Ươm mầm ước mơ cho học sinh vùng cao

GD&TĐ - Yêu nghề, mến trẻ, tận tụy với công việc, sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy, cô giáo Phùng Thị Vân, Trường TH&THCS Cam Cọn (Bảo Yên, Lào Cai) không chỉ được học sinh và phụ huynh tin yêu mà còn là người truyền lửa, ươm mầm ước mơ cho học trò vùng cao.

Ươm mầm ước mơ cho học sinh vùng cao

Tình nguyện lên vùng cao dạy học

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục Tiểu học,Trường Đại học Hùng Vương năm 2011, cô Vân tình nguyện lên vùng cao công tác. Trường Tiểu học số 2 Cam Cọn, nay là Trường TH&THCS Cam Cọn thuộc vùng khó khăn của huyện Bảo Yên. Những áp lực của cô gặp phải trong thời gian đầu dạy học nhưng cũng là bước đệm để cô vững bước vào nghề.

Cô Vân vẫn nhớ cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm khi lần đầu tiên đặt chân đến Trường Cam Cọn. Nhìn ánh mắt các em nhỏ vùng cao với tâm hồn ngây thơ, trong sáng, thật thà và tình cảm khi phải sống xa nhà, cô thương các em nhiều hơn. Nơi đây đã thắp lên trong cô ngọn lửa, ước mơ cháy bỏng không ngừng và lý tưởng sống cống hiến cho nghề, cho đời, ươm mầm mơ ước cho bao thế hệ.

“Với tôi, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Nơi đây tôi không chỉ có các đồng nghiệp mà còn có những người như cha mẹ, như anh chị em, bạn bè luôn bên cạnh; giúp đỡ, dìu dắt để tôi ngày càng trưởng thành. Tôi đã nhận được tình yêu thương chân thành, sự ngưỡng mộ, niềm tin của các học trò nhỏ qua từng ánh mắt”, cô Phùng Thị Vân chia sẻ.

Tích cực đổi mới phương pháp

Theo cô Vân, đặc thù của học sinh vùng cao là thẳng thắn, thật thà, chất phác và tự trọng. Các em không vừa ý điều gì thường tỏ thái độ ngay, cộng thêm khả năng diễn đạt tiếng phổ thông của nhiều em còn hạn chế nên để hiểu từng em rất khó. Giáo viên vùng cao như các cô phải đầu tư nhiều thời gian để tìm hiểu tâm lý của các em, để đánh giá cũng như xét năng lực – phẩm chất của từng em.

Trong khi đó, điều kiện kinh tế gia đình các em còn gặp rất nhiều khó khăn. Bố mẹ đi làm xa nhà, các em phải sống cùng với ông bà hoặc anh chị. Hiểu các em thiếu tình yêu thương của bố mẹ, cô Vân quan tâm đến các em hơn, không chỉ nhắc nhở việc học tập trên lớp mà còn chú ý đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em.

Là cô giáo trẻ, cô Vân không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp, miệt mài trau dồi kiến thức, kỹ năng của bản thân, hết lòng với trẻ. Mỗi tình huống cô đưa ra trong từng tiết dạy đều thu hút được học sinh hứng thú tham gia, cô lôi cuốn các em vào hoạt động một cách say sưa, cô mang kiến thức đến với các em hết sức sáng tạo, phong phú.

“Đối với nghề giáo, ngoài trình độ năng lực chuyên môn, rất cần thêm lòng say mê, nhiệt huyết với nghề. Khi đó, mỗi người giáo viên mới hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp “trồng người” cao cả. Thành tích có được là những quả ngọt đầu mùa để tôi không ngừng phấn đấu nhiều hơn…”.
Cô giáo Phùng Thị Vân 

Cách xử lý tình huống sư phạm của cô cũng nhẹ nhàng và tinh tế khiến học sinh cảm thấy gần gũi và yêu thương.Trong mỗi bài giảng, cô tìm hiểu nhiều hình thức để giúp các em lấy lại kiến thức cơ bản như: Phân công bạn khá, giỏi kèm bạn chậm hơn, tổ chức các hình thức như đôi bạn cùng tiến, các trò chơi học tập…

Để đổi mới phương pháp dạy học, cô không ngừng tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy và học. Cô đã tìm tòi học hỏi các phương pháp, các kĩ thuật dạy học tích cực như: “Phương pháp mảnh ghép”, “phương pháp trải nghiệm sáng tạo”, “kĩ thuật khăn trải bàn”, “kĩ thuật bể cá”… nghiên cứu và tìm hiểu sự khác biệt giữa dạy học theo “tiếp cận nội dung” của chương trình cũ với dạy học theo hướng “tiếp cận năng lực” của Chương trình sách giáo khoa mới để từng bước vận dụng linh hoạt vào thực tế giảng dạy.

Nhiệt huyết, trách nhiệm cao trong giảng dạy, tích cực, mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, năm học đầu tiên trong nghề giáo (năm học 2011 - 2012), cô đã có học sinh đạt giải Ba cấp huyện môn Tiếng Việt và giải Nhì cấp tỉnh.

Chia sẻ về những bí quyết đem lại những quả ngọt, cô Vân cho biết: “Mỗi học sinh đều có điểm mạnh, điểm yếu, bởi vậy giáo viên cần có phương pháp riêng cho từng cá nhân học sinh để các em có thể phát huy cao nhất khả năng của mình. Muốn học sinh tiếp thu được bài học và có một tư duy sáng tạo, người thầy phải thổi cho các em một niềm đam mê thực sự về môn học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.