Trung tâm Nghiên cứu Cấy ghép Johns Hopkins (TRC) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Cấy ghép Ứng dụng và Phẫu thuật của Đại học New York thực hiện và cho thấy, có sự gia tăng đột biến của số ca mắc Covid-19 sau tiêm chủng.
Song, tỷ lệ nhập viện đã giảm đáng kể sau đợt đầu tiên của biến thể phụ Omicron.
Tác giả nghiên cứu cao cấp William Werbel - Giáo sư trợ lý y khoa, Phó Giám đốc dịch tễ học của TRC - cho biết: “Kết quả cung cấp thêm bằng chứng về giá trị của việc tiêm vaccine chống lại SARS-CoV-2 ở những người có nguy cơ cao. Đặc biệt, vaccine giúp các ca nhiễm trùng bùng phát ít nghiêm trọng hơn và giảm nguy cơ biến chứng lâu dài”.
Nghiên cứu được đăng trên JAMA Network Open.
Theo ông Werbel, chỉ dưới 1/5 số người tham gia nghiên cứu (464 trong số 2.356, tương đương 19,7%) đã báo cáo bị nhiễm SARS-CoV-2. Trong số những trường hợp đó, 35 người (7,5%) phải nhập viện.
Ông giải thích rằng, sự sụt giảm đó có thể do nhiều yếu tố, gồm khả năng miễn dịch của dân số ngày càng tăng (từ vaccine và tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh), quản lý dịch bệnh tốt hơn (thông qua việc sử dụng các liệu pháp như thuốc kháng virus), thực hiện nhiều xét nghiệm hơn và có thể do những thay đổi của chính SARS-CoV-2.
“Tuy nhiên, chúng tôi đã phát hiện ra rằng, một số nhóm nhất định, chủ yếu là bệnh nhân đã được ghép phổi vẫn có nguy cơ nhập viện cao hơn trong bối cảnh có nhiều biến thể phụ”, chuyên gia nhấn mạnh.
Cũng theo ông Werbel, những phát hiện của nghiên cứu mới có thể hướng dẫn tư vấn về lợi ích của việc tiêm chủng, cung cấp khung và hành vi rủi ro dựa trên bằng chứng cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất với Covid-19, chẳng hạn như bệnh nhân cấy ghép tạng.
Ông Werbel cho biết, TRC sẽ mở rộng phương pháp của nghiên cứu hiện tại. Từ đó, nhằm điều tra phản ứng của những người nhận ghép tạng đối với vaccine chống lại các mối đe dọa truyền nhiễm khác, chẳng hạn như virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm và thủy đậu.
Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu các chiến lược mới để tối ưu hóa hiệu quả của vaccine SARS-CoV-2 ở những người nhận ghép tạng.
Chiến lược này sẽ được thực hiện thông qua các thử nghiệm Bảo vệ Covid-19 sau khi cấy ghép (CPAT).
Ví dụ, nhóm sẽ sử dụng phương pháp giảm chọn lọc liệu pháp ức chế miễn dịch (được sử dụng để ngăn chặn sự đào thải cơ quan cấy ghép) vào khoảng thời gian tiêm vaccine. Qua đó, đánh giá xem liệu điều này có cho phép hệ thống miễn dịch phản ứng đúng cách hay không.