Chiều cuối năm, xóm nhỏ nơi gia đình Thị Quyền (20 tuổi, người dân tộc S’tiêng, ngụ Lộc Ninh, Bình Phước) – mẹ của hai bé gái song sinh dính liền mông, không có hậu môn – sinh sống nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Từ ngày hai bé Bảo Hân và Bảo Ân (2 tuổi) phẫu thuật tách phần mông dính liền, cuộc sống gia đình chị Quyền khó khăn rất nhiều. Chị bảo để giúp các con phát triển thể lực, hòa nhập với môi trường sống không phải điều dễ dàng, cần nỗ lực hết sức.
Hai bé gái song sinh dính liền mông, không có hậu môn cách đây 2 năm.
“Biết hai con dính liền mông, tôi hoảng sợ bật khóc và không dám nhìn”
Thị Quyền tâm sự: “17 tuổi, tôi được chị họ làm mai cho chàng trai cùng dân tộc. Chúng tôi tìm hiểu, yêu nhau và cưới đúng trong một tháng. Do không biết cách phòng tránh khi quan hệ, tôi đã có em bé ngay sau đó”.
Tháng đầu mang thai, Thị Quyên có đi kiểm tra tại bệnh viện tuyến huyện. Qua siêu âm, bác sĩ chẩn đoán chị có song thai và yêu cầu lên tỉnh làm các xét nghiệm tầm soát trước sinh. Chị đã bỏ mặc lời khuyên vì không có… tiền. Do vậy từ lúc có bầu đến khi sinh, chị chỉ biết mình đang mang thai 2 đứa trẻ trong bụng.
Suốt thai kỳ, Quyền ở nhà phụ mẹ chồng công việc lương rẫy hoặc hái tiêu mướn cho người ta. Còn anh Điểu Tuấn (26 tuổi, chồng Quyền) đi làm thợ phụ hồ kiếm tiền chờ ngày hai thiên thần bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời.
Bảo Hân và Bảo Ân sau ca phẫu thuật tách phần mông.
Thai 33 tuần, Thị Quyền bất ngờ chuyển dạ và nhập viện Đa khoa Lộc Ninh cấp cứu vào ngày 22/7/2016. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật mổ bắt con cho Quyền.
Sau vài giờ đồng hồ, ca mổ đã thành công với sự chào đời của hai bé gái nặng 3,4kg, dính liền mông, vùng xương cụt và có 2 bộ phận sinh dục nhưng không hậu môn.
“Các con vừa chào đời, bác sĩ hoảng hốt thông báo hai bé dính liền mông làm tôi sợ hãi bật khóc và nhất định không chịu nhìn chúng. Trước giờ, gia đình nội ngoại không hề có ai sinh con “lạ lùng”, vậy mà tôi lại đẻ ra hai đứa trẻ như vậy.
Nếu như ngày đó tôi đi vay mượn chút tiền làm xét nghiệm tầm soát thì các con sinh ra đã không tội nghiệp. Tôi dằn vặt bản thân suốt 4 ngày trời khiến tuyến sữa tắc. May mắn ông xã ở bên động viên cùng cố gắng rồi mọi chuyện sẽ ổn, các con sẽ bình an. Sau đó chúng tôi quyết định đặt tên con là Bảo Ân và Bảo Hân”, chị Quyền nhớ lại.
Gia đình chị Thị Quyền trước ngày xuất viện trở về Bình Phước.
10 ngày sau sinh, Quyền được xuất viện về nhà nhưng đã phải nhập viện ngay do nhiễm trùng vết rạch mổ. Tiếp đó, chị cùng em gái đưa hai con lên Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM kiểm tra với hy vọng tụi trẻ sớm được phẫu thuật tách mông.
Qua 4 lần phẫu thuật đặt và lấy túi giãn da nhưng thất bại, cuối tháng 8/2017, bé Bảo Hân và Bảo Ân đã phải phẫu thuật tách phần mông dính liền.
“Hơn 11 giờ đồng hồ, các con đã được tách rời thành công. Nhưng 7 ngày sau, bé Bảo Hân bị rò dịch não tuỷ và sốt cao. Đặc biệt, dịch não tủy từ trên não đổ xuống cùng thắt lưng gây áp lực nặng khiến các bác sĩ phải lần nữa phẫu thuật não dẫn lưu dịch ra ngoài”, chị Quyền nhớ lại.
Thay đổi bất ngờ của hai đứa trẻ sau gần 2 năm
Khi Bảo Ân - Bảo Hân trở thành 2 cá thể độc lập và ổn định sức khỏe, vợ chồng Thị Quyền đã đưa các con quay trở về Bình Phước. Chị bảo những tháng ngày sau này, vợ chồng phải nỗ lực và kiên trì trong việc giúp các con phát triển thể trạng để được như trẻ bình thường.
“Lúc mổ tách xong, Bảo Hân nặng hơn 6kg, còn Bảo Ân tròn 5kg. So với mức cân trung bình của trẻ 1 tuổi, cả 2 con đều chưa đạt. Vì thế, vợ chồng tôi nghĩ mọi cách để con tăng ký nhưng tôi lại không có sữa, phải cho ăn bột.
2- 3 tháng đầu, các con không tăng được lạng nào khiến tôi căng thẳng rất nhiều. May mắn sau đó chúng cứ tăng đều đều, giờ Bảo Hân đã được 9kg, Bảo Ân 7,5kg”, Thị Quyền tâm sự.
Hiện giờ Bảo Hân (quần áo xanh) đã được 9kg, Bảo Ân (quần áo vàng) 7,5kg.
Tưởng chừng chị Quyền sẽ nhẹ nhõm phần nào khi lũ trẻ dần tăng cân. Ngờ đâu con lớn hơn, chị tiếp tục lo lắng đến chuyện liệu chúng có thể đi hay không?
Chị nói: “Tôi luôn nghĩ các con sẽ không thể đi lại được. Nhưng số phận đã mỉm cười khi hơn tuổi rưỡi Bảo Hân đã tự vịn theo tường mà đi, còn Bảo Ân hơi chậm một chút. Con chỉ ngồi 1 chỗ hoặc bò quanh nhà, vì thế tôi thường xuyên phải bế và tập vận động cho con”.
Hiện tại, Bảo Hân và Bảo Ân đều đã nói sõi nhưng cơ thể vẫn có những “khuyết thiếu”. Bảo Hân phải đeo hậu môn tạm do hậu môn thật khá hẹp, Bảo Ân hay lên cơn sốt co giật. Thị Quyền đưa con lên Bệnh viện Lộc Ninh khám thì bác sĩ chẩn đoán bé thiếu máu nặng.
Bảo Hân phải đeo hậu môn tạm do hậu môn thật khá hẹp.
“Hồi xuất viện, bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 2 hẹn vợ chồng tôi quay lại tái khám cho lũ trẻ. Tuy nhiên chúng tôi chưa sắp xếp được lịch để lên Sài Gòn. Chúng tôi tôi dự định vài tháng nữa sẽ đi kiểm tra cho con, chứ tôi lo sợ Bảo Hân không mở được hậu môn thật, Bảo Ân sẽ không chịu được ca phẫu thuật chân”, Thị Quyền chia sẻ.
Do các con còn nhỏ lại yếu ớt nên chị Quyền dành trọn thời gian ở nhà nội trợ và chăm sóc hai đứa trẻ. Anh Điểu Tuấn đi làm phụ hồ với mức lương 250.000 đồng/ngày nhưng công việc thất thường. Vì thế, cuộc sống của họ vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Bảo Ân hay lên cơn sốt co giật và thiếu máu nặng.
“Nếu trước kia không có các bác sĩ và mạnh thường quân chi trả tiền phẫu thuật của hai bé thì giờ vợ chồng tôi vẫn chưa thể nào trả hết số nợ. Mọi người còn về tận nơi thăm hỏi, giúp đỡ gia đình xây dựng một ngôi nhà gạch khang trang.
Qua đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và các anh chị đã giúp đỡ hai vợ chồng vượt qua quãng thời gian khó khăn nhất cuộc đời”, chị Quyền xúc động.
Hai chị em Bảo Hân và Bảo Ân được trẻ con trong xóm rất yêu quý.
Ngày cận Tết, Thị Quyền và anh Điểu Tuấn không ước mong gì nhiều, chỉ cầu hai con gái Bảo Hân – Bảo Ân luôn khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn và thành công trong các ca phẫu thuật tiếp theo.
“Tôi không ước gia đình giàu có hay no ấm, chỉ mong 2 con gái có sức khỏe chịu đựng những cơn đau trong các cuộc mổ sau này. Xin chúc mọi người có một cái Tết an lành và hạnh phúc”, Quyền nói.