Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Toàn cảnh Phiên họp.
Toàn cảnh Phiên họp.

Sáng 18/9, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.

Tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần đã báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư trên 21 lĩnh vực.

Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần.

Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần.

Trong đó, đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, báo cáo chỉ ra, tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh còn rất chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Nợ đầu tư xây dựng cơ bản chưa được khắc phục triệt để. Việc thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án có quy mô lớn, kết nối hạ tầng liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn ít so với tiềm năng.

Về lĩnh vực ngân hàng, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, các nội dung yêu cầu tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 62/2022/QH15 cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Trong đó, xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tín dụng tăng trưởng khá hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện.

Tuy nhiên, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm. Thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc bảo đảm các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường, lớp giáo dục mầm non vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu đội ngũ giáo viên phổ thông chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học và giữa các vùng miền. Việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Việc biên soạn, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Việc thực hiện tự chủ đại học còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là ở các ngành lĩnh vực công nghệ cao.

Về lĩnh vực nội vụ, việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc phân cấp, phân quyền được quan tâm đẩy mạnh. Những khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở từng bước được giải quyết.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung Chính phủ hoàn thành chậm so với yêu cầu hoặc chưa hoàn thành. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đánh giá. Công tác quản lý, hoạt động của người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố gặp rất nhiều khó khăn. Việc cải cách tiền lương vẫn chưa bảo đảm tiến độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ