Năm nào cũng vậy, thời điểm cận Tết là thời gian cao điểm về giao thông vận tải, đặc biệt là vận tải bằng tàu xe. Theo số liệu thống kê, mỗi năm Việt Nam có hơn 24 triệu người đi lại bằng xe khách với trên 2.000 hãng xe khách đăng ký hoạt động.
Xét theo tương quan này, số lượng xe khách có thể tạm đáp ứng nhu cầu đi lại trong các ngày bình thường. Tuy nhiên, vào những ngày lễ, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, cầu vượt quá cung gấp nhiều lần nên thường xuyên xảy ra tình trạng chen lấn mua vé xe.
Vào những ngày cận Tết, để tìm được những hãng xe uy tín còn vé Tết đã khó nhưng để mua được tấm vé thì còn khó hơn gấp nhiều lần.
Có nghịch lý là trong khi mọi dịch vụ thanh toán ngày càng được cung cấp tốt nhất, thì tại các bến xe, ga tàu, hành khách phải vạ vật, thậm chí ngất xỉu để có được tấm vé về quê ăn Tết. Tình trạng này thường xảy ra ở các thành phố lớn có lượng dân nhập cư đông như Hà Nội và TP HCM.
Theo ghi nhận của phóng viên tại bến xe Miền Đông, từ đầu tháng 12 âm lịch, các hãng xe đều tổ chức bán vé Tết ở khu vực quầy vé. Mặc dù các hãng xe thông giờ bán vé bắt đầu từ 7h sáng nhưng nhiều người phải thức dậy từ 1h sáng để đến sớm xếp hàng. Do thức dậy sớm, nhiều người nằm vạ vật trên những băng ghế, có người còn mang theo cả cơm nước để chuẩn bị cho một hành trình dài chờ đợi, thậm chí từ sáng tới tối.
Những ngày cao điểm Tết từ 24-28 âm lịch thì mức độ sốt vé ngày càng tăng lên gấp bội. Chính vì vậy, tại các khu vực này đã xảy ra cảnh người dân đứng ngồi chật cứng gây ra tình trạng chen lấn, xô đẩy và to tiếng lẫn nhau.
Các nhà xe liên tục dùng loa thông báo cầu hành khách ổn định trật tự nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình hình. Đợi chờ mua vé giữa dòng người đông đúc và hỗn loạn thế này quả là một cực hình, càng cực hình hơn khi có những người không dám đi vệ sinh cá nhân vì sợ mất chỗ mua vé.
Khổ cực là thế, tuy nhiên nhiều người chờ đợi cả ngày nhưng cuối cùng đành về tay không vì nhà xe thông báo không còn vé để bán.