Vắc xin hoạt động như thế nào?

GD&TĐ - Vắc xin gây ra phản ứng miễn dịch cho cơ thể khi tiếp xúc với mầm bệnh thực sự nhưng không gây bệnh cho người được tiêm.

Vắc xin hoạt động như thế nào?

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh phân tích cho biết, khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể chúng ta, hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích hoạt và tấn công nhằm tiêu diệt mầm bệnh này bằng cách tạo ra các kháng thể để đáp ứng với kháng nguyên của mầm bệnh.

Bạn có thể coi kháng thể là những người lính trong hệ thống phòng thủ của cơ thể.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh: "Chúng ta có hàng ngàn loại kháng thể khác nhau trong cơ thể và mỗi kháng thể trong hệ thống của chúng ta được đào tạo để nhận ra và chống lại một kháng nguyên cụ thể."

Dựa trên cơ chế kháng nguyên kháng thể trên, vắc xin chứa cấu trúc kháng nguyên của mầm bệnh. Qua đó, vắc xin gây ra phản ứng miễn dịch cho cơ thể khi tiếp xúc với mầm bệnh thực sự nhưng không gây bệnh cho người được tiêm.

Một số loại vắc xin yêu cầu nhiều liều, được tiêm cách nhau hàng tuần hoặc hàng tháng giúp tạo ra các kháng thể tồn tại lâu dài và phát triển các tế bào trí nhớ. Bằng cách này, cơ thể được huấn luyện để chống lại mầm bệnh nhanh chóng khi có tiếp xúc trong tương lai.

Khi nhiều người trong cộng đồng được chủng ngừa, mầm bệnh sẽ khó lưu hành vì hầu hết những người mà nó gặp đã có miễn dịch. Vì vậy, tiêm chủng càng nhiều thì những người không hoặc chưa tiêm vắc xin càng ít có nguy cơ bị phơi nhiễm với các mầm bệnh có hại. Đây được gọi là miễn dịch cộng đồng.

Trong suốt lịch sử, con người đã phát triển thành công nhiều loại vắc xin để chống lại một số bệnh đe dọa tính mạng như viêm màng não, uốn ván, sởi, bại liệt,…

Tiêm vắc xin không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ những người không hoặc chưa được tiêm chủng trong cộng đồng. Do đó, hãy tiêm vắc xin khi bạn có thể.

Nguồn: HCDC.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ