Vã mồ hôi trước màn thẩm vấn của bố vợ

GD&TĐ - Từ ngày biết Trịa có bạn trai, ông Tròn cấm tiệt con gái bước chân ra khỏi cửa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trịa không phải đứa con gái duy nhất của ông, trên nó còn 2 chị gái đã đi lấy chồng. Nhờ ông tuyển chọn kỹ lưỡng mà giờ đứa nào đứa nấy đều đang hưởng cuộc sống ấm yên, hạnh phúc.

Nhưng dù ông giải thích thế nào, Trịa vẫn thấy ấm ức: "Chúng con yêu nhau, tại sao bố không cho anh ấy đưa con đi chơi? Bố chẳng công bằng tí nào cả, con ghét bố!".

Chẳng dễ chịu gì trước phản ứng tiêu cực của con gái nhưng ông Tròn không chịu thay đổi nguyên tắc, ông kiên nhẫn giải thích: "Có bao nhiêu cuộc hôn nhân mà những người phụ nữ phải nuốt nước mắt vào trong để cam chịu sống cùng với người không phù hợp? Có bao nhiêu bậc cha mẹ đã răn đe con gái trước khi lấy chồng: "Làm gì thì làm chứ một khi đã bước đi, bố mẹ không chứa nếu bỏ chồng"?

Có bao nhiêu phụ nữ không bao giờ dám nói ly hôn vì sợ nhìn thấy những giọt nước mắt của cha mẹ mình? Có bao nhiêu bậc cha mẹ đã dặn đàn bà, con gái là phải cam chịu, nhẫn nhục...".

Trịa lấy tay bịt chặt hai tai, nó kêu ầm lên: "Thôi bố đừng nói nữa, con nghe điệp khúc này cả trăm lần rồi. Bố muốn con ế chồng suốt đời để ở nhà với bố chứ gì?". Kêu xong, nó chạy thẳng vào phòng, chốt chặt cửa.

Bà Tròn không khỏi hoang mang, bà đến bên chồng, góp ý: "Ông đừng để chuyện này đi quá xa, cái Trịa cá tính hơn các chị nó nhiều đấy. Ông răn đe không cẩn thận, nhỡ may nó nghĩ quẩn rồi làm cái chuyện... khiến mình hối hận cả đời thì sao?".

Lời bà Tròn nói không hẳn vô lý, hồi nhỏ Trịa từng bỏ nhà đi mấy lần vì bị bố đánh, nhớ lại những lần dép chiếc nọ chiếc kia chạy đi tìm con khắp làng, ông Tròn vẫn rùng mình.

Nghe lời vợ, ông suy nghĩ về kế hoạch xem xét bạn trai của Tròn, ít nhất cũng phải tìm hiểu gia cảnh, tính cách nó ra sao, cũng có thể nó không phải thằng tồi như ông tưởng tượng.

Sáng hôm sau, ông Tròn gõ cửa phòng con gái: "Con gọi thằng đó đến đây, bố muốn hỏi nó mấy câu". Chỉ chờ có thế, Trịa gạt nước mắt, chạy vụt ra, ôm chầm lấy bố: "Con biết bố sẽ thích anh ấy mà. Con yêu bố!".

Không muốn con gái buồn nhưng ông Tròn vẫn phải nhắc nhở: "Bố chưa duyệt nó đâu nhá! Bố phải thử thách nó vài lần xem sao". Trịa gật đầu lia lịa: "Vâng vâng, bố chịu gặp và cho anh ấy đến nhà mình là con vui lắm rồi".

Bạn giai Trịa khá bối rối khi mở lời chào lễ phép mà không được ông Tròn đáp lại. Sau khoảng 5 phút căng thẳng và yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy nhịp thở bất thường của chàng rể tương lai, ông Tròn mới chịu buông tờ báo, hạ mắt kính để nhìn vị khách đang đứng trong nhà mình: "Đến rồi hả? Ngồi đi".

Đợi chàng rể yên vị, ông Tròn thủng thẳng nói: "Bố vợ và chàng rể thường rất hợp nhau trên bàn rượu. Mà thật ra đàn ông cơ bản đều dễ nói chuyện hơn trên bàn rượu, cậu đồng ý không?

Thế mới có giai thoại, chàng rể nhậu với bố vợ, những chén đầu đều một tay nâng chén, một tay đỡ chén cung kính để ngang mặt nói: Con kính bố một chén ạ. Đến khi chếnh choáng ngà ngà, từ con với bố danh xưng bỗng nhiên thay đổi như giá xăng, chàng rể ôm vai bố vợ như bạn hữu lâu năm khề khà: Tôi nói cho ông biết, bố vợ thì cũng là một loại bố thôi, bố vợ mà sống không tốt thì cũng thành bố láo thôi". Khi đã chính thức bước vào gia đoạn say, xưng hô của con rể từ bố con thành mày tao như thường...".

Nghe đến đây, bạn giai Trịa vã mồ hôi: "Ấy, cháu không dám thế đâu ạ, cháu cũng không biết uống rượu, thưa bác!".

Ông Tròn phẩy tay: "Là tôi kể thế, tôi cũng không khoái rượu chè. Mà tôi hỏi thật, con gái tôi ưng cậu rồi, thế cậu đã định ngày cưới chưa?".

Bạn giai Trịa đáp lễ phép: "Dạ, cháu sẽ để cô ấy quyết định chuyện này ạ". Ông Tròn gật gù, tỏ vẻ hài lòng: "Thế cậu muốn cưới ở hội trường thuê hay ở nhà riêng?". "Dạ thưa, cháu để cho bác gái quyết định việc này ạ".

Khá ưng ý với câu trả lời này, ông Tròn hỏi tiếp câu thứ 3: "Thế sau khi cưới con gái tôi về, cậu bảo đảm cuộc sống của nó ra sao?". Chàng rể hồn nhiên đáp: "Dạ, cháu tưởng điều này do bác quyết định chứ ạ?".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.