UNICEF: Cần hành động mạnh mẽ để mở cửa trường học

GD&TĐ - Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy, việc đóng cửa trường học do dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất “gần như không thể vượt qua” đối với giáo dục của trẻ em trên khắp thế giới.

Mở cửa trường học là nhiệm vụ quan trọng của nhiều quốc gia.
Mở cửa trường học là nhiệm vụ quan trọng của nhiều quốc gia.

Đến đầu năm 2022, hơn 616 triệu học sinh trên thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng từ việc đóng cửa một phần hoặc toàn bộ trường học. Tại nhiều quốc gia, ngoài việc tước đi cơ hội trau dồi những kỹ năng cơ bản, những gián đoạn trên còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của học sinh, khiến các em có nguy cơ bị lạm dụng nhiều hơn và không thể tiếp cận thường xuyên với nguồn dinh dưỡng.

Ông Robert Jenkins, Giám đốc Giáo dục UNICEF, cho biết: Chúng tôi đang xem xét mức độ mất mát gần như không thể vượt qua đối với giáo dục của trẻ em trên toàn thế giới. Chỉ mở cửa trường học là không đủ. UNICEF kêu gọi các nguồn hỗ trợ tích cực để khôi phục nền giáo dục đã mất.

Theo báo cáo của UNICEF, việc đóng cửa trường học khiến khoảng 70% trẻ em 10 tuổi ở các nước thu nhập trung bình, thấp không thể đọc hoặc hiểu một văn bản đơn giản. Con số này tăng từ 53% vào trước đại dịch.

Đơn cử, tại Ethiopia, trẻ em chỉ học được từ 30 đến 40% kiến thức môn Toán bậc tiểu học khi trường đóng cửa, chuyển sang dạy trực tuyến.

Tình trạng này cũng đặc biệt nghiêm trọng tại các quốc gia giàu có. Tại Mỹ, tình trạng mất học tập được quan sát thấy ở một số tiểu bang gồm Texas, California và Maryland.

Học sinh bỏ học cũng là một vấn đề nan giải. Tại Nam Phi, từ 400.000 đến 500.000 học sinh được cho là đã bỏ học hoàn toàn trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2021.

Ngoài việc gia tăng mức độ lo lắng, trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên, việc đóng cửa trường học đồng nghĩa hơn 340 triệu trẻ em trên thế giới không có bữa ăn học đường, mất đi nguồn tiếp cận duy nhất với thực phẩm và chất dinh dưỡng hàng ngày.

Để ngăn chặn những thảm họa trên và đưa trẻ trở lại con đường học tập, UNICEF đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho các quốc gia trên thế giới.

Đầu tiên, giữ cho các trường học mở cửa. Thế giới cần có những hành động mạnh mẽ giúp mọi trẻ em được trở lại trường học. Các trường cần cung cấp hỗ trợ toàn diện, đặc biệt tập trung vào trẻ em yếu thế như tổ chức lớp học bắt kịp, hỗ trợ sức khỏe tâm thần và dinh dưỡng hay các dịch vụ khác…

Thứ hai, tiêm phòng cho giáo viên, nhân viên nhà trường. Giáo viên và nhân viên các nhà trường cần được hỗ trợ đầy đủ và được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19, sau nhân viên y tế tuyến đầu và các nhóm dân số có nguy cơ cao.

Cũng theo UNICEF, không nên coi tiêm chủng là điều kiện tiên quyết để tổ chức dạy học trực tiếp. Việc mở cửa trường học phụ thuộc vào mức độ phủ vắc-xin khiến trẻ em không được tiếp cận giáo dục và gia tăng bất bình đẳng.

Nhất quán với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF khuyến nghị các nước giữ cho trường học mở cửa. Đồng thời, đảm bảo các chiến lược kiểm soát Covid-19 tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tiếp cận giáo dục và các khía cạnh khác của đời sống xã hội, dù trẻ em và thanh thiếu niên chưa tiêm chủng.

“Trong điều kiện khủng hoảng, chúng tôi nhận ra những thách thức chưa từng có mà đại dịch Covid-19 gây nên cho hệ thống trường học trên toàn thế giới. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để trẻ em được đến trường”, báo cáo của UNICEF khẳng định.

Theo UNICEF

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.