Hàng chục gia đình kêu cứu
Bà Hoàng Thị Hảo (73 tuổi), trú tại xã Minh Lộc mấy ngày nay “lòng như lửa đốt”, khi nghe tin bà Đinh Thị Hường (38 tuổi, ở thôn Minh Thịnh, xã Minh Lộc)tuyên bố vỡ nợ. Vốn là hàng xóm, láng giềng, nên khi nghe bà Hường “thủ thỉ” chuyện vay tiền với mức lãi rất cao, bà Hảo đã không ngần ngại bàn với con gái đem sổ đỏ của gia đình thế chấp ngân hàng.“Vì tin lời chị Hường, nên mẹ con tôi đã vay ngân hàng hơn 700 triệu đồng, rồi cho chị Hường vay lại. Chị ấy bỗng dưng tuyên bố vỡ nợ, trong khi mỗi tháng tôi phải chịu gần chục triệu đồng tiền lãi ngân hàng. Tôi già rồi không làm được gì. Vợ chồng đứa con gái đi làm công nhân, lại nuôi 2 đứa con học đại học giờ không biết phải làm sao” - bà Hảo buồn bã.
Cùng cảnh như bà Hảo, gia đình ông Đồng Văn Thế (57 tuổi, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) bỏ việc nhà, đi gõ cửa cơ quan chức năng tố cáo bà Đinh Thị Hường đã vay của gia đình ông hàng tỷ đồng mà không trả. Theo ông Thế, số tiền mà gia đình ông đã cho bà Hường vay là toàn bộ khoản dành dụm từ việc buôn bán hải sản và vay ngân hàng để chuẩn bị mua nhà.
“Giữa năm 2018, chị Hường bỗng nhiên thân thiết với vợ tôi. Chị ta hay đến nhà chơi rồi rủ rê vợ tôi đi làm đẹp, tặng son phấn, quà cáp… Tháng 8 vừa qua, biết gia đình tôi có hơn 4 tỷ đồng, chị ta tỉ tê trò chuyện, đặt vấn đề vay để rút sổ đỏ từ ngân hàng. Các bên viết giấy vay nợ, ký xác nhận vào ngày 25/8. Chị ta hứa sẽ trả vào ngày 2/9 và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, đến thời hạn, vợ tôi đến lấy nợ thì chị Hường xin khất nhiều lần và sau đó tuyên bố vỡ nợ”- ông Thế cho hay.
Ngoài gia đình bà Hảo, ông Thế, nhiều người dân ở 5 xã vùng biển của huyện Hậu Lộc, gồm: Minh Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc, Hưng Lộc cũng bị đảo lộn cuộc sống khi biết tin bà Hường tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng chi trả các khoản vay.
|
Công an huyện vào cuộc
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, riêng ở xã Ngư Lộc, đã có rất nhiều người làm đơn tố bà Đinh Thị Hường, cho rằng bà này lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, bà Bùi Thị Quý trình bày đã cho Hường vay 2,1 tỷ đồng; bà Đặng Thị Síu cho vay 647 triệu đồng; bà Phạm Thị Thúy cho vay 650 triệu đồng…Nếu tính cả ở các xã khác, tổng số tiền mà bà Đinh Thị Hường đã vay của người dân, sau đó mất khả năng thanh toán ước tính lên tới vài chục tỷ đồng.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc - cho biết: “Theo chúng tôi nắm được, thì tại xã Ngư Lộc, có khá nhiều gia đình đã vay mượn, cầm cố sổ đỏ tại ngân hàng… để lấy tiền đưa cho bà Đinh Thị Hường vay, sau đó lấy lãi cao hàng tháng. Khi nghe tin bà Hường tuyên bố vỡ nợ, nhiều người đã làm đơn tố cáo lên công an huyện, chứ họ không gửi đơn đến chính quyền xã”.
Gia đình bà Đinh Thị Hường trước đây chỉ làm trang trại nuôi gà bình thường. Sau đó, người phụ nữ này giàu lên nhanh chóng vì tham gia buôn bán bất động sản và hiện tại bà Hường vẫn đang sinh sống ở địa phương nhưng ít xuất hiện.
Ông Vũ Huy Bổ - Chủ tịch UBND xã Minh Lộc - cho biết: “Hiện nay có rất nhiều người kéo đến nhà bà Hường đòi nợ. Do đó, UBND xã phải cử lực lượng nắm bắt tình hình, nhằm đảm bảo trật tự trị an trên địa bàn”. Công an huyện Hậu Lộc đang tập trung thu thập tài liệu, chứng cứ để xác minh, làm rõ việc vay nợ giữa bà Đinh Thị Hường với những người đã cho vay tiền.