Ứng xử với những lễ hội có yếu tố “ngoại lai”: Không đua hình thức quá đà!

GD&TĐ -Theo PGS.TS Trần Thành Nam, theo dõi các lễ hội vừa qua thì đã đến lúc cơ quan chức năng phải có quy định nhất định trong việc tham gia các lễ hội.

Những phụ kiện hóa trang này chỉ đem lại nỗi kinh sợ.
Những phụ kiện hóa trang này chỉ đem lại nỗi kinh sợ.

Hóa trang giả chết, đắp chiếu và thắp nhang giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ và nhiều “biến hóa” không giống ai khác nữa đã diễn ra trong nhiều kỳ Halloween vừa qua.

Theo chuyên gia văn hóa, đối với những việc gây bức xúc, phản cảm ấy thì cơ quan chức năng phải có quy định nhất định trong việc tham gia các lễ hội có yếu tố ngoại lai, không phù hợp với văn hóa Việt.

Cần có quy định khi tham gia lễ hội

Halloween là một lễ hội truyền thống lớn được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm, trước ngày Lễ các Thánh của đạo Ki-tô giáo. Ngày Halloween năm 2022 là ngày thứ Hai, 31/10/2022.

Ngày Halloween được tổ chức để đánh dấu sự kết thúc của vụ mùa thu hoạch và bắt đầu mùa đông lạnh giá, nhằm tưởng nhớ những người quá cố, gồm các vị thánh, các vị tử vì đạo và tất cả những người thân đã qua đời.

Ngày nay, các ngày lễ trong Lễ hội Halloween không còn mang ý nghĩa tôn giáo, mà mọi người đều coi đó là một lễ hội vui chơi. Các biểu tượng đặc trưng cho lễ hội này là bí ngô, hình ảnh phù thủy ma mị, những con ma quỷ đáng sợ hay những con vật báo hiệu cho cái chết như cú mèo, dơi...

Trong ngày Halloween, mọi người thường hóa trang thành những nhân vật ma quái, xuất hiện cùng nhau dưới ánh trăng, tham dự các bữa tiệc được trang trí rùng rợn.

Nói về Lễ hội Halloween, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, Lễ hội Halloween với ý nghĩa nhằm tưởng nhớ những người đã chết bao gồm cả các vị thánh trong Ki-tô giáo phương Tây.

Ngày lễ Halloween được tổ chức cho phép mọi người đối mặt với nỗi sợ hãi bằng sự hài hước và vui nhộn. Chính vì vậy, mọi người vui đùa bằng cách cho quà hoặc dọa ma nhưng đều hướng tới vui vẻ.

Như nhiều lễ hội khác, Lễ hội Halloween cũng được du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, giới trẻ nhiều người không hiểu ý nghĩa lễ hội, thậm chí lợi dụng lễ hội để “chơi” một cách quá đà.

Mới đây, tối 30/10, nhóm bạn trẻ hóa trang Halloween bằng việc nằm giả chết rồi đắp chiếu, cắm nhang ở giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM) gây xôn xao dư luận.

Đánh giá về hình ảnh này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, đó là cách làm trò phản cảm, chủ yếu là để gây sốc. Theo PGS.TS Trần Thành Nam thì người tham gia Lễ hội Halloween là để vui chơi, để bản thân đương đầu với những điều chưa thiện trong mỗi con người.

Qua đó, rút ra những bài học cuộc sống để bản thân mình ứng xử nhân ái, tử tế hơn với mọi người, với cuộc đời. Chứ không phải là những trò dọa ma bằng những hình ảnh máu me, kinh dị mà hành vi “đắp chiếu” giả chết giữa chốn đông người là ví dụ điển hình.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, theo dõi các lễ hội vừa qua thì đã đến lúc cơ quan chức năng phải có quy định nhất định trong việc tham gia các lễ hội. Những hành vi phản cảm như “đắp chiếu giả chết” có thể xếp vào hành vi gây rối trật tự công cộng.

Ngoài ra hành vi như vậy liệu rằng phù hợp với văn hóa không, có gây tác hại tới cộng đồng không, cần phải có quy định cụ thể hơn nữa để đảm bảo hành vi ứng xử văn minh với không gian lễ hội.

“Chơi” phải hiểu chứ không bắt chước

Nhiều người tham gia Lễ hội Halloween nhưng chưa hiểu ý nghĩa của lễ hội.

Nhiều người tham gia Lễ hội Halloween nhưng chưa hiểu ý nghĩa của lễ hội.

Ứng xử với lễ hội ngoại lai như thế nào cho phù hợp, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, bản thân tất cả lễ hội của nước ngoài khi áp dụng vào nền văn hóa của Việt Nam thì chúng ta nên hiểu được ý nghĩa của nó chứ không chỉ là áp dụng một cách hình thức.

Các dân tộc đều có những lễ hội để tưởng nhớ những người đã mất. Ở Việt Nam cũng có Lễ Rằm tháng 7 âm lịch. Đây là cơ hội để chúng ta giáo dục cho giới trẻ hiểu về những điều mà có thể khó nói trong cuộc sống hằng ngày.

“Khi nói những câu chuyện này thì không phải để cho trẻ con sợ hãi mà giúp các con rút ra được những bài học cuộc sống, tạo cơ hội cho đứa trẻ trải nghiệm những nét văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Nhưng thực tế nhiều người đã quên đi triết lý, bài học đằng sau đó, mà chỉ làm một cách hình thức, thậm chí biến nó trở nên giật gân.

Chúng ta phải quan tâm đến lứa tuổi của người trẻ. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sau Halloween thì tỉ lệ gặp ác mộng tăng lên rất nhiều, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ”.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, thầy cô, cha mẹ cần phải xác định ở lứa tuổi nào thì trẻ con sẽ không phân biệt được thực và ảo, ví dụ như là ở bậc mầm non và tiểu học. Trẻ nhìn thấy một người mà đeo mặt nạ quỷ thì cũng sẽ tưởng tượng là con quỷ thật và về nhà gặp ác mộng.

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, tham gia lễ hội là cơ hội để khuyến khích giới trẻ khám phá nhưng đừng làm theo kiểu bắt chước, hình thức, giật gân mà phải hiểu được bài học ý nghĩa đằng sau mỗi câu chuyện, phong tục tập quán của lễ hội đó như thế nào.

Cần chấn chỉnh để lễ hội có lợi cho văn hóa, kinh tế - xã hội

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng hiện tại, rất nhiều người đã không đồng tình, thậm chí phản đối việc tổ chức lễ hội có nguồn gốc nước ngoài này tại Việt Nam và cũng có nhiều người có quan điểm ngược lại.

Ông Sơn nêu quan điểm, chúng ta cần phân tích ở một bối cảnh rộng rãi hơn để hiểu về việc thực hành Lễ hội Halloween nói riêng và các lễ hội nước ngoài ở Việt Nam nói chung, từ đó mới có những hiểu biết toàn diện và cách xử lý thấu đáo những hiện tượng này.

“Chúng ta đang ở trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, vì thế, việc xuất hiện các hiện tượng theo trào lưu quốc tế ở nước ta là điều đương nhiên, chắc chắn sẽ xảy ra, ngày càng nhiều hơn. Trong những năm vừa qua, các sự kiện như thế đã xuất hiện rất nhiều đến mức chúng ta không theo kịp sự thay đổi nhanh chóng đó.

Không chỉ có Halloween, chúng ta còn có ngày Black Friday, ngày tặng quà, ngày cho bố, cho mẹ, Valentine trắng... Đây là tín hiệu cho thấy chúng ta đã nhanh chóng hội nhập quốc tế”, ông Sơn nhìn nhận.

Tuy nhiên, cũng giống như PGS.TS Trần Thành Nam, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta chủ yếu mới đang thực hành ở hình thức của lễ hội, mà chưa đi sâu tìm hiểu những ý nghĩa, giá trị sâu xa của lễ hội ấy.

“Khi người thực hành lễ hội chưa hiểu về bản chất, ý nghĩa của sự kiện, họ thường bị chi phối bởi những thông tin phổ biến, đến từ nước ngoài, đặc biệt là định hướng bởi mục đích những người kinh doanh các sản phẩm phục vụ lễ hội, như Halloween chẳng hạn. Đó cũng là lúc những hệ lụy tiêu cực của lễ hội ảnh hưởng đến mỗi cá nhân và toàn xã hội, tạo nên dư luận phản đối lễ hội”, ông Sơn đánh giá.

Ông Sơn cho rằng, việc tổ chức lễ hội như Halloween là điều tất yếu xảy ra ở nước ta cũng như nhiều nước khác. Khi quá trình hội nhập quốc tế đã khiến cho các sự kiện này trở thành những sự kiện toàn cầu.

“Vì thế, tôi nghĩ rằng, chúng ta vẫn nên tổ chức Lễ hội Halloween nhưng cần có những chấn chỉnh, thay đổi để hiện tượng văn hóa thú vị này có ích cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bất kỳ một sự kiện văn hóa nào cũng có nhiều chức năng, nếu biết cách phát huy tác dụng, sẽ có lợi cho sự phát triển đất nước. Chắc chắn, việc tổ chức lễ hội này cần dựa trên hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, chức năng của lễ hội này đối với không chỉ văn hóa, con người, mà còn với cả sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.