V-League 2023 - 2024 còn lắm ưu tư: Kỳ vọng gì ở mùa giải mới?

GD&TĐ - Giải bóng đá vô địch quốc gia 2024 - 2025 có nhà tài trợ mới. Công nghệ VAR dự kiến hiện diện cả 3 miền: Bắc, Trung và Nam.

Trọng tài xem lại tình huống gây tranh cãi bằng công nghệ VAR ở V-League 2023 - 2024. Ảnh: VPF.
Trọng tài xem lại tình huống gây tranh cãi bằng công nghệ VAR ở V-League 2023 - 2024. Ảnh: VPF.

Tuy nhiên, đằng sau danh xưng chuyên nghiệp vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ xoay quanh sự đổ vỡ, giá trị của truyền thống, cũng như chất lượng chuyên môn.

Sôi động trước giờ G

Mới đây, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã công bố nhà tài trợ mới - ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) và như vậy, V-League 2024 - 2025 sẽ thay tên sau 3 năm gắn với thương hiệu Night Wolf.

Tuy nhiên, giá trị tiền thưởng dành cho nhóm có huy chương không thay đổi, vẫn là 9,5 tỷ đồng. Trong đó, đội Vô địch nhận 5 tỷ đồng, Á quân 3 tỷ và đội hạng Ba ở mức 1,5 tỷ đồng.

V-League 2024 - 2025 sẽ khai mạc vào ngày 14/9 tới và dự kiến kết thúc vào tháng 6/2025, với phương thức thi đấu vòng tròn hai lượt (sân nhà – sân đối phương) để tính điểm, xếp hạng.

“Điểm nóng” Hàng Đẫy chính thức hạ nhiệt sau khi Thể Công Viettel chọn Mỹ Đình làm sân nhà. Trước đó, từ mùa giải 2023, Hàng Đẫy có tới 3 đội chủ nhà, gồm Hà Nội FC, Thể Công Viettel và Công an Hà Nội, tổ chức gần 50 trận đấu cho một mùa giải.

Theo quy định của AFC, mỗi sân vận động chỉ được phép tối đa có 2 đội chủ nhà. Vấn đề này kéo dài đến hết mùa giải 2023 - 2024. VPF nhiều lần có công văn nhắc nhở, nhưng cũng phải đến trước mùa giải 2024 - 2025, Thể Công Viettel mới chấp nhận chia tay Hàng Đẫy sau cuộc họp tay ba với Công an Hà Nội và Hà Nội FC. Sự thay đổi này giúp VPF thuận lợi hơn trong khâu cấp phép, đồng thời các câu lạc bộ Thể Công Viettel, hay Công an Hà Nội sẽ sớm đạt chuẩn theo quy định của AFC.

Sự thay đổi đáng chú ý nhất thuộc về đăng ký cầu thủ. Theo đó, VPF chính thức chốt phương án mỗi câu lạc bộ tham dự V-League 2024 - 2025 được đăng ký tối đa 3 cầu thủ nước ngoài, 1 cầu thủ nhập tịch và 2 cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam (tăng số lượng so với các mùa giải trước đây). Riêng với những câu lạc bộ tham dự các giải đấu của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức sẽ được đăng ký 5 cầu thủ nước ngoài nhưng chỉ được sử dụng tối đa 3 cầu thủ nước ngoài ở mỗi trận đấu.

Sự thay đổi này nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho giải đấu, cũng đồng nghĩa mỗi đội có thể đưa vào sân tối đa 6 “ngoại binh”, chiếm hơn 50% đội hình ra sân.

Ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF cho biết: Sau khi chính thức được nhận bàn giao 2 xe VAR do FIFA tài trợ từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Ban tổ chức sẽ lên kế hoạch phân bổ 4 xe VAR tại các khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, phối hợp cùng FPT Play, nỗ lực có nhiều nhất các trận đấu mỗi vòng của V-League 2024 - 2025 được áp dụng công nghệ VAR (mỗi vòng 7 trận), bảo đảm mang đến sự công bằng cho các đội bóng và giúp đội ngũ trọng tài hạn chế sai sót ở mức thấp nhất.

Cũng theo ông Tú, tất cả cùng chung tay hướng đến thành công, mùa giải 2024 - 2025 hy vọng sẽ tiếp tục đáp ứng được kỳ vọng của khán giả và người hâm mộ cả nước.

Mùa giải vừa qua, cuộc đua đến chức vô địch và trụ hạng không thực sự hấp dẫn như sự kỳ vọng. Nam Định bứt lên rất nhanh trong cuộc đua đến ngôi vương do rất nhiều ứng cử viên lần lượt hụt hơi. Nếu đội bóng thành Nam không bất ngờ “khó thở” ở giai đoạn cuối thì việc thầy trò huấn luyện viên Vũ Hồng Việt đã có thể đăng quang sớm trước nhiều vòng đấu.

Ở đáy bảng, Khánh Hòa với vô số bất ổn, khó khăn về tài chính cũng nhanh chóng được đóng chặt với suất xuống hạng và đến cuối mùa, đội bóng này không thể đảo ngược tình thế. Vậy nên, cuộc đua ở nhóm cuối bảng mùa giải vừa qua gần như chỉ là tránh suất đá trận vé vớt trụ hạng, không quá căng thẳng.

Thế nhưng, V-League 2024 - 2025 hứa hẹn mang đến sự ganh đua khốc liệt, khó lường hơn rất nhiều.

Trong nhóm các đội mạnh, Công an Hà Nội hoạt động tích cực nhất trên thị trường chuyển nhượng. Sau khi chỉ cán đích ở vị trí thứ 6 cùng những bất ổn về nhân sự ở mùa giải 2023 - 2024, đội bóng ngành Công an mạnh tay thanh lọc lực lượng. 14 cầu thủ phải ra đi. Những người mới đến chưa nhiều, song đều thuộc hàng ngôi sao, đó là trung vệ Đình Trọng, hậu vệ Nguyễn Văn Đức, tiền đạo Alan Sebastiao và mới nhất là Jason Pendant Quang Vinh - cầu thủ Việt kiều từng được triệu tập lên đội tuyển U16 và U18 Pháp. Ngoài ra, Công an Hà Nội còn sắp hoàn thành hợp đồng với chân sút trẻ Nguyễn Đình Bắc.

Trong chính sách chiêu mộ cầu thủ, Công an Hà Nội đã chú trọng đến sự cân bằng về nhân sự lẫn lối chơi. Văn Đức, Đình Trọng và Jason Pendant Quang Vinh hứa hẹn sẽ gia tăng chất thép, sự ổn định cho hàng phòng ngự vốn mong manh, dễ sụp đổ mùa trước. Sự có mặt của Alan Sebastiao, chân sút ghi 17 bàn mùa trước sẽ giúp huấn luyện viên Mano Polking giải quyết bài toán trên hàng công trong cuộc đua đến các danh hiệu.

Và cũng cần phải kể đến sự ra đi của Giám đốc kỹ thuật Trần Tiến Đại. Trong 2 năm gắn bó với Công an Hà Nội, ông Đại nhiều lần ngồi ghế nóng sau khi huấn luyện viên trưởng đội bóng này từ chức, hoặc bị sa thải, song ông cũng chịu điều tiếng là người hay can thiệp vào chuyên môn của ban huấn luyện.

ky vong gi o mua giai moi (1).jpg
Nguyễn Filip và Jason Pendant Quang Vinh (bên phải) trên sân tập. Ảnh: Câu lạc bộ Công an Hà Nội.

Song hành với Công an Hà Nội là B.Bình Dương. Đội bóng đất Thủ trải thảm đỏ đưa về huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, người đã thành danh với nhiều đội tuyển trẻ quốc gia. Gần đây nhất, ông cùng U23 Việt Nam giành chức vô địch Đông Nam Á 2023. Với trọng trách đưa B.Bình Dương trở lại đường đua vô địch, ông thầy sinh năm 1968 này đã xây dựng ê-kíp trợ lý chất lượng.

Đáng chú ý là sự góp mặt của ông Jurgen Gede - cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Cùng với đó, B.Bình Dương bổ sung 5 bản hợp đồng chất lượng là hậu vệ Hồ Tấn Tài, Ngô Tùng Quốc, Nguyễn Khắc Vũ, tiền vệ Nghiêm Xuân Tú và tiền đạo Hà Đức Chinh, đồng thời đang tìm kiếm những ngoại binh chất lượng cao.

Đương kim vô địch Nam Định sẽ tham dự AFC Champions League 2, song đến lúc này đội bóng thành Nam mới tái ký hợp đồng với tiền vệ Tuấn Anh và 2 tân binh Trần Văn Trung, đến từ Công an Hà Nội, Joseph Mpande, mùa trước khoác áo Hải Phòng. Tuy nhiên, huấn luyện viên Vũ Hồng Việt có thể được tăng cường thêm 2 hợp đồng thuộc dạng “bom tấn”.

Theo đó, Quả bóng vàng Việt Nam 2023 Nguyễn Hoàng Đức nhiều khả năng sẽ đến sân Thiên Trường. Ngoài ra, đội bóng thành Nam đang chạy đua để có được chữ ký của Patrik Lê Giang. Thủ môn Việt kiều này đã chơi rất hay trong màu áo Câu lạc bộ TPHCM ở V-League 2023 - 2024. Nếu có Patrik Lê Giang, Nam Định sẽ lấp đầy khoảng trống lớn nhất ở hàng phòng ngự khi mùa trước họ để thủng lưới 38 bàn, hơn 10 bàn so với Á quân Bình Định.

Ở cuộc chiến trụ hạng, V-League 2024 - 2025 chưa thể “định danh” ứng viên nào yếu thế nhất. Ngay cả tân binh SHB Đà Nẵng đang “chạy đua vũ trang” để tránh đi vào vết xe đổ của chính mình 2 năm trước.

Có chăng sự hoài nghi đang dịch chuyển về miền Trung, với 3 đội bóng đang hứng chịu nhiều khó khăn là Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhưng cả 3 đội bóng này đều có bản lĩnh, cá tính để sẵn sàng vượt qua sóng gió. Vậy nên, còn quá sớm để khoanh vùng ứng cử viên cho cuộc chiến chống xuống hạng. Đây cũng là dấu hiệu về một mùa giải hấp dẫn, kịch tính.

ky vong gi o mua giai moi (2).jpg
Câu lạc bộ Thanh Hóa ăn mừng chức vô địch Cúp Quốc gia 2023 - 2024. Ảnh: VPF.

Vẫn bài toán “đầu tiên”?

VPF có nhà tài trợ mới. Nhưng bức tranh toàn cảnh V-League 2024 - 2025 không chỉ có màu hồng.

Đầu tháng 8 này, cầu thủ Thanh Hóa quyết định đình công, không tham gia tập luyện khi chưa được câu lạc bộ thanh toán số tiền gần 20 tỷ đồng từ các khoản lương, thưởng, chế độ lót tay.

Trong lá đơn có 18 chữ ký của cầu thủ câu lạc bộ Thanh Hóa gửi đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, UBND tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo đội bóng này cho biết, họ chưa được thanh toán hết khoản tiền thưởng mùa giải 2023 sau khi đội bóng giành chiến thắng tại Cúp Quốc gia.

Mùa giải 2023 - 2024, đội bóng xứ Thanh cũng chưa trả khoản tiền thưởng cho các cầu thủ sau khi bảo vệ thành công Cúp Quốc gia cùng nhiều khoản khác.

“Trong suốt 2 mùa giải qua cho tới nay, dù tập thể cầu thủ và ban huấn luyện luôn đối mặt với việc chậm lương, chậm thưởng, chậm phí hợp đồng nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ tinh thần tập luyện và thi đấu với sự chuyên nghiệp cao nhất với thành tích cụ thể là: Giành 2 cúp vô địch Cúp QG và 1 siêu cúp QG trong 2 năm liên tiếp, điều chưa từng có trong lịch sử đội bóng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa được nhận chế độ như đã cam kết, gây nên những sự khó khăn trong cuộc sống, công việc… Vì những lý do trên, chúng tôi quyết định tạm dừng tập luyện cho đến khi những vấn đề trên được giải quyết. Kính mong các cấp lãnh đạo, sở, ban, nghành có thẩm quyền vào cuộc sớm, giải quyết cho chúng tôi”, văn bản khiếu nại của các cầu thủ Thanh Hóa viết.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu chuyện nợ lương, thưởng ở đội Thanh Hóa rơi vào tình trạng “vạch áo cho người xem lưng”.

Tháng 12 năm ngoái, trước khi hành quân đến Quy Nhơn gặp chủ nhà Bình Định ở vòng đấu thứ 5 V-League 2023 - 2024, chuyện câu lạc bộ Thanh Hóa nợ lương, thưởng đã hâm nóng. Trong đó, huấn luyện viên trưởng Popov phát biểu công khai với báo chí về việc ông cùng các học trò đang bị nợ lương, tiền thưởng và bỏ ngỏ khả năng ra sân thi đấu.

Tất nhiên, khả năng xấu nhất đã không xảy ra, song nó là dấu hiệu cho thấy những bất ổn bên trong đội bóng xứ Thanh mà lá đơn khiếu nại đầu tháng 8 vừa qua được coi là hệ quả tất yếu khi vấn đề lương, thưởng không được giải quyết triệt để.

Thực ra, nợ lương, thưởng xảy ra ở Thanh Hóa không phải chuyện riêng của đội bóng xứ Thanh, mà nó là thực trạng chung, hệ quả tất yếu của nhiều đội bóng. Như từng đề cập, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chưa thể đứng vững trên chính đôi chân của mình.

Ngay cả những đội mạnh, nguồn thu từ bán vé, tài trợ, truyền hình… không đủ nuôi đội bóng. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sống khỏe nhờ vào nguồn kinh phí “bao cấp” từ các doanh nghiệp đứng sau, hoặc ngân sách Nhà nước thông qua đầu tư cơ sở vật chất như sân bãi, đào tạo trẻ, thậm chí cả “tiền tươi, thóc thật” chung tay cùng doanh nghiệp nuôi đội bóng.

Thế nên, chỉ cần doanh nghiệp đứng sau “hắt hơi, sổ mũi”, lãnh đạo cấp quản lý “thờ ơ” với bóng đá, ngay lập tức đội bóng bị ảnh hưởng.

Đầu tháng 8 này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã nhận được công văn từ FIFA về việc câu lạc bộ Khánh Hòa bị cấm đăng ký chuyển nhượng (không được đăng ký cầu thủ mới), do có tranh chấp tài chính với ngoại binh Mamadou Guirassy.

Theo công văn, để được dỡ bỏ án phạt Khánh Hòa sẽ phải trả cho Guirassy mức phí tổng cộng là 26.000 USD, số tiền bồi thường phá vỡ hợp đồng khi trước đó FIFA xác định đội bóng phố Biển đã thanh lý hợp đồng ngoại binh này với lý do không chính đáng.

Ở thời điểm hiện tại, người ta cũng chưa thể rõ Khánh Hòa có thể thi đấu ở giải hạng Nhất mùa này hay không, bởi họ đang gặp khó khăn lớn về mặt tài chính. Nếu không tìm ra lối thoát, Khánh Hòa có thể bỏ hạng Nhất, bị đánh tụt hạng, hoặc xấu hơn là giải thể như đội Than Quảng Ninh giải thể năm 2021.

Một vấn đề nữa liên quan đến thương hiệu, giá trị của đội bóng. Trong Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp (sửa đổi, bổ sung năm 2023) của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ở mục 4 của Điều 8 về Tên, biểu trưng và logo, có ghi: “Câu lạc bộ không được đổi tên trong khi mùa giải đang diễn ra”.

Thế nhưng, ngay đầu mùa giải trước, VPF đã phải “xé rào” cho phép 3 đội bóng đổi tên, cụ thể Hoàng Anh Gia Lai mang tên mới LPBank Hoàng Anh Gia Lai, Viettel đổi thành Thể Công Viettel và đặc biệt, câu lạc bộ Bình Định mang tên MerryLand Quy Nhơn Bình Định từ ngày 1/12/2023, dù trước mùa giải 2023 - 2024 đội bóng này đăng ký với tên gọi Topenland Bình Định. Đến trước mùa giải 2024 - 2025, MerryLand Quy Nhơn Bình Định lại đổi tên thành Quy Nhơn Bình Định.

Ở đây, chưa bàn tính đúng sai về mặt pháp lý, câu chuyện đổi tên vào thời điểm mùa giải đã diễn ra cho thấy các đội bóng gặp quá nhiều khó khăn về vấn đề tài chính, tài trợ.

Như trong thông báo, đội Quy Nhơn Bình Định cho biết rằng, từ mùa giải mới, MerryLand Quy Nhơn không còn giữ vai trò nhà tài trợ chính mà sẽ cùng với các nhà tài trợ khác đồng hành với đội bóng đất võ. Nghiễm nhiên, số tiền tài trợ từ doanh nghiệp này sẽ giảm mạnh, Quy Nhơn Bình Định không còn nguồn thu khổng lồ như 3 năm trước.

Danh xưng “PSG của Việt Nam” từng được gắn cho Bình Định khi họ nhận tài trợ hàng trăm tỷ đồng nhanh chóng biến mất. Bình Định từng bước trở lại đội bóng hạng trung, không đủ tiềm lực mua bán cầu thủ ngôi sao cũng như tranh chấp chức vô địch. Mọi thứ diễn ra quá nhanh.

Câu lạc bộ Thanh Hóa mới đây gửi công văn xin AFC không dự AFC Champions League Two mùa 2024 - 2025. Lý do được đưa ra là mùa tới, đội bóng này đối mặt với lịch thi đấu dày, ngoài V-League và Cup Quốc gia, họ còn tranh tài ở giải vô địch các câu lạc bộ Đông Nam Á.

Lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đề xuất cử đội bóng khác thay thế Thanh Hóa, song AFC không chấp nhận. Như vậy, mùa tới bóng đá Việt Nam chỉ còn Nam Định góp mặt ở AFC Champions League Two.

Thành tích yếu kém của các đội bóng Việt Nam ở đấu trường châu lục những năm qua khiến V-League tụt hạng, dẫn đến không có suất dự AFC Champions League Elite mùa 2024 - 2025. Một câu chuyện buồn khác của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mà lý do không chỉ nằm ở lịch thi đấu quá dày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.