Uống nước nhớ nguồn

GD&TĐ - Hàng loạt trường học tổ chức hoạt động giáo dục nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch).

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Hướng về cội nguồn, báo công, dâng hương hay tổ chức cho học sinh “hòa mình” vào hoạt động thực tiễn, lễ hội, văn hóa, văn nghệ truyền thống tại địa điểm di tích lịch sử… được các trường quan tâm, chú trọng. Thông qua đó, học sinh có nhiều trải nghiệm để hiểu thêm về cội nguồn dân tộc. Từ đó, bồi đắp tinh thần hiếu học, lòng tự hào, tự tôn về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam.

Trên hết, qua các hoạt động này, học sinh hiểu hơn về lịch sử hào hùng và tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc. Qua đó, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước ở học sinh và xây dựng ý thức tự hào, tự tôn dân tộc. Từ đây, các em hiểu rằng, lịch sử dựng nước và giữ nước là dòng chảy liên tục từ quá khứ tới hiện tại và tương lai, giữ cho dân tộc Việt Nam mãi trường tồn.

Các hoạt động về nguồn cũng là hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn. Theo đó, học sinh chủ động tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương để biết trân trọng giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hiệu quả và thiết thực. Đó cũng là cách để chúng ta giáo dục đạo đức, lý tưởng và giá trị sống cho học sinh; hun đúc cho các em khát vọng cống hiến. Với học sinh, cống hiến có thể thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Đó có thể là việc làm tự nguyện cho tập thể và cộng đồng.

Còn nhớ, khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung và yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu của học sinh phổ thông được thể hiện ở kết quả đầu ra gồm 5 phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Có thể nói, những hoạt động giáo dục về nguồn của các trường phổ thông trong dịp này đã và đang bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngoài những nội dung, yêu cầu cần đạt về phẩm chất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi nhà trường cần chủ động lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khát vọng cống hiến cho học sinh. Các hoạt động cần bảo đảm phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn và đặc thù của mỗi trường.

Lẽ tất nhiên hoạt động và phương thức giáo dục cần đảm bảo nguyên tắc riêng, được thực hiện bằng những phương pháp riêng và có chung mẫu số là: Hiệu quả. Vì thế, mọi hoạt động, phương thức tổ chức mang tính hình thức, giáo điều, lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm cần được loại bỏ, tránh lãng phí thời gian, công sức, và tiền bạc của thầy trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.