Vài kỷ niệm nhỏ với một nhà lãnh đạo lớn

Vài kỷ niệm nhỏ với một nhà lãnh đạo lớn

Công trình không được thực hiện

Tôi tình cờ được gặp anh Sáu Dân trong dịp chấm giải thưởng đồ án “Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh” năm 1978, lúc đó anh là Bí thư Thành ủy. Sau hơn hai tháng, hội đồng chấm thi làm việc kỹ lưỡng, qua nhiều lần góp ý, tuyển chọn nhưng chưa quyết định được đồ án nào được giải. Hôm ấy, Hội đồng quyết định đưa đến báo cáo Bí thư Thành ủy và Thường vụ Thành ủy để xin ý kiến quyết định.

Tôi còn nhớ buổi chiều hôm đó sau giờ làm việc, phương án (có mô hình) được trình bày tại nhà anh Sáu – lúc đó ở số 41 đường Tú Xương. Hội đồng trình bày qua hai phương án được tuyển chọn để báo cáo với anh Sáu và Thường vụ. Nghe qua và xem đồ án xong, anh Sáu cho ý kiến ngay: Anh chỉ vào phương án hai là cờ Đảng và Tổ quốc có đính dải tang băng ngang và nói ngay: “Tớ đồng ý phương án này”. Sau đó các đồng chí Thường vụ cũng lần lượt phát biểu ý kiến tán thành.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trái) đang chỉ đạo tại hiện trường với KTS Trần Kim Tấn (phải)
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trái) đang chỉ đạo tại hiện trường với KTS Trần Kim Tấn (phải)
 

Qua đó tôi thấy anh Sáu là người am hiểu về kiến trúc, rất tinh tế và sáng suốt. Thế là phương án nghĩa trang liệt sĩ TPHCM của tôi thiết kế đã được chọn để thi công. Lễ khởi công được tổ chức rầm rộ. Nhưng sau đó, phương án này không được thi công tiếp tục và thay thế bằng phương án bây giờ (Bà mẹ Tổ quốc). Một lần tôi ra Hà Nội làm việc, anh Sáu hỏi thăm về việc xây dựng nghĩa trang. Tôi báo cáo phương án cũ đã bị dừng để thay thế, anh tỏ ra thất vọng.

Tuy phương án của tôi không được xây dựng, nhưng tôi là một kiến trúc sư được anh Sáu Dân tín nhiệm về chuyên môn. Sau đó, tôi lần lượt thực hiện các công trình lớn như tôn tạo và phục chế Bến Nhà Rồng, phục chế căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Bộ Chỉ huy tư lệnh Miền, Trung tâm Di tích cách mạng miền Nam ở Tân Biên…

Thiết kế, tôn tạo, phục chế Bến Nhà Rồng

Việc thiết kế phục chế tôn tạo Nhà Rồng được thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Sáu Dân. Tôi nhớ anh căn dặn cẩn thận: “Chưa rõ Bác Hồ có làm thủ tục xuất cảnh tại văn phòng này không, nhưng chúng ta có thể khẳng định Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng”.

d
Bến Nhà Rồng sau khi tôn tạo

Bến Nhà Rồng là kiểu dáng kiến trúc xưa nhất của Sài Gòn, vốn là trụ sở của Công ty Vận tải đường biển Hoàng gia Pháp (Messageries Impériales) được xây dựng vào đầu tháng 3/1863. Trải qua 116 năm sử dụng, Nhà Rồng đã biến đổi quá nhiều, từ cấu trúc của công trình đến bộ mặt tổng thể bên ngoài. Hiện trạng Nhà Rồng lúc ấy như một khu nhà hoang phế. Công trình kiến trúc này xây dựng đã lâu, không có bản thiết kế gốc…

Trên đề án của tôi, Nhà Rồng được phục chế tôn tạo qua hai giai đoạn: 1979 – 1981 và 1981 – 1983. Sau khi hoàn chỉnh phục chế và tôn tạo, Nhà Rồng trở thành điểm hẹn lịch sử của nhân dân TP  Hồ Chí Minh và cả nước.

Có một lần ra làm việc với anh Sáu Dân ở Hà Nội, tôi mang tặng anh bìa lịch in hình ảnh “Ánh sao dẫn đường” (chụp Bến Nhà Rồng của nhà nhiếp ảnh Ngọc Thương, đã đoạt huy chương vàng của TP Hồ Chí Minh)., anh Sáu cầm xem rất hài lòng và bảo anh thư ký mang lên treo ngay trong phòng làm việc của anh. Đó là một hạnh phúc lớn trong đời kiến trúc sư của tôi.

Một lãnh đạo rất lắng nghe phản biện của cấp dưới

Tôi nhớ một lần, có chủ trương của Thành ủy về việc xây nhà họp cho Văn phòng Thành ủy ở bán đảo An Phú. Lúc sau giải phóng anh Sáu rất thích ở trên bán đảo này. Để tiện việc đi lại, làm việc, anh Sáu yêu cầu xây một phòng họp. Hôm họp bàn quyết định, các giám đốc sở, ngành liên quan được mời đến; tôi là người được phân công chuẩn bị đồ án thiết kế. Sau khi trình bày phương án, tôi đề nghị: “Nếu chúng ta xây một nhà họp tương tự như nơi chúng ta đang ngồi đây thì không nhất thiết xây cái mới mà chỉ cần sửa chữa ngôi nhà này như ta yêu cầu là được rồi, vì lúc này kinh phí hạn hẹp khó khăn, xây mới lại mất thời gian…”. Nghe xong phát biểu phản biện của tôi, anh Sáu tỏ vẻ không vui và ra lệnh cứ làm đi, không bàn nữa…

Nhưng gần 1 tháng sau, anh Sáu báo cho Văn phòng Thành ủy mời tôi lên gặp. Vừa tới nơi, tôi thấy anh Sáu đã nằm trên võng và bảo: “Chú mày đi ăn cơm đi rồi đúng 1 giờ 30 ra tao hỏi cái này”. Thì ra cái nhà đang làm việc có những chỗ sụt lún, nứt nẻ làm anh Sáu e ngại về độ an toàn nếu làm phòng họp. Tôi giải thích cặn kẽ cho anh nghe về các biện pháp gia cố, sửa chữa… Anh bảo: “Thế thì làm theo ý kiến của mày vậy!”. Chiều tối hôm đó anh còn mời tôi ở lại cùng xem phim…

Bao năm qua, tôi còn nhớ mãi lời nói, thái độ chân tình của một người lãnh đạo.

Thiên Tường

(Ghi theo lời kể của KTS Trần Kim Tấn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ