Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 110/2020/NĐ-CP “Quy định về chế độ khen thưởng đối với HSSV, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế” - vừa được Chính phủ ban hành.
Người Việt Nam có câu “Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” phần nào nói lên ý nghĩa và giá trị của việc làm này. Điều đó không chỉ ghi nhận công lao đóng góp của người được thưởng mà còn có ý nghĩa về mặt tinh thần, vật chất và trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, lâu nay, một số địa phương phàn nàn về việc học sinh không mặn mà vào đội tuyển học sinh giỏi các cấp, kể cả cấp quốc gia. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân (khách quan cho đến chủ quan) dẫn đến thực trạng này, nhưng trong đó có liên quan đến chế độ tiền thưởng cho học sinh đoạt giải hoặc thành tích cao tại các kỳ thi. Nhiều người cho rằng, mức tiền thưởng thấp, không tương xứng với công lao, sức lực và trí tuệ mà các em bỏ ra.
Xuất phát từ thực tế, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ khen thưởng với HSSV, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Theo đó, mức thưởng cao nhất cho HSSV, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia là 4 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với trước đây). Với HSSV, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, kỹ năng nghề thế giới ở mức 55 triệu đồng (dành cho thí sinh đoạt Huy chương Vàng hoặc giải Nhất). HSSV, học viên đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic châu Á các môn học, kỳ thi kỹ năng nghề châu Á được thưởng 35 triệu đồng; HSSV, học viên đoạt huy chương trong kỳ thi kỹ năng nghề Đông Nam Á được thưởng từ 8 - 25 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Nghị định 110/2020/NĐ-CP cũng quy định các mức tiền thưởng khác nhau với HSSV, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế (tùy theo thành tích). Xung quanh vấn đề tiền thưởng, vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhưng được dư luận đồng tình, ủng hộ; bởi trong bối cảnh khó khăn chung về nguồn kinh phí dành cho thi đua, khen thưởng, những gì được quy định trong Nghị định 110/2020/NĐ-CP là bước tiến quan trọng, tiếp thêm động lực cho HSSV trên đấu trường trí tuệ. Rộng hơn, đó là việc làm thể hiện tính nhân văn của ngành Giáo dục, Chính phủ, vì thế không dễ để “cân đong, đo đếm”.
Thành tích trong các kỳ thi có thể chưa khẳng định các em sẽ là nhân tài cho quê hương, đất nước; nhưng chắc chắn đây là những “hạt giống” tài năng cần được chăm sóc, bồi dưỡng và “ươm trồng”. Vì thế, việc chủ động đề xuất chính sách tiền thưởng nêu trên là việc làm hợp tình, hợp lý, hợp lòng dân, đồng thời thể hiện triết lý: Chính sách từ cuộc sống. Ở khía cạnh nào đó, đây cũng là giải pháp để thu hút và giữ chân người tài, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”.
HSSV - chủ nhân tương lai của đất nước, là rường cột của nước nhà; vì thế bên cạnh chế độ chính sách về khen thưởng, rất cần có chiến lược mang tính dài hơi và bền vững. Đầu tư cho tài năng trẻ, chính là đầu tư cho tương lai của đất nước. Chúng ta không thể ngồi chờ các em học xong mới áp dụng chế độ đãi ngộ.