Hoang mang vì bệnh
Sự xuất hiện và bùng phát của bệnh nhân mắc ho gà, viêm não Nhật Bản từ đầu năm đến nay khiến người dân lẫn chuyên gia dịch tễ lo ngại. Lo bởi ho gà là bệnh đã có vắc xin, được đưa vào chương trình tiêm chủng từ lâu nhưng số trẻ mắc lại gia tăng bất thường.
Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong quý I/2017 đã có 50 trẻ mắc ho gà phải nhập viện, 4 trẻ tử vong. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, phần lớn là trẻ nhỏ nên bệnh diễn biến nhanh, gây biến chứng nặng.
Số ca mắc tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2016. Hầu hết trẻ mắc bệnh đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Đây là bệnh xảy ra quanh năm, do miễn dịch sau mắc bệnh không bền vững, miễn dịch sau tiêm chủng không bền vững nên hàng năm vẫn ghi nhận ca mắc mới.
Sau ho gà là viêm não, tuy mới đầu mùa nhưng số ca mắc và biến chứng nặng tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 200 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp viêm não Nhật Bản. Tính riêng trong tháng 6 đã có 21 bệnh nhi mắc bệnh này. Điều đáng nói ở chỗ, nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, có biến chứng.
Điển hình như bệnh nhi 4 tuổi (Bắc Ninh) bị biến chứng hôn mê, liệt nửa người. Sau 17 ngày điều trị tích cực, sức khỏe dần hồi phục, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt nhưng bị di chứng về vận động. Một bệnh nhân khác là nạn nhân của virus gây viêm não khiến ai gặp cũng xót xa là bé trai quê Bến Tre. Nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã 10 tháng nhưng vẫn phải thở bằng máy, ăn qua đường tĩnh mạch.
Chực chờ vắc xin
Khi bác sĩ thông báo bé bị viêm não Nhật Bản, gia đình bé trai 10 tuổi ở Bến Tre ngỡ ngàng vì không nghĩ con mình lớn mà vẫn mắc bệnh và cũng không nhớ con mình tiêm ngừa vắc xin hay chưa. Không cho con đi tiêm ngừa hoặc không nhớ tiêm có đủ mũi hay không là tình trạng chung của nhiều bậc phụ huynh.
Tâm lý chủ quan, nghe ngóng của cha mẹ không chỉ khiến trẻ mắc bệnh mà đôi khi góp phần vào việc khan hiếm một số vắc xin. Khảo sát tại một số điểm tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 rơi vào tình trạng khan hiếm từ nửa tháng nay.
Nguyên nhân do bệnh ho gà tăng mạnh nên nhiều bậc phụ huynh đưa con đi tiêm. Chị Nguyễn Hòa Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Lúc con bé không nhớ đã tiêm đủ mũi hay chưa nên cháu nghỉ hè tranh thủ đưa 2 con đi tiêm.
Theo tư vấn của bác sĩ, con chị trên 10 tuổi nên tiêm nhắc lại mũi ho gà - bạch hầu - uốn ván, viêm não Nhật Bản, viêm não B-C. Tuy nhiên, vắc xin viêm não B-C hết hàng từ lâu nên đặt lịch hẹn. Với vắc xin 5 trong 1, hiện các trung tâm đều thông báo hết và chỉ nhận đặt lịch hẹn cho các bé. Theo chia sẻ của chị Hồ Linh Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội), kể cả có vắc xin thì bác sĩ cũng ưu tiên cho trẻ tiêm mũi đầu, sau đó mới đến trẻ tiêm nhắc lại. Do vậy, phụ huynh xác định phải chờ lâu dài.
Không được tiêm vắc xin khiến trẻ không có đề kháng, tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng thấp nên dịch bệnh dễ bùng phát. Theo GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 3 bệnh quay trở lại gần đây do trẻ không được tiêm vắc xin là sởi, viêm gan B và ho gà. Hàng trăm trẻ phải nhập viện, không ít trẻ tử vong hay để lại di chứng từ sự chủ quan của người lớn.
Còn theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, viêm não mới ở giai đoạn đầu mùa và tiếp tục kéo dài đến tháng 10. Do vậy, tâm lý chờ dịch đến mới tiêm hoặc tiêm theo tâm lý đám đông vừa ít tác dụng phòng ngừa do vắc xin không thể bảo vệ ngay lại vừa gây sốt ảo một số vắc xin. Thiết nghĩ, tiêm vắc xin là để ngừa bệnh, cần theo hướng dẫn của thầy thuốc chứ không nên dựa vào trào lưu trong cộng đồng.