18 năm sau, cô gái nhỏ bé lại làm nên một kỳ tích khác, là thí sinh duy nhất giành học bổng “Trái tim sư tử” trị giá 1 tỷ đồng của Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam.
Những vất vả, thiệt thòi ngay từ khi sinh ra khiến Oanh trở nên tự lập. Ở cô gái nhỏ bé luôn thấy được sự lạc quan, tin tưởng ở cuộc đời, ở mọi người xung quanh, rằng “khi quyết tâm làm điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lại cùng giúp bạn”.
Đứa bé 9 lạng sống sót diệu kỳ
Gia đình của Nguyễn Thị Oanh (SN 2001) có 3 người: Oanh, người mẹ quanh năm đau yếu và ông chú mù lòa không có vợ con. Từ khi sinh ra, lớn lên rồi đi học, Oanh luôn là học sinh thuộc diện hộ nghèo đặc biệt.
Mảnh đất con con nằm sâu trong xóm Phú Thành (xã Hưng Thành, Hưng Nguyên, Nghệ An) được chia nửa. Một bên gian nhà của ông chú, một bên là nơi ở của mẹ con Oanh. Phía trước là gốc bưởi to. Oanh tính, “em vào lớp 1 thì mẹ trồng cây bưởi này, nên giờ em đi học bao nhiêu năm thì cây bưởi từng ấy tuổi”. Còn bà Nguyễn Thị Vinh (SN 1959) - mẹ của Oanh nói: “Nếu ai mua cả cây thì tôi bán ngay, lấy tiền phụ thêm cho con đi học. Lâu nay, một mình nó xoay xở với cuộc sống ở thành phố, mẹ chẳng có gì để cho”.
Mẹ của Oanh lấy chồng muộn, là một người đàn ông ở làng bên. Ở tuổi 42, bà hạnh phúc khi biết tin có thai, chờ đợi ngày đứa bé chào đời. Nhưng chưa đủ ngày đủ tháng, bà sinh non bé gái nặng 9 lạng, nằm lọt trên một cánh tay. “Hồi đó bác sĩ nói con tôi yếu lắm, chỉ động viên mẹ con cố gắng. Chồng tôi nhìn con bé sợ không sống nổi, bảo tôi bỏ đi. Tôi làm răng mà bỏ được. Chỉ cần nó còn thở là tôi nuôi. Nhà nghèo không có tiền mua sữa bột, tôi hòa sữa đặc vào nước cháo rồi đổ cho con uống. Vậy mà nó sống”, bà Vinh kể lại.
Bà Vinh không bỏ Oanh! Nhưng người chồng lại bỏ 2 mẹ con sau những mâu thuẫn không hòa hợp được. Kể từ đó, một mình bà làm ruộng, trồng rau, thả gà nuôi con gái, chăm sóc mẹ già và người chú ruột mù lòa không có sức lao động. Sức khỏe yếu, làm lụng không bằng người ta, cuộc sống 2 mẹ con Oanh đắp đổi từng ngày. Bù lại, Oanh là đứa bé ngoan ngoãn, tự lập, hiểu chuyện, chăm chỉ. Đến tuổi đi học, cô bé mới biết chạnh lòng, tủi thân khi thấy bạn bè có tình yêu thương của cả bố lẫn mẹ. Oanh phải nỗ lực hơn nhiều để vượt qua sự mặc cảm, tự ti của tuổi thơ, để học thật tốt như khát khao của mẹ và tìm cho mình lối thoát khỏi sự đói nghèo.
Từ lớp 1 đến lớp 12 năm nào Oanh cũng đạt học sinh tiên tiến. Năm lớp 12, Oanh đạt học lực giỏi với điểm trung bình năm học là 8,4. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Nguyễn Thị Oanh nằm trong tốp học sinh đạt điểm cao của Trường THPT Phạm Hồng Thái (huyện Hưng Nguyên). Em cũng đã trúng tuyển nguyện vọng 1 vào Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sức mạnh đến từ tình yêu và sự đớn đau
Suốt 12 năm phổ thông, Oanh chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ học. Kể cả thời điểm đầy khó khăn: Bà ngoại qua đời, mẹ mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp biến chứng sang khớp phải nằm viện 3 tháng. Em vừa đi học, vừa chăm mẹ, tranh thủ đi rửa bát thuê, bán ve chai cho các nhà hàng để kiếm tiền. “Đêm khuya ngồi học sau ngày dài làm việc kiệt sức, nghe tiếng kêu đau đớn vì bệnh tật của người thân, em từng bật khóc vì áp lực và bế tắc. Những lúc ấy, nghĩ đến sự hi sinh và tình yêu thương của mẹ, em lại thấy bừng lên sức mạnh và quyết tâm”, nữ sinh nhớ lại.
Nhưng trước ngưỡng cửa đại học, Oanh ngổn ngang lo lắng: “Em biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình, mẹ không thể nào có đủ tiền để chu cấp cho em theo lên đại học. Em nghĩ đến việc học xong lớp 12 sẽ đi xuất khẩu lao động, nhưng không yên tâm vì mẹ già yếu. Vậy nên em quyết tâm tìm học bổng để học đại học”.
Để giành được học bổng của các trường đại học lớn, cần có học lực giỏi, thành quả hoạt động xã hội và ngoại ngữ. Vì vậy, Oanh âm thầm chuẩn bị cho mình bằng việc hoàn thành chương trình học ở trường, tham gia hoạt động Đoàn thanh niên và tự học thêm tiếng Anh.
“Ở nông thôn nên việc học tiếng Anh của em hạn chế. Ngoài các tiết học trên lớp, thì ở nơi em sống không có trung tâm ngoại ngữ nào. Em cũng không có tiền đi học thêm, nên tự tìm thêm tài liệu, học nghe, phát âm tiếng Anh qua mạng Internet”, Oanh chia sẻ.
Cuối năm lớp 12, Oanh đã thi và giành được học bổng 50% của một trường đại học quốc tế. Nhưng sau đó, người phụ trách Tổ chức Khát vọng đã giới thiệu Oanh đến với học bổng “Trái tim sư tử” của Đại học Anh Quốc Việt Nam. Nếu giành được học bổng này, Oanh sẽ được tài trợ toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt trong suốt 4 năm học tại trường, giá trị gần 1 tỷ đồng. Đây là cơ hội để Oanh được vào đại học.
Nữ sinh xứ Nghệ viết trong bài luận gửi trường đại học: “Trong những lúc bế tắc, khó nhọc, tôi không quên nhắc nhở mình về tầm quan trọng của tri thức và cơ hội thay đổi cuộc sống nên tôi quyết đối mặt đến cùng, như chim đại bàng dũng mãnh, vượt qua sức gió để tiến tới chân trời xa hơn... Đó là con đường duy nhất để bản thân gia đình tôi có thể có một tương lai tươi sáng và tôi có giá trị hơn”.
“Trái tim sư tử” đã bật khóc
Quyết tâm của cô nữ sinh có hoàn cảnh đặc biệt đã tạo ấn tượng với Hội đồng tuyển sinh, và Nguyễn Thị Oanh được chọn vào phỏng vấn. “So với các bạn ở thành phố, có điều kiện học ngoại ngữ một cách bài bản từ nhỏ, thì trình độ tiếng Anh của em hạn chế hơn. Nhưng em nghĩ mình cứ cố gắng hết mình thì dù kết quả ra sao cũng không hối tiếc. Quá trình phỏng vấn, những câu khó quá, em xin nói bằng... tiếng Việt. Nhưng thầy hiệu trưởng và thành viên tổ phỏng vấn vẫn động viên để em tiếp tục trả lời. Em nói thật về hoàn cảnh của mình, mơ ước vào đại học và mục tiêu trong tương lai”, Oanh kể.
Thời điểm khi nhận tin là thí sinh duy nhất nhận được học bổng “Trái tim sư tử”, Oanh đã bật khóc. Tự nhận phần phỏng vấn của mình không xuất sắc, Oanh cho rằng mình có một phần may mắn. Có lẽ, sự chân thành và khát khao học tập đã chinh phục được ban giám khảo cho em một cơ hội để thay đổi cuộc đời mình.
Giành học bổng trị giá 1 tỷ đồng giúp nữ sinh xứ Nghệ không phải lo lắng về học phí trong suốt 4 năm đại học. Tuy nhiên “nếu thể hiện của em ở trường đại học không tốt như lời cam kết khi phỏng vấn, thì nhà trường có thể rút lại học bổng bất cứ lúc nào”, Oanh cho hay.
Với sinh viên trình độ tiếng Anh chưa cao, sẽ có 1 năm để học ngoại ngữ. Học bổng chỉ là bước khởi đầu. Để thực sự thay đổi cuộc sống, Oanh vẫn không ngừng học tập, lao động, trang bị kỹ năng để “tăng giá trị bản thân”. Cô sinh viên năm nhất vừa học, vừa làm thêm bên ngoài để lo các chi phí cá nhân và gửi về nhà cho mẹ trang trải cuộc sống, chữa bệnh.
Nuôi lớn Oanh từ khi là đứa trẻ thiếu tháng bé xíu, “mẹ coi tôi là báu vật, là niềm hy vọng nhỏ nhoi nhưng duy nhất. Mẹ đặt tôi bằng cái tên thân thương, trìu mến là Oanh với mong muốn sau này tôi có thể sống như chú chim Oanh Vàng tự do, sống với niềm vui vẻ và hạnh phúc ngập tràn”. Vậy nên dù lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng Oanh chưa bao giờ trách số phận và thấy mình “may mắn được mẹ sinh ra”.
Nguyện vọng của cô nữ sinh xứ Nghệ cũng xuất phát từ những người thân yêu nhất. “Em ước mơ sau này sẽ là nhà kinh doanh, lo được cho bản thân và gia đình. Nếu có điều kiện kinh tế, nguyện vọng của em là mở một trung tâm dưỡng lão, để người cao tuổi, thiệt thòi giống như bà ngoại, ông chú em và những người neo đơn được chăm sóc, có cuộc sống tốt hơn, không phải lo lắng trong phần đời còn lại”.