Các lĩnh vực chuyên môn, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực của du lịch phải đạt đến chuẩn của ASEAN.
Năng lực cạnh tranh còn thấp
AEC đã chính thức mở ra một thị trường 600 triệu dân với nhiều tài nguyên du lịch (11 di sản thiên nhiên và 17 di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận). Năm 2015, du lịch ASEAN đạt gần 106 triệu lượt khách, đóng góp khoảng trên 12% GDP. Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) dự báo tốc độ tăng trưởng của du lịch ASEAN: Giai đoạn đến 2020 là 5,8%, từ 2020 - 2030 là 4,3%, đến năm 2020 đón được 123 triệu lượt khách, 2025 là 152 triệu và 2030 là 187 triệu lượt khách.
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch năm 2015, du lịch Việt Nam đứng thứ 75/141 quốc gia, vùng lãnh thổ về năng lực cạnh tranh năm 2015. Trong ASEAN, Việt Nam đứng vị trí thứ 5, cao hơn Myanmar (134), Campuchia (105), Lào (96), tương đương Philippines (74) và thấp hơn Singapore (11), Malaysia (25), Thái Lan (35) và Indonesia (50).
Các doanh nghiệp du lịch (DNDL) Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên năng lực cạnh tranh còn yếu so với một số nước trong khu vực. Nhận thức của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp du lịch nói riêng về cơ hội, thách thức của hội nhập AEC vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Chất lượng nhân lực của các DNDL quy mô vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế. Chi trung bình khách du lịch quốc tế tại Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN (số liệu 2013) với 991 USD/khách, thấp hơn các nước Singapore (1.602 USD), Thái Lan (1.585 USD), Indonesia (1.036 USD) và Philippines (1.002 USD). Việt Nam đứng thứ 22/141 quốc gia, vùng lãnh thổ về chỉ số cạnh tranh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam thuộc tốp 3 dẫn đầu sau Indonesia (3) và Malaysia (6). Tuy nhiên, chi phí vận chuyển cao ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh về giá của sản phẩm, dịch vụ du lịch nói chung.
Tập trung phát triển hệ thống đào tạo
Thực trạng hội nhập du lịch Việt Nam trong AEC cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Các nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Theo đánh giá, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu hội nhập AEC, trong đó điểm yếu cụ thể bao gồm cả trình độ tay nghề và trình độ ngoại ngữ; Lao động du lịch Việt Nam kém cạnh tranh so với một số nước trong khu vực; Chất lượng nhân lực du lịch toàn ngành chưa cao, đội ngũ nhân lực cấp cao còn thiếu hụt;…
Theo Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN giai đoạn 2016 - 2025 của Tổng cục Du lịch, Việt Nam cần ưu tiên tập trung phát triển hệ thống đào tạo ngành du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch phù hợp với các yêu cầu trong thỏa thuận lẫn nhau về lao động trong AEC (MRA-TP). Tập trung hoàn thiện các yếu tố chính sách, cũng như chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ cho lao động du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua việc triển khai MRA-TP. Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong hội nhập du lịch nói riêng và AEC nói chung, bởi vì yếu tố con người là thành phần quan trọng cấu thành nên sản phẩm du lịch cũng như đóng có vai trò quyết định trong việc phát triển một cộng đồng. Chất lượng lao động Việt Nam được đánh giá cao vì sự chăm chỉ, thông minh, linh hoạt… tuy nhiên, chúng ta lại cần phải khắc phục về tính kỷ luật, nghiêm túc so với lao động các nước khác.