Ưu, khuyết của trắc nghiệm khách quan với môn Lịch sử và cách khắc phục

GD&TĐ - Các thầy cô tổ Lịch sử Trường THPT Mai Thanh Thế (Sóc Trăng) nhấn mạnh ưu điểm của hình thức trắc nghiệm khách quan với môn Lịch sử; đồng thời cũng đưa ra những khó khăn khi sử dụng hình thức đánh giá này với môn học cùng cách khắc phục.

Ưu, khuyết của trắc nghiệm khách quan với môn Lịch sử và cách khắc phục

Nhận rõ ưu thế và khó khăn khi áp dụng trắc nghiệm khách quan

Nhấn mạnh vai trò của đổi mới kiểm tra đánh giá, các thầy cô tổ Lịch sử Trường THPT Mai Thanh Thế cho rằng: Trong thực tế dạy học, hầu như khâu đánh giá mục tiêu của mỗi bài, mỗi chương cũng như chương trình của một môn học cụ thể chưa được giáo viên chú trọng đúng mức.

Chẳng hạn, sau mỗi bài hoặc tiết học, việc dùng hình thức tự luận để kiểm tra rõ ràng là không thích hợp. Trong khi đó, sử dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan tỏ ra rất thuận lợi.

Vì vậy, có thể áp dụng phương pháp này vào cuối mỗi bài hoặc 15 phút hay 1 tiết để vừa củng cố kiến thức, vừa đánh giá sơ bộ mức độ hoàn thành mục tiêu của bài học. Nó cho phép thu được thông tin phản hồi một cách kịp thời để từ đó nhanh chóng điều chỉnh phương pháp dạy học sao cho phù hợp, đồng thời uốn nắn những nhận thức sai lầm lệch lạc có thể có ở học sinh.

Đưa ra quan điểm về tầm quan trọng của việc ứng dụng trắc nghiệm khách quan, các giáo viên tổ Lịch sử Trường THPT Mai Thanh Thế cho biết: Việc tiếp cận phương pháp trắc nghiệm khách quan đang trở thành một vấn đề cấp bách trong hoạt động dạy và học ở các trường THPT nước ta.

Nếu áp dụng phương pháp kiểm tra trắc nghiệm, học sinh sẽ tự biết mình tiếp thu kiến thức đến mức nào, có những sai sót nào cần bổ khuyết, qua đó có ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập.

Đối với giáo viên, phương pháp này sẽ mang lại những thông tin liên hệ, nhằm giúp điều chỉnh hoạt động dạy; đồng thời nắm được trình độ chung của cả lớp; biết được những học sinh nào có tiến bộ rõ rệt hoặc sút kém đột ngột để động viên, giúp đỡ kịp thời.

Tuy nhiên, hạn chế là còn không ít học sinh học “vẹt”, hoặc không cần chuẩn bị bài, chỉ chọn đáp án mang tính chất “hên, xui” không cần đọc kĩ yêu cầu đề bài. Với giáo viên, việc soạn câu hỏi trắc nghiệm mất nhiều thời gian, ra đề kiểm tra hoặc thi phải nhiều mã đề…

Để khắc phục được những khuyết điểm trên, giúp việc kiểm tra đạt được hiệu cao, các thầy cô tổ Lịch sử cho rằng, giáo viên cần phải nghiêm túc thực hiện kiểm tra bài cũ thường xuyên, không bỏ qua bất cứ tiết học nào (chỉ trừ trường hợp tiết học trước đó là thực hành hay kiểm tra một tiết).

Nội dung kiểm tra phải mang tính khái quát; đảm bảo kiến thức và tạo thói quen cho học sinh trong việc học bài.

Giáo viên cũng cần tìm ra những biện pháp, hay cách làm mới để áp dụng nhằm kích thích tinh thần học tập của học sinh (năng nổ, tích cực) và làm giảm bớt đi không khí căng thẳng trong giờ kiểm tra.

Quan niệm thầy dạy gì trò học nấy đã lỗi thời

Khẳng định quan niệm thầy dạy gì trò học nấy đã lỗi thời, các thầy cô tổ Lịch sử Trường THPT Mai Thanh Thế cho rằng: Giáo viên là người hướng dẫn, học sinh mới là trung tâm, để cho học sinh có cơ hội phát biểu, trình bày quan điểm của mình về vấn đề giáo viên đưa ra, nên tránh dạy học theo lối đọc - chép, nhìn - chép thuần túy dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, hệ thống câu hỏi trong bài dạy phải vừa sức, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Không nên đặt câu hỏi quá khó, vượt khả năng tư duy của học sinh “đánh giá, nhận xét, phân tích...” nhưng câu hỏi cũng không đơn giản quá. Tuy nhiên, cần phải có một số câu hỏi nâng cao nhằm phân loại học sinh và kích thích khả năng tư duy của một số học sinh khá, giỏi. Cần tránh tình trạng giáo viên chưa giảng, chưa trình bày sự việc hoặc học sinh chưa tìm hiểu bài học mà đặt câu hỏi cho học sinh.

Ví dụ: Bài 20 Lịch sử lớp 12, nội dung “Nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp”, giáo viên cho học sinh trình bày nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Giáo viên gợi ý trong những nguyên nhân trên nguyên nhân nào là quyết định nhất? Bằng kiến thức đã học các em hãy phân tích (chứng minh) điều đó?

Với dạng câu hỏi như trên, từ dễ đến khó nên phù hợp với từng đối tượng học sinh, học sinh có biết, hiểu và vận dụng.

Qua đó, giáo viên giáo dục thái độ, tư tưởng trung với Đảng, hiếu với dân; đặt vấn đề bản thân học sinh sẽ làm gì để thực hiện được điều đó (có thể cho học sinh thảo luận).

Giáo viên sử dụng hiệu quả phương pháp truyền thống kết hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ bài dạy. Cần xem công nghệ thông tin là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho bài dạy chứ không thể xem đó là một phương pháp dạy học mới thay thế hoàn toàn cho vai trò của giáo viên.

Không cứng nhắc phải dạy đủ trình tự các bước trong bài dạy, có thể tổng hợp kiến thức thành một chủ đề, giảm bớt những phần không quan trọng (giáo viên hướng dẫn cho học sinh tự tìm hiểu hoặc bài tập về nhà).

Xác định mục tiêu, nội dung trọng tâm bài dạy: cần phải xác định mục tiêu cuối cùng của bài dạy là học sinh hiểu bài như thế nào qua bài học, chứ không phải là bài dạy phải đầy đủ các phương pháp, không “ướt”, “cháy”... là được.

Không nhất thiết tiết nào cũng dạy theo nhóm: giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài ở nhà theo nhóm, sau đó vào tiết học giáo viên mời đại diện từng nhóm trình bày kết quả tìm hiểu và cho nhóm khác nhận xét, bổ sung, qua đó hoàn thiện nội dung bài học và sẽ làm giảm tối đa hoạt động của giáo viên.

Các thầy cô tổ Lịch sử Trường THPT Mai Thanh Thế nhấn mạnh: Mục đích của việc dạy học Lịch sử ở trường là người giáo viên không chỉ giúp cho học sinh hình dung được những kết quả của quá khứ biết và ghi nhớ các sự kiện, hiện tượng của Lịch sử mà quan trọng hơn là hiểu được Lịch sử, tức phải nắm được bản chất của sự kiện.

Trong phát triển tư duy của học sinh, việc sử dụng các thao tác lôgic có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, giáo viên cần phải có những phương pháp, kĩ thuật phù hợp với từng đối tượng học sinh, sử dụng có hiệu quả cho từng bài dạy.

Việc phát huy tính tích cực chủ động của học sinh trong việc học môn Lịch sử là một phần trong việc đổi mới phương pháp dạy học của bộ môn này, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.

Từ đây, các thầy cô đưa kiến nghị, cần tăng cường thiết bị dạy học, tài liệu tham khảo, sưu tầm tài liệu, vấn đề cập nhật sự kiện, số liệu....Việc sử dụng đồ dùng dạy học phải đảm bảo yêu cầu: tính khoa học, tính trực quan và tính thẫm mĩ giáo dục.

Ứng dụng công nghệ thông tin phải hài hòa với việc ghi chép của học sinh và phù hợp với thời lượng của tiết học.

Cần củng cố bài cho học sinh, giúp cho các em nhớ nhanh, bền vững kiến thức lịch sử đã học. Nhất là trong bối cảnh lịch sử hiện nay khi học sinh coi trọng các môn khoa học tự nhiên hơn, trong khi đó bài tập lịch sử về nhà lại rất ít thậm chí không có.

Việc dạy và học môn Lịch sử không chỉ để ghi nhớ một sự kiện, chiến công hào hùng của dân tộc, học sinh phải biết tìm hiểu tiếp nhận những nét đẹp của đạo đức, đạo lý của con người không chỉ ở thời xa xưa mà ngay cả ngày nay và mai sau.
Việc đổi mới phương pháp dạy học lịch sử, cũng như mọi môn học khác, học sinh tự mình khám phá ra kiến thức (dưới sự hướng dẫn của giáo viên), tức là học sinh phải được tiếp xúc với các tư liệu lịch sử: tranh ảnh, bản đồ lịch sử, các di vật, câu chuyện lịch sử được ghi lại thành lời văn dưới sự định hướng và kết luận của giáo viên để học sinh tự hình thành các biểu tượng lịch sử là hết sức quan trọng.

Hơn nữa việc hình thành và khắc sâu các sự kiện, nhân vật lịch sử cho đối tượng là học sinh. Vì vậy, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học là việc cần thiết để đem lại hiệu quả chất lượng việc dạy và học môn Lịch sử.
Tổ Lịch Sử, Trường THPT Mai Thanh Thế (Sóc Trăng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.