Giáo viên sẽ dạy những gì sau khi tốt nghiệp?

GD&TĐ - Thực tế đào tạo ở các trường sư phạm và đánh giá giáo viên có xu hướng coi trọng hơn trình độ kiến thức và kỹ năng dạy học môn học cụ thể. Trong khi đó, giáo viên là nhà giáo dục làm hai chức năng chính, có tác động qua lại, tích hợp lẫn nhau là: dạy một môn học và giáo dục học sinh.

Giáo viên sẽ dạy những gì sau khi tốt nghiệp?

2 điều không thể thiếu: khoa học cơ bản và khoa học về nghiệp vụ sư phạm

Theo GS Đinh Quang Báo – nguyên hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội: Chúng ta thường nói đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho giáo viên. Chuyên môn được hiểu là đào tạo để giáo viên có một trình độ tri thức về khoa học cơ bản.

Trong mục tiêu chương trình đào tạo của trường sư phạm, điều này được xác định bằng câu hỏi: Giáo viên có thể dạy cái gì sau khi tốt nghiệp?

Nghiệp vụ được hiểu là đào tạo các tri thức khoa học giáo dục, gồm kiến thức và kỹ năng giáo dục, dạy học trên nền tảng tri thức tâm lí học. Trong chương trình đào tạo giáo viên trả lời câu hỏi: Giáo viên có thể dạy và giáo dục như thế nào?

GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh: Dù đào tạo theo mô hình nào, dù được trở thành giáo viên theo cách nào, người giáo viên cũng phải có một trình độ nhất định về khoa học cơ bản và khoa học về nghiệp vụ sư phạm (gọi tắt là phương pháp dạy học, giáo dục). Sơ đồ diễn đạt quan hệ hai lĩnh vực nội dung đào tạo giáo viên đó như sau:

“Qua sơ đồ cho thấy năng lực nghề nghiệp của giáo viên được hình thành thông qua 4 đại lượng chủ yếu (1), (2), (3), (4). Như vậy, các trường sư phạm phải thiết kế một mô hình đào tạo sao cho 4 đại lượng trên có trị số lớn nhất” – GS Đinh Quang Báo nêu quan điểm.

Bản chất của mô hình đào tạo giáo viên

Thực tế đào tạo ở các trường sư phạm và đánh giá giáo viên có xu hướng coi trọng hơn trình độ kiến thức và kỹ năng dạy học môn học cụ thể. Trong khi đó, giáo viên là nhà giáo dục làm hai chức năng chính, có tác động qua lại, tích hợp lẫn nhau là: dạy một môn học và giáo dục học sinh.
GS đinh Quang Báo

Bất kỳ cơ sở đào tạo nào cũng thiết kế chương trình đào tạo trong đó có hai lĩnh vực: nội dung khoa học cơ bản và khoa học giáo dục (trong đó lý luận giáo dục và dạy học bộ môn). Xét về kế hoạch đào tạo trong thực tiễn có hai mô hình: Đào tạo song song (đồng thời) khoa học cơ bản và khoa học giáo dục; đào tạo nối tiếp (đào tạo khoa học giáo dục tiếp sau khoa học cơ bản).

Theo GS Đinh Quang Báo, mỗi mô hình đều có ưu điểm, nhược điểm riêng. Xét ưu, nhược điểm là để phát huy mặt ưu và khắc phục mặt nhược một cách tối ưu.

Việc chọn đào tạo theo mô hình nào đều phải đặt nó trong những hoàn cảnh cụ thể về yêu cầu, điều kiện, truyền thống để có phương án tận dụng tối đa cái thuận lợi, khắc phục cái không thuận lợi. Khi đó chúng ta sẽ có hiệu quả đào tạo giáo viên tối ưu cho mô hình được chọn.

Dù mô hình nào cũng phải tích hợp tối đa đào tạo khoa học cơ bản và khoa học sư phạm để tạo ra một giá trị lớn về năng lực nghề nghiệp. Giá trị này không có được nếu không tạo ra sự tích hợp nội dung nghiệp vụ sư phạm khi dạy khoa học cơ bản (tạo ra đại lượng (3) và ngược lại (đại lượng 4)).

Nguyên hiệu trưởng Trường ĐHSP cho rằng: Cái khiếm khuyết lớn nhất của thực trạng đào tạo giáo viên hiện nay là chưa tạo được giá trị (3) và (4). Điều đó cũng có nghĩa là dạy (1) và dạy (2) không tạo ra cơ chế tích hợp.

Giá trị sư phạm có được từ tích hợp mới là giá trị bản chất của quy trình sư phạm đào tạo giáo viên. Phép tích hợp này không phụ thuộc nhiều lắm vào trật tự thời gian tổ chức đào tạo khối kiến thức khoa học cơ bản và khoa học sư phạm.

Tích hợp có được hiệu quả phụ thuộc vào chính kỹ năng sư phạm tổ chức quá trình dạy học các môn học thuộc hai khối nội dung khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Dạy (1) để được (1) và (3) và dạy (2) để được (2) và (4).

“Chỉ có quy trình sư phạm đó mới tạo ra giáo viên có chất lượng cao, đúng nghĩa của nó. Đó mới là bản chất của mô hình đào tạo giáo viên.

Hiện tại, đào tạo giáo viên theo bất kỳ mô hình nào: nối tiếp hay song song về thứ tự thời gian đào tạo khối kiến thức khoa học cơ bản và khối khoa học sư phạm, cũng đều có hai thành phần kiến thức đó cả.

Tuy nhiên không phải cứ như thế đã có (3) và (4). Nếu không có (3) và (4), hoặc có quá ít, có do ngẫu nhiên, may rủi, không do một hoạt động chỉ đạo bởi logic sư phạm thì đó là mô hình không cho chất lượng giáo viên cao được” – GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.

GS Đinh Quang Báo cho rằng, giai đoạn tới, khi đầu tư xây dựng, đổi mới các cơ sở đào tạo giáo viên, phải giải quyết vấn đề then chốt, bản chất là làm cho các cơ sở đó thực hiện được một quá trình sư phạm mà logic bên trong tạo ra giá trị tối ưu (3) và (4).

Khi tập trung vào vấn đề đó thì việc chọn mô hình phản ánh logic thứ tự thời gian: đào tạo song song hay đào tạo nối tiếp đều phải thực hiện qui trình làm ra (3), và (4), chỉ khác nhau ở những tình huống, hoàn cảnh, những điều kiện nằm bên ngoài logic sư phạm đó mà có thể có những chi phối nhất định đến qui trình đó.

Do ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài này mà khi áp dụng mỗi mô hình cần nghiên cứu những kỹ thuật thực hiện đào tạo tích hợp đã nêu trên. Việc nghiên cứu kỹ thuật đó cũng phải được tổ chức nghiêm túc, khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ