Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Nữ sinh nghèo ước mơ thành bác sĩ

GD&TĐ - Nguyễn Thị Thu Hằng lớp 12A3 - Trường THPT Lục Ngạn số 3 (Bắc Giang) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi không có bố và mẹ đột quỵ…

Đôi bạn thân Hằng (áo trắng) và Hạnh trao đổi bài vở trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2022.
Đôi bạn thân Hằng (áo trắng) và Hạnh trao đổi bài vở trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2022.

Chia tay cậu học trò nghèo với ước mơ trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho anh (Nguyễn Ngọc Thạch, lớp 12A 1 trường THPT Tân Yên số 1 (huyện Tân Yên, Bắc Giang) tôi tìm đến trường THPT Lục Ngạn số 3 (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) - nơi có cô học sinh nghèo đoạt giải Nhì môn Vật lý kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh năm học 2021 -2022.

Cô học sinh nghèo Nguyễn Thị Thu Hằng 12A3 của ngôi trường này cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi không có bố và mẹ đột quỵ….

Học giỏi để mẹ vui, khỏe

Gặp Hằng trong ngày đến làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2022 vào chiều 6/7, ẩn sau nước da rám nắng với dáng người nhỏ thó ấy là ánh mắt sáng ngời. Hằng cho biết, em chỉ mong mẹ thật khỏe mạnh để em yên tâm học tập và làm bất cứ việc gì để có tiền ăn học.

“Mẹ bị đột quỵ mấy năm nay, mỗi tháng được trợ cấp 550 nghìn đồng để mua thuốc nhưng không đủ. Vì vậy, sau giờ học trên lớp, em làm thêm đủ mọi thứ để có tiền trang trải cuộc sống”, nữ sinh tâm sự và cho biết: Mỗi lần đoạt giải thi học sinh giỏi, em thấy mẹ vui, cười nhiều hơn. Hôm biết tin em đoạt giải Nhì môn Vật lý cấp tỉnh, mẹ rất vui. Mà mỗi lần thấy mẹ vui là em hạnh phúc nhất trên đời.

Kể về cuộc sống gia đình, cô học trò nghèo huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang nói: Khi em học lớp 6, nước lụt to, mọi đồ đạc trong gia đình đều bị dòng nước cuốn trôi, hai mẹ con bì bõm gom đồ thì mẹ bị ngã. Cú ngã ấy khiến mẹ bị gẫy chân.

“Chân mẹ lúc đó phải đóng đinh nhưng nhà không có tiền nên chỉ bó bột, chỗ bị gẫy sau đó trở thành tật. Chân mẹ từ đó yếu lắm, đi tập tễnh và không làm được việc nặng nữa…”, Hằng cho biết.

Những tưởng cuộc sống đã cơ cực lắm rồi, nhưng vài năm trở lại đây, sau một trận tai biến, miệng mẹ em bị méo một bên, sức khỏe yếu hơn. Từ đó, gánh nặng gia đình dồn lên vai cô trò nhỏ. Trong gian khó càng thôi thúc Hằng học để thoát nghèo.

Hằng chăm sóc vải giúp mẹ sau giờ học trên lớp.
Hằng chăm sóc vải giúp mẹ sau giờ học trên lớp.

Với thành tích học tập của mình, năm 2009, quỹ PNJ phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Giang đã xây dựng cho gia đình cô học sinh nghèo, hiếu học 1 căn nhà tình nghĩa. Có nhà mới, mẹ con Hằng bớt được gánh nặng mỗi chiều mưa đổ, mỗi đêm đông giá rét.

Tiếp sức cho ước mơ

Chẳng kể ngày nắng hay mưa, trên con đường gần 13km từ nhà đến trường, trên chiếc cầu phao vượt sông, vẫn thấp thoáng dáng vẻ của hai cô học trò đèo nhau trên chiếc xe đạp. Đấy là Hằng và người bạn thân Dương Thị Hồng Hạnh, cả hai đã rong ruổi học cùng nhau từ lớp 1.

“Hằng học giỏi lắm, nhất là môn Vật lý. Ngay từ khi chúng em còn học cấp 2, Hằng đã là học sinh giỏi rồi”, cô học trò Dương Thị Hồng Hạnh nói về người bạn thân.

Bày tỏ về tình cảm của người bạn thân dành cho mình, cô học trò nghèo Nguyễn Thị Thu Hằng kể: Từ năm lớp 10 đến bây giờ, ngày nào Hạnh cũng đón em đi học cùng. Có những hôm, qua phà không có tiền trả, bạn lại trả giúp cho em. Hạnh cũng chỉ cho em nhiều về môn Toán, ngược lại môn Vật lý chỗ nào không hiểu thì em giúp bạn.

Cô Giáp Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn số 3 (huyện Lục Ngạn) cho biết, từ khi Trường THPT Lục Ngạn số 3 thành lập, Nguyễn Thị Thu Hằng là học sinh "đặc biệt" về nghị lực vươn lên trong học tập.

“Không chỉ nghị lực, học giỏi, Hằng là học sinh đoạt giải cao nhất môn Vật lý mà nhà trường vinh dự được xướng tên cùng…”, cô Hiền nhấn mạnh.

Hằng (áo trắng) và Hạnh chụp ảnh lưu niệm cùng với cô Giáp Thị Hiền trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2022.
Hằng (áo trắng) và Hạnh chụp ảnh lưu niệm cùng với cô Giáp Thị Hiền trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2022.

Theo cô Hiền, ngoài sự nỗ lực của giáo viên bộ môn, phần lớn là cố gắng của Hằng. “Trước ngày ôn thi đội tuyển, biết gia đình Hằng khó khăn, nhà trường đã dành tặng em một chiếc máy tính xách tay để tranh thủ ôn thi sau những giờ học ở trường, đi làm thêm ở nhà…”, cô Hiền nhớ lại.

Nói về ước mơ, Hằng cho biết, em đã tập trung ôn tập và dồn sức cho Kỳ thi tốt nghiệp để đủ điểm xét tuyển vào ngành Y hoặc Công nghệ thông tin.

“Em thích công nghệ thông tin hơn, nhưng em sẽ cân nhắc chọn ngành y để sau này chữa bệnh cho mẹ và cho mọi người. Nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn như gia đình em…

Tuy nhiên, việc em nghĩ tới sau kỳ thi là tìm việc làm thêm để có kinh phí lo cho mẹ cũng như tiếp tục nuôi ước mơ trên giảng đường đại học”, Hằng bộc bạch.

Cũng như Nguyễn Ngọc Thạch - lớp 12A1 trường THPT Tân Yên số 1 (huyện Tân Yên, Bắc Giang), dự định sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Hằng sẽ tạm khoác lên mình màu áo công nhân hay tìm một công việc làm thêm. Từ đó, để Hằng hay Thạch tiếp tục nuôi ước mở giảng đường đại học.

Rời Bắc Giang, khi trời đã nhá nhem tối, thấp thoáng đâu đó trên đường là hình ảnh những cô, cậu học sinh với tấm áo dài, chùm hoa phượng vĩ trên giỏ xe, kết thành vòng nguyệt quế đội trên đầu. Ở phía xa xa nào đó, hình ảnh Thạch, Hằng và những bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn tranh thủ từng giờ sau trang giấy để viết tiếp ước mơ của mình.

(Bài 3: Sát cánh" cùng học trò nghèo để…dệt những ước mơ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.