Cử tri đề nghị các bộ, ngành chức năng quy hoạch định hướng đào tạo, định hướng nghề nghiệp đối với HSSV, rà soát, xem xét và tập trung đào tạo các ngành, nghề phù hợp đảm bảo cân đối với nhu cầu tuyển dụng, không nên đào tạo tràn lan gây lãng phí cho gia đình và xã hội.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo bản tin cập nhật thị trường lao động hằng quý số 19, quý III năm 2018, Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm đối tượng có trình độ “ĐH trở lên” là 2,92%. Đây là tỷ lệ có thể chấp nhận được vì khi so sánh với một số quốc gia phát triển trên thế giới, tỷ lệ tương ứng này cũng không hề nhỏ.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai nhiều các giải pháp nhằm nâng cao khả năng có việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, cụ thể: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 và Đề án Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH tích cực tham gia có hiệu quả các đề án nói trên, góp phần nâng cao khả năng có việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện khảo sát, thống kê và công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp trong thời gian 12 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.
Lấy tiêu chí sinh viên ra trường có việc làm là cơ sở trong việc xác định chỉ tiêu đào tạo, mở ngành đào tạo và là căn cứ để các trường điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo, để người học lựa chọn ngành nghề và cơ sở đào tạo. Đồng thời, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cũng là một trong các tiêu chuẩn trong kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình đào tạo.
Ban hành Công văn số 5694/BGDĐT-GDĐH ngày 14/12/2018 hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT ngày 9/12/2008 quy định nội dung và các điều kiện đảm bảo thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó chú trọng công tác tư vấn và hỗ trợ cho sinh viên tốt nghiệp tự tạo việc làm và tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH tiếp cận với nhu cầu của thị trường lao động; đồng thời thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo như đối mới công tác quản trị nhà trường, công tác quản lý quá trình đào tạo, tăng cường đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cường đầu tư về cơ sở vật chất, đẩy mạnh việc phối hợp với đơn vị sử dung lao động để tăng thời lượng cho sinh viên được học tập và thực tập gắn với thực tế nghề nghiệp và vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT đang tập trung hoàn thiện 2 Đề án: Đề án Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và hình thành một số trường sư phạm trọng điểm giai đoạn 2019-2025 và Đề án Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH công lập, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II và quý III/2019.
Theo đó, chuẩn trường ĐH và chuẩn các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ được ban hành để làm căn cứ đánh giá hiện trạng mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH công lập của Việt Nam.
Dựa trên kết quả đánh giá, hệ thống sẽ được rà soát, phân loại và sắp xếp lại. Những cơ sở giáo dục ĐH công lập hoạt động không hiệu quả dự kiến phải thực hiện các giải pháp như sáp nhập hoặc giải thể; những cơ sở đào tạo có chất lượng, được xã hội thừa nhận sẽ tiếp tục được đầu tư trọng tâm, trọng điểm để phát triển, hội nhập với giáo dục ĐH trong khu vực và trên thế giới.
Đề án cũng sẽ đặt mục tiêu phát triển một hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH công lập hoạt động có hiệu quả, có sự phân loại về chất cũng như mục tiêu sứ mạng khác nhau nhưng hỗ trợ nhau trong tổng thể phát triển chung để phục vụ việc đào tạo nhân lực ở từng mức độ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng của thị trường lao động.
Tỷ lệ phân loại các cơ sở này sẽ dựa trên kết quả rà soát theo các bộ chuẩn (trường ĐH, cơ sở đào tạo giáo viên) trong toàn hệ thống để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của quốc gia ở từng giai đoạn nhất định.