Ươm tài năng từ câu lạc bộ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để có được thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục mũi nhọn phải kể tới sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ giáo viên.

Cô Nguyễn Vũ Ánh Tuyết (phải) hướng dẫn học sinh làm nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Vũ Ánh Tuyết (phải) hướng dẫn học sinh làm nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC

Không chỉ yêu và lan tỏa đam mê kiến thức, họ còn dốc tâm cho quá trình phát hiện, bồi dưỡng nhân tài.

Nơi sàng lọc tài năng

Những năm qua, Trường THCS Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) luôn quan tâm tới công tác giáo dục mũi nhọn. Năm học 2022 - 2023, trường có 44 học sinh đạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế ở các môn thi giải Toán học Hoa Kỳ (AMC), Đấu trường Toán học châu Á (AIMO), Kỳ thi Thách thức tư duy thuật toán (Bebras), Kỳ thi toán trực tuyến Clevai, Kỳ thi Toán Quốc tế Mỹ (AMO), Kỳ thi Toán Quốc tế PhiMO… Đằng sau thành tích trên là những thầy cô giáo nhiệt huyết, tận tâm.

NGƯT Ngô Hồng Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm cho biết: “Chất lượng công tác giáo dục mũi nhọn thể hiện qua các kỳ thi học sinh giỏi, sân chơi trí tuệ, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao cấp quận, thành phố, quốc tế. Để thực hiện công tác này, trường triển khai mô hình tự nguyện “Câu lạc bộ môn học em yêu thích” ở 10 môn văn hóa. Học sinh tham gia cần đáp ứng hai tiêu chí là yêu thích môn học và đạt mức điểm theo quy định của nhà trường.

Câu lạc bộ cấp trường sẽ tuyển chọn học sinh từ lớp 6 để đến khi kết thúc lớp 8, các em thi vào “Câu lạc bộ môn học em yêu thích” cấp quận. Ban đầu, câu lạc bộ có từ 15 - 25 học sinh nhưng đến lớp 8, trải qua quá trình bồi dưỡng, sàng lọc, có thể chỉ còn 10 - 20 học sinh. Sau đó, các thầy cô tiếp tục chọn lọc những em có thành tích tốt tham dự các kỳ thi học sinh giỏi do phòng/sở GD&ĐT tổ chức.

“Nhà trường cũng khuyến khích học sinh tham gia sân chơi trí tuệ. Những kỳ thi này được tổ chức trực tuyến và trực tiếp nên có thể linh hoạt đăng ký. Đây là cơ hội để các em giao lưu, trao đổi và cọ xát với bạn bè đến từ các trường”, NGƯT Ngô Hồng Giang trao đổi.

Với quan điểm, kiến thức học sinh mang đi thi cũng thể hiện trí tuệ của giáo viên, ngoài công tác tuyển chọn giáo viên, cô Giang cho hay, nhà trường còn chú trọng lan tỏa và thu hút học sinh có năng lực tham gia câu lạc bộ. Từ lớp 6, giáo viên chủ nhiệm, bộ môn đã tuyên truyền, phổ biến các kỳ thi đến học sinh, phụ huynh. Khi phát hiện em nào có tố chất, thầy cô sẽ động viên, khích lệ tham gia câu lạc bộ trên tinh thần tự nguyện.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Hà (giữa) Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Thái Nguyên) thổi hồn đam mê lịch sử cho trò. Ảnh: NVCC

Cô giáo Nguyễn Ngọc Hà (giữa) Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Thái Nguyên) thổi hồn đam mê lịch sử cho trò. Ảnh: NVCC

Phát huy tinh thần tự học

Với nhiều năm kinh nghiệm đào tạo học sinh giỏi môn Toán, cô giáo Nguyễn Thị Hanh - Trường THCS Ngọc Lâm, cho biết: Học sinh tham gia câu lạc bộ thường có tố chất, nền tảng kiến thức chắc nên giáo viên cần đưa ra phương pháp tiếp cận khác lớp đại trà. Trong lớp, cô Hanh luôn đề cao tinh thần chủ động để các em rèn khả năng tự học, trau dồi kiến thức.

Khi giao bài tập, cô định hướng, gợi mở để học sinh mày mò cách làm và khám phá kiến thức mới. Các em khó khăn ở đâu sẽ chủ động hỏi và cô cùng tháo gỡ. Ngoài ra, cô Hanh khuyến khích học sinh học nhóm để giúp đỡ nhau giải quyết kiến thức khó. Giáo viên gợi ý những tài liệu cần thiết nhằm định hướng cho học sinh từ ban đầu, tránh việc tìm đọc tài liệu tràn lan, kém hiệu quả.

Để bồi dưỡng học sinh tham dự các kỳ thi, theo cô Nguyễn Thị Hanh, giáo viên phải không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, liên ngành và đổi mới phương pháp giảng dạy. Ví dụ, các sân chơi quốc tế thường tổng hợp kiến thức nhiều môn học như Toán, Tiếng Anh, Khoa học..., giáo viên dạy Toán phải trau dồi thêm kiến thức Khoa học, nâng cao khả năng tiếng Anh. Với cuộc thi tổ chức trực tuyến hoặc trên máy tính, giáo viên nhất định phải thành thạo công nghệ thông tin…

Khi ôn luyện, thầy cô giáo không dùng hình thức phạt nếu học sinh làm sai vì điều đó khiến các em cảm thấy nặng nề, coi như cuộc đua. Học trò làm được bài thì động viên, khen ngợi phù hợp; không đạt kết quả như mong muốn thì càng phải giữ nguồn năng lượng tích cực để động viên, an ủi trò trên tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”.

ThS Nguyễn Ngọc Hà - Trường THPT Hoàng Quốc Việt (tỉnh Thái Nguyên) có hơn 15 năm dạy học môn Lịch sử và tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia. Theo cô Hà, muốn học trò đam mê học tập, nhất là môn Lịch sử vốn bị coi khô khan, giáo viên phải là tấm gương về đam mê và truyền cảm hứng đến trò.

Cô Hà đã áp dụng nhiều hình thức dạy học lịch sử đổi mới như dạy học qua tranh ảnh, tài liệu văn học, thơ... nhằm tác động vào cảm xúc học sinh, giúp dễ hiểu, nhớ, không nhàm chán. Phương pháp này góp phần khơi gợi tình yêu lịch sử, dân tộc và đam mê môn học.

Tương tự, cô Nguyễn Vũ Ánh Tuyết - giáo viên Vật lý, Trường THPT chuyên Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) có duyên đồng hành với học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế. Tháng 8 vừa qua, dự án “HEAD-MOUSE chuột máy tính điều khiển bằng đầu” của nhóm học sinh Hưng Yên do cô Ánh Tuyết dẫn dắt đã giành Huy chương Vàng tại cuộc thi Olympic Sáng tạo và Phát minh Thế giới INNOVERSERS 2023 (Mỹ).

Cô Tuyết cho rằng, với lĩnh vực phát minh, sáng chế, học sinh cần được thỏa sức phát huy khả năng sáng tạo để tìm ra đề tài, ý tưởng mới. Khi bắt tay vào triển khai dự án sẽ gặp khó khăn, thậm chí thất bại, vì vậy giáo viên nên thường xuyên khích lệ, động viên học sinh kiên trì cố gắng.

Ngoài ra, giáo viên cần đồng hành, hỗ trợ học sinh về kiến thức chuyên ngành. Điều này góp phần giúp thầy, cô nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức mới và mở rộng tư duy.

“Quá trình bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi đòi hỏi người thầy có năng lực chuyên môn vững vàng. Vì thế, nhà trường phải chọn giáo viên dạy câu lạc bộ có thành tích, trách nhiệm, giàu kinh nghiệm. Mặt khác, trường nên ưu tiên bồi dưỡng thế hệ giáo viên trẻ tiếp nối, sắp xếp họ vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, học hỏi từ giáo viên có kinh nghiệm. Sau khi vượt qua khảo sát, thầy cô có thể tham gia dạy chính”. - Nhà giáo Ưu tú Ngô Hồng Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ