Xu hướng 4.0
Theo PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, công nghệ, Trường ĐH Bách khoa (TPHCM), trong các trường đại học truyền thống, chỉ thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi về đào tạo và nghiên cứu, đổi mới sáng tạo dường như không quá thiết thực vì kết quả thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là nghiên cứu, về thực chất, chưa cần thiết phải gắn liền với hiệu quả kinh tế, xã hội.
Cho đến đầu những năm 2000, các trường ĐH mới bắt đầu thực hiện thêm nhiệm vụ thứ ba là “đổi mới sáng tạo”. Điều này phù hợp với nền kinh tế, xã hội, nền tảng tri thức – công nghệ và luôn biến đổi không ngừng.
Mặt khác khởi nghiệp dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo còn được nhìn nhận là công cụ mang tính thời đại nhằm giải quyết việc làm cho lực lượng HS, SV sau tốt nghiệp và cả các thành phần lao động khác trên bình diện quốc gia.
PGS.TS Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm sáng tạo và ươm tạo FTU (FIIS), Trường ĐH Ngoại thương cũng cho rằng, khởi nghiệp có vai trò quan trọng đối với hoạt động sáng tạo, phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tại Việt Nam đóng góp của các doanh ngiệp mới, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực tư nhân chiếm gần 50% GDP và thu hút khoảng 90% lao động mới (VCCI, 2016). Như vậy, việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp là một giải pháp tốt cho việc giải quyết việc làm, làm tăng tính năng động của nền kinh tế và làm giảm tỉ lệ thất nghiệp.
Bệ phóng cho những sáng tạo
PGS.TS Lê Thị Thu Hà nhận định: Các trường ĐH không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, mà có thể trở thành nơi ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Với mức độ thất nghiệp của SV ra trường ngày càng trở nên trầm trọng như hiện nay (ước tính có khoảng 225 nghìn cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp trong quý 1 năm 2016) việc tạo động cơ và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của SV rất quan trọng. Tuy nhiên, khởi nghiệp không chỉ đơn giản là thành lập doanh nghiệp mới mà cần được nhìn nhận trong cả quá trình từ ý định đến hành động.
Bởi vậy việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp từ trường ĐH được xem là biện pháp hiệu quả để nâng cao số lượng và chất lượng doanh nhân khởi nghiệp của quốc gia bởi “doanh nhân được tạo ra chứ không phải được sinh ra”. Do đó để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và văn hóa khởi nghiệp đối với SV cần bắt đầu từ việc nâng cao ý định khởi nghiệp và tạo môi trường nuôi dưỡng các ý tưởng đó trong họ.
PGS.TS Lê Thị Thu Hà cho biết: Kênh 14, Ybox, ColorMe hay Finbox đã tìm được bệ phóng cho việc phát triển ý tưởng của mình thông qua các cuộc thi khởi nghiệp của nhà trường như khởi nghiệp cùng Kaiwai (KBS), Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam (VSIC) và hàng loạt các cuộc thi sáng tạo khác…
Không chỉ đồng hành với cộng đồng sinh viên, FIIS còn chú trọng đến hoạt động bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho giảng viên và cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các khóa đào tạo TOT phối hợp với các đối tác như Vietnam Silicon Valley, Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam, Phần Lan…
Chia sẻ về hoạt động ươm mầm hạt giống khởi nghiệp trong SV, PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi cũng cho biết: Trung tâm đã phối hợp với văn phòng đào tạo quốc tế đã và đang tổ chức 5 cuộc thi phát triển ý tưởng khởi nghiệp cho SV, trong đó, có nhiều ý tưởng có thể được kinh doanh hay thương mại hóa như cuộc thi Innovation Idear Contest năm 2005, Bách khoa Innovation năm 2017, Swiss Innovation Challenge năm 2015 - 2018…
Cần chiến lược dài hơi
Mặc dù có những vườn ươm khởi nghiệp khá phát triển trong các trường ĐH, tạo bệ phóng để SV khởi nghiệp, song, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại đa số các trường ĐH tại Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế về mô hình tổ chức, nhận thức của sinh viên, giảng viên và nhà trường chưa cao, sự hỗ trợ của các bên liên quan chưa tốt, đặc biệt sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường thiếu thông tin và cơ chế, cũng như hành lang pháp lý cho quá trình khởi nghiệp dựa vào đổi mới sáng tạo chưa đầy đủ.
Theo TS Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK - Holdings (ĐH Bách khoa), nguyên nhân trước hết do tư duy, nhận thức chưa đầy đủ về đổi mới sáng tạo; thứ hai là trở ngại về nguồn lực (con người và tài chính, cơ sở vật chất).
Việc khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp gắn liền với kết quả nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDĐH tại Việt Nam là bước đi cần thiết góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, phải có những chính sách và chiến lược đúng đắn từ Nhà nước tới những hành động cụ thể của các trường ĐH trong tổng thể gắn kết chung của cả hệ sinh thái.
PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi cho rằng: Để thực hiện hóa định hướng phát triển này, ngoài sự cố gắng nỗ lực của tất cả giảng viên, cán bộ nhà trường rất cần sự chung tay của nhiều nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội - tri thức, giải quyết tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp theo kỳ vọng hiện nay của Chính phủ dành cho các cơ sở GD đại học.
TS Trần ThỊ Mai Anh