Bị bố vợ coi thường, con rể bức xúc nhưng không làm gì được

Bị bố vợ coi thường, con rể bức xúc nhưng không làm gì được

Dù yêu thương nhau đến mấy nhưng ở chung lâu ngày sẽ không tránh khỏi chuyện "bát xô, đĩa vỡ". Hạnh luôn tỏ ra hài lòng với cuộc sống tự do tự tại của mình. Chỉ có điều dạo gần đây cô hay bị ốm vặt, xót vợ quá nên Toàn đề nghị: "Em xin nghỉ ở nhà hẳn một tháng cho khỏe lại rồi hãy đi làm". Hạnh phụng phịu: "Ở nhà chán chết, chẳng có ai nói chuyện với em. Mới cả em chỉ bị ốm nhẹ mà anh bắt em ở nhà cả tháng thì em tự kỷ mất".

"Tự kỷ là thế nào? Em cứ quyết xin nghỉ đi, chuyện khác để anh lo". Không rõ Toàn có ý tưởng gì nhưng Hạnh cũng không dám cãi lời chồng nữa. Toàn ra khỏi nhà chưa được bao lâu, chuông cửa đã réo lên. Hạnh vô cùng bất ngờ khi 2 vị khách đứng trước cửa chính là... bố mẹ đẻ của mình. "Con gái ơi, bất ngờ không?" - giọng nói ấm áp của mẹ, nụ cười hiền của bố khiến Hạnh không thể chế ngự được những giọt nước mắt, cô nghẹn ngào ôm chầm lấy mẹ: "Sao bố mẹ đến mà không báo cho con biết trước?". Lúc này bố Hạnh mới lên tiếng: "Thằng con rể của bố dặn là phải bí mật với con chuyện này, nó muốn làm con bất ngờ đấy. Thế con gái bố ốm đau thế nào?". Hạnh lau vội nước mắt rồi lại cười sung sướng: "Con chỉ bị sốt nhẹ thôi mà, nhưng nhìn thấy bố mẹ là con khỏe ngay rồi".

Toàn cũng không ngờ sáng kiến của mình lại lấy lòng được cả vợ lẫn bố mẹ vợ. Tối hôm đó Hạnh không ngớt lời khen anh: "Eo ơi, em không ngờ anh lại nghĩ đến chuyện mời bố mẹ em lên đây chơi. Bình thường bố em không bao giờ chịu đi chơi xa lâu ngày thế này đâu". Toàn được dịp vểnh mũi: "Anh nói rồi mà, em cứ lo ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, những việc khác anh có thể giải quyết được hết, kể cả việc thuyết phục bố em".

Sáng tinh mơ hôm sau, Toàn bị đánh thức bởi tiếng động lạ. Không thể ngủ lại được nữa, anh mò theo âm thanh đó xem có chuyện gì. Thì ra bố vợ đang đứng súc miệng trong bếp. Vừa nhìn thấy Toàn, ông hồ hởi: "Chào buổi sáng nhé con rể, con cũng vào đây xúc miệng hử? Con cứ làm giống bố đây này, vừa sạch miệng mà vừa thông mũi". Toàn hơi khó chịu với thói quen này của bố vợ nhưng cố gắng chịu đựng, nghĩ thầm: "Một tháng sẽ qua nhanh thôi mà". Vừa thoát được màn súc miệng "độc nhất vô nhị", Toàn lại bị mẹ vợ chặn ở trước cửa bếp: "Ớ, con rể cũng dậy sớm nhỉ? Nhân tiện con bóc hành giúp mẹ nhé, mẹ đang định làm cơm rang, bữa sáng con nên ăn cơm cho chắc bụng mới có sức đi làm".

Sau màn bóc hành giàn giụa nước mắt, Toàn lén nhìn đồng hồ, mới 5h30 sáng, quá sớm để chuẩn bị đi làm. Toàn lén quay lại phòng ngủ, nhưng chưa kịp nhắm mắt thì tiếng ti vi oang oang ngoài phòng khách khiến anh dựng tóc gáy. Sợ bố vợ tự ái nên Toàn cũng không dám góp ý, đành để ông... tự nhiên.

Kể từ hôm đó, ngày nào Toàn cũng phải đi làm với thể trạng uể oải, mệt mỏi vì thiếu ngủ. Có hôm vừa về đến nhà, anh đã sốc với đống quần áo ướt được giăng lên khắp phòng khách, có cái còn được vắt lên cả sofa, ti vi. Biết Toàn sắp "phản ứng", hạnh nhanh tay kéo anh vào phòng riêng, đóng cửa rồi mới trần tình sự việc: "Mấy ngày hôm nay mưa suốt nên không phơi được quần áo bên ngoài, đây chỉ là giải pháp tạm thời của bố mẹ, anh chịu khó nhé". Toàn không thể giấu được cảm giác khó chịu: "Trời mưa thì cứ để quần áo ở đó, vội giặt làm gì? Em xem, đời thuở nhà ai có cái phòng khách như thế chưa? Đấy là chưa kể quần áo vắt không kĩ, nước nhỏ tong tỏng, hỏng hết cả đồ đạc". "Thôi mà anh, chẳng mấy khi bố mẹ lên đây chơi, mình chiều ông bà một chút có sao đâu".

Nghe vợ, Toàn không nói gì, nhưng bữa tối hôm đó thì quả thực, người kiên nhẫn như anh cũng không thể nín nhịn thêm nữa. Chuyện là trong lúc ăn cơm, bố Hạnh tự nhiên lại bàn đến chuyện lương lậu, ông hào hứng kể: "Hôm nay bố vừa bắt chuyện với ông Thắng bên hàng xóm, ông ấy sướng thật, có thằng con rể giàu. Vợ chồng nó mới mua ôtô đấy, tha hồ mát mặt". Hạnh đã thoáng đoán được thái độ khó chịu của Toàn vì anh hay tự suy luận.

Y như rằng, Hạnh chưa rửa bát xong đã bị Toàn giục về phòng, giọng anh vô cùng bức xúc: “Anh không thể nào hòa nhập được với thói quen sinh hoạt của mẹ em. Còn bố em nữa, em thấy chưa, ông coi thường anh. Ừ thì anh hèn, anh kém, anh không bằng người ta nên ông mới tủi hổ với hàng xóm”. Cảm thông với bức xúc của chồng nhưng Hạnh cũng chạnh lòng với cái cách Toàn nói về bố mẹ mình: "Sao lúc nào anh cũng "bố của em", "mẹ của em" thế? Bố mẹ em thì cũng là bố mẹ anh cơ mà"... Kết thúc cuộc tranh luận, Hạnh chốt một câu: "Ai bảo anh mời bố mẹ lên đây? Bây giờ anh còn kêu ai...?"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải