết tâm vươn lên của họ còn hạn chế. Điều này đòi hỏi Nhà giáo dục phải có một phong văn hóa rộng, phải là một tấm gương đạo đức và có một nhân cách tạo dựng được niềm tin đối với người học, với gia đình và với xã hội.

Những sự tha hóa trong đời sống đạo đức xã hội đang có những biểu hiện tiêu cực trong thế hệ trẻ, đòi hỏi cả hệ thống giáo dục và trực tiếp là nhà giáo dục phải tăng cường trang bị nền tảng văn hóa, kỹ năng sống và các giá trị đạo đức cho người học. Đó là một yêu cầu bức thiết của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Trong đó, nhà giáo dục trước tiên phải nhận thức được vai trò của giáo dục đạo đức con người và ứng dụng, mang nó vào trong từng bài giảng, từng hoạt động giáo dục.

Đây là một việc làm khó khăn, đòi hỏi Nhà giáo dục một mặt phải biết tích lũy, kế thừa và phát huy những giá trị của đạo đức truyền thống dân tộc, mặt khác phải biết làm mới nó, mang nó vào trong từng hơi thở trí thức, từng hoạt động giáo dục và cần thiết là phải phù hợp với đối tượng người học.

Ở đó Nhà giáo dục không chỉ dạy chuyên môn, dạy kỹ năng mà còn phải dạy từng bài học đạo đức, dạy văn hóa làm người. Thông qua quá trình đó, nhà giáo dục cũng tự hoàn thiện bản thân mình và không hoàn thiện mình cả về trí thức, về đạo đức để có thể trở thành người chở “Đạo” và một tấm gương đạo đức mẫu mực.

Thứ tư, nhà giáo dục là người thực hiện những nhiệm vụ giáo dục của ngành giáo dục, thực hiện triết lý giáo dục của Đảng cộng sản Việt Nam, cho nên họ cần là những người nhìn thấy được những vấn đề của giáo dục nước nhà hiện nay và phải là người đóng góp vào việc khắc phục những hạn chế, bất cập của nền giáo dục ấy;

Qua đó, nhằm đưa giáo dục nước nhà ngày một tiến bộ, phát triển đáp ứng được với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và đảm bảo cho sự thành công của con đường đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nhà giáo dục hiện đại phải không ngừng hoàn thiện mình, không chỉ để đáp ứng việc truyền thụ những tri thức chuyên môn cho người học mà hơn thế là phải trang bị cho họ khả năng tự thích nghi, có tri thức mở trong việc tiếp nhận và vận dụng tri thức khoa học vào nhìn nhận, giải quyết những vấn đề của thực tiễn; và phải có kế hoạch ứng phó với những biến động của cuộc sống một cách chủ động, linh hoạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ