Cách bảo vệ trẻ an toàn trên không gian mạng

Cách bảo vệ trẻ an toàn trên không gian mạng

Cùng với biện pháp nói trên, nhà trường nên đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học. Đây có thể được coi là những biện pháp ứng phó dài hạn của gia đình, nhà trường để bảo vệ, hỗ trợ trẻ cũng như trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng sống an toàn trên không gian mạng.

Thực trạng xâm hại trẻ trên không gian mạng

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào chuyển đổi số rộng khắp, trẻ em đã trở thành công dân số từ rất sớm, sống trên môi trường mạng nhiều giờ mỗi ngày, thay đổi hoàn toàn cách các em học tập, kết bạn, giao tiếp. Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới và trong nước cho thấy, không ít tác dụng tiêu cực thậm chí có nguy cơ rủi ro cho trẻ trên môi trường mạng, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Ngày 27/5, tại cuộc hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nằm trong khuôn khổ cuộc giám sát của Quốc hội, Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận, đã có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trong môi trường mạng. Nhiều đại biểu quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt đến tình trạng xâm hại trẻ em trên không gian mạng.

Về tình hình trẻ em sử dụng internet, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn dẫn số liệu của các cơ quan tổ chức hữu quan cho thấy, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng với hầu hết là clip bạo lực, xâm hại tình dục. 

Kết quả khảo sát cho thấy 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số em gái cao gấp 3 lần số trẻ em nam. Về thủ đoạn phạm tội, qua nghiên cứu các vụ án thấy rằng với sự phát triển của công nghệ, chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay.

Các đại biểu nhấn mạnh, xâm hại trẻ em xảy ra trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn và rất nghiêm trọng so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội. Nếu các vụ xâm hại ở ngoài xã hội chỉ vài người chứng kiến nhưng xâm hại đưa lên mạng thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cả đời.

Trao đổi về những khó khăn trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, đại biểu Hoàng Thị Hoa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, còn có một số vấn đề cần lưu ý như: Các quy định pháp lý liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn yếu và chưa đồng bộ; Vai trò hiệu quả chưa cao trong việc xử lý can thiệp của các cơ quan quản lý về truyền thông, cơ quan tổ chức bảo vệ trẻ em và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng của gia đình, nhà trường và xã hội. Các cơ quan truyền thông mục đích ban đầu là phản ánh sự việc để kêu gọi sự quan tâm, sự lên tiếng có trách nhiệm của cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, đôi khi tập trung thu hút sự chú ý của dư luận mà quên đi trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong cách đưa tin, hình ảnh, làm tổn thương thêm các em.

Biện pháp ứng phó của gia đình, nhà trường

Trong thời đại công nghệ số việc cấm trẻ em tham gia không gian mạng là đã hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ. Thay vì cấm, phải hướng dẫn trẻ kiến thức, kỹ năng để trẻ khai thác thông tin mạng an toàn. Sự cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong công tác bảo vệ trẻ em được sống an toàn, được bảo vệ trên không gian mạng.

Theo thống kê của tổ chức quốc tế, 84% phụ huynh trên thế giới lo lắng vấn đề của con trên môi trường mạng nhưng cũng chỉ dành 46 phút để trò chuyện với con về vấn đề này trong suốt thời thơ ấu của chúng. 

Vì quá lo lắng trước tác động xấu của môi trường mạng, nhiều phụ huynh đã cấm cho con sử dụng hoặc áp dụng theo dõi chặt chẽ các hoạt động của con trên mạng thay vì dành thời gian thoả đáng để hướng dẫn con sử dụng mạng an toàn. Chính vì cách làm này khiến nhiều trẻ đóng lại cánh cửa chia sẻ với cha mẹ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn kiến nghị, thứ nhất, các bậc phụ huynh dành quan tâm thỏa đáng hướng dẫn cho con sử dụng mạng an toàn và hướng cho con trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội. Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học. Thứ ba, Bộ Công an thông tin đầy đủ về thủ đoạn của loại tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội.

Theo quan điểm của ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, hiện nay có hai kiểu phụ huynh với hai cách bảo vệ trẻ trên không gian mạng. Thứ nhất là phụ huynh “phòng thủ” một cách triệt để, tức là ngăn chặn, giám sát triệt để. Thứ hai là phụ huynh “phòng thủ” một cách chủ động, tức là không ngăn chặn, không giám sát nhưng bằng công nghệ, họ có thể biết con đang đọc gì, xem gì, nói chuyện với ai sau đó định hướng lại con nếu thấy con đi chệch hướng. Với tư cách là một phụ huynh, ông Hùng mong muốn cách thức “phòng thủ” chủ động ngày càng được phụ huynh áp dụng nhiều hơn.

TS. Nguyễn Thị Thanh, Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm TƯ – Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Sen chia sẻ việc hiện nay bố mẹ bận rộn thường phó mặc con cho các thiết bị công nghệ. Tuy vậy, chúng ta không ngăn cấm trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ mà quan trọng là bố mẹ. 

Theo đó, nhà trường phải thường xuyên trao đổi với phụ huynh lựa chọn thời gian sử dụng điện thoại hay các thiết bị công nghệ. Trong hoạt động hàng ngày ở lớp, nhà trường hạn chế các hoạt động sử dụng mạng, thay vào đó là các phương pháp Stem, hoạt động tìm hiểu thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, tư vấn cho phụ huynh các về các đồ dùng học liệu cho trẻ chơi ở nhà.

Với tư cách là nhà giáo dục, TS Nguyễn Thị Thanh cho rằng giáo viên cần hiểu được các sản phẩm trên mạng có tiêu cực với học sinh hay không, biết cách đưa công cụ đến với các trẻ. Giáo viên phải là huấn luyện viên, là người đồng hành cùng trẻ, không có áp đặt trẻ phải làm thế này thế kia. 

Giáo dục hiểu biết cho trẻ về kiến thức, kỹ năng để sử dụng mạng bổ ích, an toàn, kỹ năng để phân biệt đánh giá nguồn tin, tư duy logic tự bảo vệ mình trên mạng. Muốn như vậy, giáo viên phải là người có kiến thức, kỹ năng về tin học về an ninh mạng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thanh cũng đồng tình về việc đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên không gian mạng vào giảng dạy trong giờ tin học ở các cấp. Đồng thời các trường nên tổ chức lồng ghép chương trình ngoại khoá hướng dẫn trẻ ứng xử có văn hoá trên mạng xã hội cho trẻ như hạn chế đăng tải, cung cấp những thông tin cá nhân, bình luận, chia sẻ, kết bạn trên mạng xã hội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.