Sinh tử với biển...
Không biết tự bao giờ, người dân Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) luôn dựa vào biển để mưu sinh. Biển là nhà, là máu xương, là tâm hồn của họ. Biển cho sự sống, nhưng cũng mang về cho họ lắm tai ương! Dẫu biết mỗi chuyến ra khơi là một hành trình gian khổ, đối mặt với bao hiểm nguy rình rập, nhưng nếu bảo họ đừng đi biển nữa, chắc chắn họ sẽ lắc đầu. Bởi lẽ, đó là nghiệp, là miếng cơm, manh áo của cả gia đình và cuộc sống của họ!
Ngư dân ra khơi trong những chuyến biển dài vẫn “hồn nhiên” như ông cha ta hàng nghìn năm trước: Rủ bạn đi cùng. Nghề biển đến với con cái ngư dân cũng như nghề nông tự đến với… con nhà nông vậy. Trên tàu không có chủ tàu, không có người làm thuê, mà tất cả là... bạn thuyền. Bao đời nay, ngư dân luôn gắn phận mình với sóng, gió ngoài biển khơi. Biển nuôi nấng, che chở với những mùa về tôm cá đầy khoang nhưng khi gằn mình giận dữ cũng là lúc tai họa ập đến cuộc sống của những con người khốn khổ nơi vùng đất xã đảo này! Biển cướp chồng, cướp cha, cướp con cái, tài sản… của họ.
Người dân Ngư Lộc phơi mực ở bờ biển |
Với người ngư dân, mỗi lần đi biển là mỗi lần đặt cược tính mạng mình trên đầu sóng, ngọn gió. Biết bao người dân đi biển mong cho gia đình có cuộc sống ấm no nhưng cái giá phải trả đôi khi quá lớn. Người chồng ra khơi mang theo muôn vàn lời nguyện cầu bình yên của người mẹ, người vợ. Thế nhưng rủi ro vẫn thường xuyên xảy ra, tang tóc thi thoảng vẫn ập xuống vùng đất nghèo khó này. Nhiều căn nhà vốn trống vắng giờ càng thêm lạnh lẽo bởi sự mất mát của người chồng, người cha. Họ ra đi, đi mãi không có ngày trở về, để lại đằng sau nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại. Hơn 20 năm trôi qua, dù đã có biết bao đổi thay, nhưng người dân xã Ngư Lộc, vẫn chưa hết bàng hoàng về trận áp thấp gần bờ năm 1996 đã cướp đi hàng chục ngư phủ trong cùng thời điểm.
Ông Phạm Cao Quyền – Bí thư Chi bộ thôn Bắc Thọ, bồi hồi nhớ lại nỗi đau kinh hoàng ấy: “Đó là ngày 1/7 Âm lịch năm Bính Tý (tức 14/8/1996), sóng biển nổi ầm ầm, đen đặc. Đi đâu, cũng bắt gặp những đôi mắt thâm quầng, đờ đẫn, tiếng kêu khóc thảm thiết của mẹ tìm con, vợ tìm chồng, con tìm cha… não nề, ai oán. Đận ấy, trong làng không còn ai, họ đổ cả ra bờ biển mong ngóng người thân. Tang thương bao trùm lên cả vùng biển nghèo này! Có lẽ, với bà con Ngư Lộc, đó là một đêm không thể quên được trong cuộc đời. Những người vợ bỗng dưng mất chồng, mẹ mất con và những người con cũng trở nên côi cút. Trận cuồng phong ấy đã nhấn chìm gần như toàn bộ số thuyền câu mực của Ngư Lộc, đó là tài sản mà cả đời họ phải chắt chiu, gom góp mới sắm được”.
Bây giờ, cứ vào ngày mùng 1/7 Âm lịch hàng năm, Ngư Lộc lại có hàng chục cái giỗ những ngư dân tử nạn lần ấy. Khói nhang còn tỏa nghi ngút, những giọt nước mắt tiếc thương và nỗi đau vẫn âm ỉ chưa nguôi. Thảm họa ngày ấy chưa bao giờ cũ, vẫn đủ để nhắc mỗi người về tầm mức của tai ương. Ở cái xã đảo này, người đi biển lo một, người ở nhà lo mười. Bởi, mỗi khi đã ra khơi, không ai chắc chắn với biển một điều gì, mà chỉ khi nào thuyền cập bến bình yên, những người ở nhà mới thở phào.
Có lẽ, thiệt hại mà thiên nhiên mang đến với mảnh đất này chỉ có thể đong đếm được bằng nước mắt của những người ở lại! Dẫu biết rằng, những hiểm nguy ngoài khơi luôn rình rập, nhưng người Ngư Lộc vẫn ngày đêm bám biển, xem biển cả là nhà, họ chỉ còn biết cầu mong những chuyến biển bình yên. Biết là nhiều khó khăn, vất vả nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì cuộc sống mà họ phải cố gắng vượt qua. Biển mặn chát, đôi khi đắng ngắt, nhưng người Ngư Lộc vẫn chẳng thể quay lưng bởi không còn lựa chọn nào khác!
...Và, ước mơ lấn biển
Người dân Ngư Lộc đang có ước mơ lấn biển |
Vùng đất bãi ngang, xã đảo này nếu tính toàn bộ diện tích đất tự nhiên, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1km2 (0,93km2), trong đó, bao gồm cả diện tích đảo Hòn Nẹ, vùng bãi bồi và toàn bộ diện tích tự nhiên đất liền của xã Ngư Lộc. Trong khi đó, tổng dân số của Ngư Lộc khoảng hơn 18.000 người, với hơn 3.200 hộ gia đình. Có nhiều người bảo rằng: “Mật độ dân số ở Ngư Lộc cao nhất thế giới”. Về điều này, từ trước tới giờ chưa ai xác tín! Tuy nhiên, nếu đem so sánh với các địa phương khác trên đất nước Việt Nam, chắc chắn Ngư Lộc là một trong những nơi có mật độ dân số đông nhất! Cũng do đất chật, người ngày càng đông và trải qua năm tháng với bao biến cố thăng, trầm mà những ngôi nhà của người dân dần được “xén” nhỏ ra để các thế hệ tá túc, mưu sinh.
Bí thư Chi bộ thôn Bắc Thọ - Phạm Cao Quyền dẫn tôi len lỏi vào những ngõ, ngách chật hẹp ở các thôn Bắc Thọ, Thắng Tây, Thắng Lộc… những ngôi nhà san sát, chen chúc nhau bởi những lối đi quá hẹp (có những con hẻm hai người đi bộ ngược chiều, phải lách nhau). Ở Ngư Lộc, có vô số căn nhà chỉ rộng chừng hơn ba chục mét vuông, là nơi trú ngụ cho 5 hoặc 6 nhân khẩu sinh sống. “Những ngôi nhà có diện tích hơn ba chục mét vuông cho dăm người sinh sống, khá nhiều. Có nhiều ngôi nhà chỉ rộng chừng hơn hai chục mét vuông, thậm chí bé hơn, lại chen chúc bên những lối đi ngoằn ngoèo, chật hẹp… là một thực tế. Những con ngõ ở đây, rộng nhất là 4 mét, một số ngõ phụ chỉ rộng 0,8m, là lối đi chính cho khoảng từ đôi, ba chục hộ gia đình” - ông Quyền cho hay.
Cũng chính vì điều kiện đất chật, người đông mà chính quyền sở tại buộc phải giải quyết vấn đề cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo kiểu “chẳng giống ai”. Đó là, trước đây, nếu diện tích đất từ 40m2 trở lên, thì người dân mới được cấp quyền sử dụng đất. Còn những năm gần đây, chính quyền “buộc lòng” phải điều chỉnh hạn cấp chứng nhận quyền sử dụng đất xuống mức diện tích 20m2 cho những hộ dân đã tồn tại diện tích đất ở từ trước năm 1994. Giải pháp này, cũng là cách để giúp nhiều người dân có “mảnh đất cắm dùi”, ngay tại quê cha đất tổ.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Ngư Lộc, hiện nay địa phương này đang có khoảng trên 8.000 người trong độ tuổi lao động; trong đó, có 2.000 người đi làm ăn xa; khoảng trên 2.000 lao động trực tiếp khai thác tôm, cá… trên biển; hơn 3.000 lao động chế biến, dịch vụ thương mại… Mức thu nhập bình quân đầu người ở Ngư Lộc hiện tại cũng đã đạt gần 35 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo đang còn 9%; hộ cận nghèo 14%. Trong số hộ nghèo và cận nghèo ấy, là những người dân chủ yếu làm nghề phụ như: Bóc tôm, tách cá, chế biến hải sản, làm thuê... nên không đáp ứng được cuộc sống.
Tại sao người dân Ngư Lộc cứ phải sinh sống chen chúc nhau đến lạ kỳ như vậy? Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được các cụ cao niên trong làng, kể rằng; Từ xưa đến nay, phàm đã là người được sinh ra, lớn lên ở đất Ngư Lộc, nếu không học hành, thoát ly khỏi quê hương, thì tất cả trai tráng trong làng đều hướng ra biển. Bởi lẽ, đi biển là nghề truyền thống. Cha truyền dạy cho con, anh chỉ bảo cho em, con cháu đến tuổi “ăn sóng, nói gió”, thì tự khắc nhìn lấy ông, cha mình mà học nghề. Cái nghề đi biển đôi khi cũng vô cùng “bạc” với con người nơi đây. Như ai đó từng bảo, người không phụ biển bao giờ, nhưng biển nhiều khi lại phụ người. Biển đã từng cướp đi hàng trăm mạng sống, mà chủ yếu là thanh niên trai tráng và nhiều người đàn ông là trụ cột của gia đình của mảnh đất này.
Những khó khăn, tròng trành ở phía biển như vậy đã kéo theo những hệ lụy, bấp bênh trên bờ đối với người Ngư Lộc. Vốn là một xã đảo, không có bãi biển, diện tích quá chật, không có quỹ đất để bố trí chế biến hàng hải sản tại gia đình của tàu, thuyền đi khai thác về. Thế nên, khu vực đê biển trở thành nơi chế biến hải sản, dù ai cũng biết đó vi phạm quy định, nhưng không còn cách nào khác.
Trong khi đó, một điều trăn trở nhất thời gian gần đây ở Ngư Lộc, là mỗi ngày có khoảng trên 10 tấn rác thải. Những năm trước kia, vì không có đất quy hoạch bãi rác, nên người dân đều tống khứ tất tần tật mọi thứ chất thải ra… mép biển. Giờ đây, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, địa phương phải huy động mỗi hộ gia đình đóng góp tiền, (nhưng không quá 10.000 đồng/khẩu/tháng, sau khi đã miễn giảm cho những đối tượng thuộc diện được miễn, giảm theo quy định của Nhà nước). Sau khi thu gom hằng ngày, số rác ấy được vận chuyển sang tỉnh Ninh Bình để thuê xử lý... Chỉ tính riêng phần chi phí cho rác thải thôi, mỗi năm Ngư Lộc mất cả tiền tỷ để giải quyết vấn đề này. Nhưng không làm như vậy, thì ô nhiễm bờ biển ở đây vẫn sẽ là vấn đề “nóng bỏng” dài dài… Nói về con người và mảnh đất Ngư Lộc chỉ ngần nấy vấn đề thôi, cũng đã thấy sự mâu thuẫn, một vòng luẩn quẩn giữa biển và bờ chưa có lối thoát. Vì thế, hơn bao giờ hết, người dân Ngư Lộc đang có một ước mơ, đó là lấn biển.
Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc Nguyễn Văn Ngữ, bảo rằng: Bản thân ông và tất cả người Ngư Lộc đều có chung ước mơ lấn biển. Bởi lẽ, có lấn ra phía biển được, thì mới có cơ hội để nâng tổng diện tích đất ở và những vấn đề liên quan đến cuộc sống của hơn 1,8 vạn con người nơi đây. “Nếu Ngư Lộc lấn ra phía biển được chừng 2 km thôi, lúc đó sẽ rút ngắn khoảng cách từ đảo Hòn Nẹ về phía bờ còn chừng 4km.
Tổng diện tích đất tự nhiên của Ngư Lộc sẽ tăng lên, người dân Ngư Lộc có cơ hội xây dựng nhà cửa, mở mang ngành nghề. Lúc đó, đảo Hòn Nẹ sẽ trở thành khu du lịch tham quan, nghỉ dưỡng cho du khách. Xung quanh đảo Hòn Nẹ sẽ trở thành những làng chài cho người dân làm nghề. Và, khi lấn được ra phía biển như ý tưởng nêu trên, chính quyền địa phương sẽ quy hoạch khu vực nuôi trồng hải sản (dòng nhuyễn thể); đồng thời lập cầu cảng, đưa tàu du lịch vào hoạt động để phục vụ du khách tham quan đảo Hòn Nẹ, hoạt động du lịch biển... Thế nhưng, để làm được điều này, thì nguồn kinh phí đầu tư vào đây phải lên tới cả tỷ USD, chứ không phải là ít” - ông Ngữ bộc bạch.
Dẫu biết rằng, để giải quyết được những vấn đề cho Ngư Lộc thật “xuôi chèo mát mái”, quả thật không hề đơn giản. Nhưng, đặt niềm tin và hy vọng là quyền của mỗi người! Chúng tôi chỉ mong rằng, cấp Nhà nước có thẩm quyền ở Thanh Hóa, sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu, để “hóa giải” sự tròng trành, bấp bênh giữa biển và bờ ở Ngư Lộc - một vùng đất đang trên hành trình đô thị hóa trong tương lai. Và, điều tiên quyết hơn cả, đó là làm sao để biến ước mơ lấn biển của người dân Ngư Lộc trở thành hiện thực.