V-League 2023 - 2024 còn lắm ưu tư: Hệ lụy nhãn tiền

GD&TĐ - Hơn 2 năm qua, bóng đá Việt Nam gần như trắng tay trên tất cả các mặt trận. 

Đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) thất bại 0-3 trước Indonesia tại Mỹ Đình ngày 26/3, trận lượt về vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Ảnh: INT.
Đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) thất bại 0-3 trước Indonesia tại Mỹ Đình ngày 26/3, trận lượt về vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Ảnh: INT.

Đội tuyển quốc gia thất bại ở chiến dịch World Cup 2026, dẫn đến thứ hạng trên bảng xếp hạng FIFA lao dốc chóng mặt, trong khi thành tích các đội trẻ phập phù, thua nhiều hơn thắng.

Trượt dài trong thất vọng

Chức vô địch SEA Games 31 năm 2022 ở kỳ Đại hội trên sân nhà là danh hiệu cuối cùng khép lại chu kỳ thành công của bóng đá Việt Nam với dấu ấn của huấn luyện viên Park Hang Seo. Bởi từ đó đến nay, chúng ta thua ở các mặt trận lớn, nhiều mục tiêu chiến lược đều không đạt.

Trên bảng xếp hạng FIFA, từ chỗ luôn chắc chắn trong top 100, giờ đây đội tuyển Việt Nam đã chìm khá sâu.

Theo kết quả tháng 8/2024, đội tuyển Việt Nam xếp 115 thế giới, 20 châu Á và thứ 3 Đông Nam Á. Như vậy, hơn 1 năm qua, những “Chiến binh sao vàng” chỉ quanh quẩn ở vị trí được coi thấp kỷ lục trong 8 năm qua, kể từ tháng 11/2017 với vị trí 116 thế giới.

Trên thực tế, việc huấn luyện viên Park Hang Seo không gia hạn hợp đồng vào thời điểm nửa cuối năm 2022 có nguyên nhân chính là bóng đá Việt Nam bắt đầu chững lại sau một giai đoạn thăng hoa. Nguy cơ lao dốc hiện rõ hơn bao giờ hết khi “Thế hệ vàng” đạt đỉnh về chuyên môn lẫn thành tích, trong khi tuyến kế cận chưa kịp trưởng thành.

Động thái Liên đoàn bóng đá Việt Nam đưa về huấn luyện viên Philippe Troussier có thể hiểu là cách chống đỡ thiếu hụt nhân sự cầu thủ bằng tài năng của người cầm quân. Chỉ có điều, toan tính đó thất bại cay đắng khi bóng đá Việt Nam rơi vào khủng hoảng dưới triều đại ông thầy người Pháp.

Đội tuyển U22 Việt Nam tham dự SEA Games 32 năm 2023 trong vai trò đương kim vô địch cũng như lợi thế là sở hữu ông thầy tầm World Cup - Philippe Troussier. Tuy nhiên, sau những màn trình diễn còn gây tranh cãi ở vòng bảng, chiến lược gia người Pháp và các học trò đã thua 2-3 đáng tiếc trước U22 Indonesia ở bán kết, dù có lợi thế chơi hơn người trong gần 40 phút.

Sai lầm cá nhân nơi hàng phòng ngự, và chiến thuật khó hiểu cuối hiệp 2 của ông Troussier khiến cho U22 Việt Nam sụp đổ trước đối thủ trẻ xứ Vạn đảo.

Tấm Huy chương Đồng sau chiến thắng 3-1 trước U22 Myanmar ở trận tranh hạng Ba cũng không thể làm nguôi ngoai thất vọng, nuối tiếc. Quá nhiều bất ổn sớm lộ diện qua cung cách dùng người, khả năng ứng biến của ông Troussier.

con lam uu tu2.jpg
Các câu lạc bộ tham dự V-League luôn ưu tiên ngoại binh. Ảnh: VPF.

Màn trình diễn thất vọng ở SEA Games 32 khiến ông Troussier không được trao trọng trách dẫn dắt đội Olympic Việt Nam tham dự ASIAD 19, diễn ra vào tháng 9/2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Gương mặt được “gửi vàng” là Hoàng Anh Tuấn, huấn luyện viên từng đưa U20 Việt Nam tham dự U20 World Cup năm 2017 tại Hàn Quốc.

Như vậy, có thể thấy, Liên đoàn bóng đá Việt Nam thực hiện triệt để cách dùng tài năng của huấn luyện viên để lấp vào khoảng trống cầu thủ. Nhưng “có thực mới vực được đạo”. Ông Tuấn tài năng, kinh nghiệm cũng không thể cải thiện tình thế khi mà chất lượng cầu thủ quá yếu.

Ở Hàng Châu, Olympic Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng, với thành tích 1 trận thắng 4-2 trước Olympic Mông Cổ, thua Olympic Iran 0-4 và Olympic Saudi Arabia 1-3. Trong khi đó, ở sân chơi này bóng đá Việt Nam trước đó để lại dấn ấn đậm nét như hạng Tư ASIAD năm 2018, vòng 1/16 ASIAD năm 2014, 2010.

Nhưng có lẽ việc đội tuyển Việt Nam không thể giành vé dự vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á mới là chỉ dấu cho thấy bóng đá Việt Nam sa sút và tụt hậu như thế nào.

Rơi vào bảng đấu không quá khó, ngoài Iraq được nhận diện nhỉnh hơn thì Indonesia và Philippines đều những đối thủ cùng khu vực Đông Nam Á, tương đồng về trình độ. Hơn nữa, thống kê những cuộc đối đầu trước vòng loại World Cup 2026, đội tuyển Việt Nam có nhiều chiến thắng hơn so với Indonesia.

Tuy nhiên, những cảm giác bất ổn từ SEA Games 32 cho đến hành trình thi đấu giao hữu của đội tuyển dưới thời ông Troussier đã trở thành hiện thực. Đội tuyển Việt Nam thua cả 2 trận quyết định trước Indonesia để rồi ngậm ngùi dừng chân ở vòng loại thứ 2. Đây có thể xem là một bước thụt lùi của bóng đá Việt Nam. Bởi đội tuyển Việt Nam từng vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo.

con lam uu tu3.jpg
Đội tuyển U19 Việt Nam (bên phải) bị loại từ vòng bảng giải U19 vô địch Đông Nam Á 2024. Ảnh: VFF.

Nguy cơ còn ở phía trước

“Di sản” của huấn luyện viên Troussier quá nặng nề. Tân huấn luyện viên Kim Sang Sik sẽ phải tìm kiếm giải pháp phù hợp, từng bước đưa đội tuyển Việt Nam vượt qua khủng hoảng, bắt đầu từ giải vô địch Đông Nam Á 2024 (AFF Cup, nay đổi tên là ASEAN Cup).

Nhưng đấy là câu chuyện thành tích, có tính ngắn về chiến lược. Tương lai bóng đá Việt Nam như thế nào mới là vấn đề sống còn. Bởi chúng ta không thể quy trách nhiệm về sự tụt hậu của cả nền bóng đá lên chiến lược gia người Pháp, cho dù ông ấy có lỗi trong tất cả các thất bại của đội tuyển Việt Nam.

Ở đây, ông Troussier cũng chỉ là một mắt xích hỏng trong cả hệ thống đang sa sút, mất phương hướng. Những thất bại của các đội tuyển Việt Nam, với các ông thầy nội ngoại cho thấy rõ hơn nền móng của bóng đá Việt Nam đang lung lay, bởi nó không được gia cố, không có kết cấu vững chắc theo thời gian.

U19 Việt Nam bước vào giải U19 Đông Nam Á 2024 với quyết tâm rất cao. Tuy nhiên, thầy trò huấn luyện viên Hứa Hiển Vinh sớm bị loại trước khi bước vào trận đấu cuối của vòng bảng.

Nhìn lại giải đấu trong vòng 8 năm qua, U19 Việt Nam bị loại từ vòng bảng đến 4 lần vào các năm 2017, 2018, 2019 và 2024 khi giải mới tổ chức 5 lần. Đây chính là hồi chuông cảnh báo cho công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, đặc biệt cấp câu lạc bộ.

Nếu so sánh lứa U19 Việt Nam hiện tại với đội U19 Việt Nam thế hệ của những cầu thủ đã khẳng định được tên tuổi như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường vào giai đoạn 2013 - 2014 và cũng như lứa U19 của Quang Hải, Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng giai đoạn 2016 – 2017 càng đáng lo hơn. Các học trò trong tay ông Vinh chưa có gương mặt nào thực sự triển vọng để có thể hy vọng thay thế đàn anh ở các đội tuyển kế tiếp.

U16 Việt Nam mới đây vượt qua vòng bảng giải U16 Đông Nam Á 2024. Tuy nhiên, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã thua ở bán kết (1-2 trước U16 Thái Lan) và thất bại tiếp với tỷ số khó tin 0-5 trước U16 Indonesia ở trận tranh hạng Ba.

Trước đó, bóng đá trẻ Việt Nam từng 3 lần vô địch giải U16 Đông Nam Á 2006, 2010 và 2017. Ngoài ra, 2 lần giành vị trí Á quân vào năm 2016 và 2022, một lần hạng 3 năm 2007.

Ở giải U16 Đông Nam Á năm 2022, U16 Việt Nam thua Indonesia trong trận chung kết với tỷ số 0-1. Vậy nên, thất bại của thầy trò huấn luyện viên Trần Minh Chiến vừa qua tiếp tục chỉ ra rằng, chất lượng các cầu thủ trẻ ở những lò đào tạo trong nước thực sự có vấn đề.

Trên thực tế, câu chuyện đào tạo trẻ không phải mới với bóng đá Việt Nam. Nhưng lúc này nó trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết bởi sự thất bại dây chuyền từ các cấp độ đội tuyển, và nghiêm trọng hơn từ chính những giải thuộc “vùng trũng” Đông Nam Á hay những sân chơi mà chúng ta từng đạt đỉnh vinh quang.

Vậy vấn đề là gì? Kết quả yếu kém của các đội tuyển cho thấy công tác đào tạo trẻ ngày càng thiếu kém cỏi, thiếu hiệu quả. Chỉ một số rất ít câu lạc bộ duy trì đủ các tuyến trẻ, làm tốt đào tạo trẻ.

Một số lò, trung tâm đào tạo từng gây được tiếng vang giờ gần như chỉ còn gặm nhấm quá khứ vàng son. Đơn cử như HAGL JMG, sau lứa cầu thủ khoá đầu là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… thì chưa cho ra lò được các lứa kế cận có năng lực tương đương. Thậm chí, những lò đào tạo tên tuổi như SLNA hay đầu tư tốt như PVF cũng đang chững lại.

Trong khi đó, các cầu thủ trẻ không có nhiều cơ hội được thi đấu. Ngay cả lứa U23 vừa qua cũng chỉ có một số gương mặt tận dụng cơ hội để thường xuyên được ra sân ở V-League. Nhưng số này không nhiều và chưa cầu thủ nào thực sự triển vọng trở thành thủ lĩnh, hay ngôi sao hàng đầu ở đội tuyển quốc gia trong một tương lai gần.

Nguy cơ lớn còn ở chỗ, các câu lạc bộ với sự đầu tư mạnh tay của các nhà tài trợ cần có thành tích ngay, nên họ thường dồn tiền mua sắm cầu thủ thành danh, chiêu mộ ngoại binh hơn là chú trọng đến công tác đào tạo, cầu thủ trẻ. Thậm chí, nhiều đội bóng chưa đạt chuẩn để được cấp phép chuyên nghiệp, hoặc cấp phép có điều kiện do không bảo đảm đúng tiêu chí cầu thủ trẻ.

Vậy nên, với giải vô địch quốc gia, nền tảng của đội tuyển quốc gia như vậy thì thất bại như 2 năm vừa qua của bóng đá Việt Nam cũng là kết quả tất yếu.

Nhìn nhận về thất bại của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2026, chuyên gia Steve Darby nêu quan điểm, lý do khiến ông Troussier ra đi chỉ là kết quả.

World Cup 2026 là cơ hội tốt nhất để đội tuyển Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết vì suất tham dự của Liên đoàn bóng đá châu Á được tăng lên. Nhưng việc lập kế hoạch cho vòng loại World Cup 2026 cần bắt đầu ít nhất từ năm 2018.

Liệu bóng đá Việt Nam có lập kế hoạch từ năm 2018 không, hay chỉ quan tâm tới thành công ở SEA Games và AFF Cup? Nếu bóng đá Việt Nam tụt lại so với các quốc gia Đông Nam Á thì cần xem xét nhiều yếu tố, chẳng hạn chất lượng V-League, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch, đào tạo trẻ…

Và theo chuyên gia người Anh, bóng đá Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện V-League, trong đó ông đề cao việc cải thiện cơ sở vật chất tập luyện lẫn thi đấu và nâng cấp khoa học thể thao, đặc biệt là khâu điều trị và phục hồi sau chấn thương.

Sau thành công của một lứa cầu thủ, bóng đá Việt Nam tự đặt mình ở vị trí số 1 Đông Nam Á và mục tiêu World Cup. Nhưng thực ra chúng ta hiếm khi nhìn xuống chính chân mình, để rồi một loạt thất bại của các đội trẻ và đội tuyển quốc gia đã kéo bóng đá Việt Nam trở lại thực tế phũ phàng.

Chúng ta đang đứng bằng cái gì, ở đâu? Không ai đánh thuế sự mơ mộng, nhưng cũng cần tỉnh táo xem mình có gì để mà mơ. Vậy nên, đến lúc trở lại nguyên tắc cơ bản, không tập trung đào tạo cầu thủ trẻ, thất bại tất yếu sẽ đến.

Mục tiêu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đề ra trong nhiệm kỳ 9 (2022 - 2026) là đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á, cạnh tranh cơ hội dự Vòng chung kết World Cup 2026 và hướng tới tham dự Vòng chung kết World Cup 2030.

Huấn luyện viên Philippe Troussier được trọng vọng đưa về, để đổi lại chỉ là sự thất vọng cùng cực cho bóng đá Việt Nam và ông ta buộc phải ra đi sau thất bại trước Indonesia ngay tại sân nhà Mỹ Đình.

Cùng với đó, chỉ trong một thời gian ngắn, đội tuyển Việt Nam thua đối thủ cùng khu vực Indonesia 3 lần liên tiếp, vòng bảng ASIAN Cup 2024, và vòng loại thứ 2 World Cup 2026, thủng lưới 5 bàn mà không ghi được một bàn thắng nào.

Bài cuối: Kỳ vọng gì ở mùa giải mới?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ