Ở Việt Nam ta, trong những năm gần đây, Halloween cũng là một lễ hội được mong chờ của lứa tuổi thanh, thiếu niên, được một số trường tư thục và trường quốc tế tổ chức rất chu đáo. Vậy lễ hội Halloween là gì, có ý nghĩa như thế nào? Đó là điều chắc hẳn không phải ai cũng hiểu.
Lễ hội Halloween là gì, diễn ra vào thời gian nào?
Từ “Halloween” có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo, đó là lối viết tắt cho "All Hallows’ Evening” (buổi tối của Lễ Chư Thánh), là một lễ hội diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời.
Tuy nhiên, cũng có tài liệu cho rằng, lễ hội Halloween ngày nay chịu ảnh hưởng nhiều từ lễ Samhain của dân tộc Celt, một dân tộc sống cách đây hơn 2000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ai-len (Ireland) và miền Bắc nước Pháp…. Họ kỷ niệm ngày này vaofngayf 31/10 tức là ngày cuối cùng của mùa hè như là một nghi lễ mừng năm mới.
Họ tin rằng khi mùa hè kết thúc và mùa đông lạnh lẽo, tràn đầy bóng tối bắt đầu thì vào đêm trước của năm mới (tức ngày 31/10) ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mờ nhạt, điều này khiến cho những linh hồn đã khuất có thể tìm đường về cõi sống.Các linh hồn sẽ trở về thế gian tìm kiếm thân xác để hồi sinh. Do đó vào ngày này, người dân thường dập tắt các đám lửa trong nhà của họ, biến bản thân trở nên lạnh lẽo và hy vọng các linh hồn sẽ bỏ qua.Đồng thời, họ cũng có tục lệ mặc các trang phục mô phỏng ma quỷ, diễu hành ồn ào quanh các khu phố để trấn an nỗi lo sợ các linh hồn.
Theo thời gian, lễ Halloween đã du nhập sang rất nhiều nước khác nhau, nhưng mỗi nước đều biến tấu nó đi để có ngày lễ Halloween của riêng mình. Và cho đến ngày nay, lễ hội này đã trở nên phổ biến với nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ đó, hằng năm cứ vào ngày cuối tháng Mười, là ngày 31/10, trẻ em và người lớn trên khắp thế giới lại háo hức đón lễ hội halloween. Vào ngày này, trẻ con có thể hóa trang đến gõ cửa nhà hàng xóm để xin bánh kẹo; dự tiệc hóa trang, đốt lửa, tổ chức các trò đùa cợt, xem phim hoặc kể chuyện kinh dị.
Trước đây, lễ hội Halloween mang ý nghĩa tôn giáo tuy nhiên hiện nay, khắp trên thế giới đều coi lễ hội Halloween là một lễ hội vui chơi với những quả táo của lễ hội Pomona, con mèo đen của lễ hội Sanhaim và những con ma, bộ xương của ngày lễ các thánh và các linh hồn...
Truyền thuyết về lễ hội Halloween
Lễ Hội Halloween gắn liền với truyền thuyết của người Ai-len về anh chàng Jack, một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Đàng vì lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì.
Thế nhưng anh ta cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không thể bắt anh.
Theo truyền thuyết, trước đó có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, người dân đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến “yểm” và “khóa các cửa” ra vào.
Jack nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và đã tìm cách gỡ vật “yểm ma quỷ” mở đường cho quỷ chạy thoát. Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa Ngục.
Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, linh hồn Jack bị Thiên Đường từ chối. Jack liền tìm đến Địa Ngục, nhưng quỷ không cho vào vì lời hứa trước đây.Linh hồn của Jack thành lang thang. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm trên đường trở lại trần gian.
Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô.. và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.
Bài học giáo dục từ lễ hội Halloween.
Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra một bài học làm người, đó là:
Trong cuộc sống không nên tham lam, keo kiệt; phải có lòng từ bi, bác ái, biết giúp đỡ người khác trong khó khăn hoạn nạn.
Cần phân biệt kẻ xấu, người tốt, không giao du với những kẻ lọc lừa, luôn tìm cách làm hại người khác ( ở đây có thể hiểu theo nghĩa bóng đó là những kẻ ma quỷ ) để không bị “ ma dẫn lối, quỷ đưa đường”, sa vào con đường tối tăm, tội lỗi.
Tuy nhiên, chuyện anh chàng Jack trong đêm Halloween cũng ghi nhận một thái độ sòng phẳng của quỷ, đó là "ân đền, oán trả" và "giữ lời hứa". Dù rằng sự "giữ lời hứa" này đã làm cho Jack rơi vào thân phận cô hồn lang thang vất vưởng.
Sâu sắc hơn, chúng ta sẽ tìm thấy tính cách nhân bản trong câu chuyện. Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người... mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân... Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối!
Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween.Với ý nghĩa nhân bản này, ngày lễ Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch của nước ta có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la.
Những thứ không thể thiếu trong lễ hội Halloween
Bí ngô: Đứng đầu trong danh sách chắc chắn không ai khác sẽ là ma bí ngô Jack-o’-Lantern, biểu tượng truyền thống của Halloween. Đây là nhân vật nổi tiếng xuất hiện trong các truyền thuyết cổ xưa của người Celts - tộc người sáng tạo ra ngày lễ này.
Phù Thủy: Những kẻ dị giáo, có năng lực tà ác, hay xuất hiện cùng chiếc chổi bay ma quái và giọng cười sởn tóc gáy. Vì vậy lễ hội Halloween không thể thiếu phù thủy.
Zombie (xác chết di động ăn thịt người ) :Theo quan niệm phương Tây, vào đêm Halloween, tất cả các loại ma quỷ đều vào thị trấn lởn vởn, quấy nhiễu cuộc sống của người dân, Zombie - cũng không phải ngoại lệ.
Ma cà rồng: Người ta thường nói vào đêm Halloween, các linh hồn ma quỷ thường hóa thân thành động vật để không bị người dân phát hiện, tha hồ quậy phá. Và một trong những “ông trùm” cải trang ma mãnh đó chính là ma cà rồng.