Ung thư phổi gia tăng ở Việt Nam, nam giới cao gấp 3 lần nữ giới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 26.000 ca mắc ung thư phổi mới, 23.000 ca tử vong, số nam giới mắc cao gấp 3 lần nữ giới.

Hút thuốc lá, kể cả thụ động, là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi. (Ảnh minh họa)
Hút thuốc lá, kể cả thụ động, là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi. (Ảnh minh họa)

"Gánh nặng” lớn

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện nay, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 19,3 triệu ca mới mắc và 9,9 triệu người tử vong vì ung thư.

“Thường xuyên có hơn 50,5 triệu người trên thế giới đang sống chung với ung thư”, ông Thuấn cho biết.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm, có khoảng 183.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 trường hợp tử vong do bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư gan, phổi, vú.

Riêng ung thư phổi, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 26.000 ca mắc mới và 23.000 ca tử vong.

Tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới gấp 3 lần ở nữ giới. Cứ 100.000 người dân Việt Nam thì có 36 nam giới và 12 nữ giới được chẩn đoán mắc ung thư phổi.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, nếu so sánh, số ca mắc mới và tử vong do ung thư phổi xấp xỉ nhau, do tỷ lệ người bệnh phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn, lên đến 75%.

“Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thấp và thời gian sống thêm của người bệnh rút ngắn. Trong khi đó, những người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, có tỷ lệ sống thêm 5 năm lên đến 65 - 90%”, ông Thuấn cho biết.

Vì vậy, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, thuốc lá là nguyên nhân chính, chiếm trên 90% gây ra bệnh ung thư phổi và trên 30% gây ra các loại ung thư khác.

Mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới ung thư, trên 122.000 trường hợp tử vong. Hiện, có khoảng 354.000 người sống chung với bệnh ung thư.

Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác, nếu phát hiện, điều trị sớm thì hiệu quả càng cao.

Để phòng chống ung thư phổi cũng như nhiều bệnh ung thư khác và các bệnh không lây nhiễm, Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, vì hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15 - 30 lần so với các loại ung thư khác.

Phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên rèn luyện sức khỏe và mỗi người phải có thói quen khám sức khỏe định kỳ.

“Với những người có tiền sử hút thuốc lá, chúng tôi khuyến cáo sau 40 và 50 tuổi nên đi tầm soát ung thư phổi nói riêng, các bệnh ung thư khác nói chung”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khuyến cáo.

Dấu hiệu dễ bị bỏ qua

Theo BSCKII Nguyễn Đức Hạnh, Phó khoa Ung bướu Bệnh viện Phổi Trung ương, chỉ dưới 10% bệnh ung thư phát sinh là do các rối loạn từ bên trong cơ thể của con người mà thường không thể thay đổi được.

Ngược lại, có đến hơn 80% bệnh ung thư phát sinh do liên quan đến yếu tố bên ngoài mà con người có thể thay đổi được.

Trong đó, hút thuốc lá, kể cả thụ động là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi.

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người không hút thuốc 6 - 30 lần.

Đến nay, người ta đã phát hiện được trong khói thuốc lá có hơn 4.000 chất độc (hơn 40 chất gây ung thư).

Những yếu tố khác bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường và các bệnh lý mãn tính của phổi, gồm: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tổn thương lao phổi cũ, u lao phổi cũ, các nốt vôi hóa, tổn thương sẹo cũ ở phổi, các viêm phổi mạn có dị sản…

Theo bác sĩ Đỗ Tất Cường, Khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, trong giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua hoặc có thể nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm phế quản phổi, lao phổi.

Nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh ở giai đoạn muộn hoặc sau khi điều trị nhiều đợt không đỡ.

Các triệu chứng xuất hiện tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn đến các cơ quan lân cận cũng như di căn xa. Các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng, nhưng ho là triệu chứng thường gặp.

Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu.

Song, ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên.

Tuy nhiên, nếu ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị, người bệnh nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.

Khó thở cũng là một triệu chứng hay gặp ở ung thư phổi. Cảm giác khó thở thường xuất hiện khi giai đoạn bệnh không còn sớm và hay gặp với khối u ở trung tâm gây hẹp lòng khí quản lớn, hoặc do khối hạch trung thất chèn ép vào đường thở.

Đôi khi, người bệnh còn có thể xuất hiện tiếng thở khò khè nặng nhọc.

Người bệnh thường đau ngực khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực. Điểm đau thường tương ứng với vị trí khối u. Người bệnh có thể bị đau tức ở vùng ngực, lưng hoặc vai.

Các cơn đau có tính chất dai dẳng, âm ỉ, tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu. Trong khi đó, biểu hiện khàn tiếng thường do khối u phổi trái hoặc hạch trung thất chèn ép vào dây thần kinh. Khi nội soi sẽ thấy tình trạng liệt dây thanh âm trái.

Các triệu chứng như đau vùng vai, cánh tay, ngón tay kèm tê bì dị cảm sẽ xuất hiện khi khối u đỉnh phổi chèn ép đám rối thần kinh cánh tay. Các khối u vùng này còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như sụp mi mắt, nóng bừng và đỏ nửa mặt cùng bên.

Khi người bệnh tự sờ thấy khối hạch vùng cổ, đặc biệt là các hạch rắn chắc, to nhanh không đi kèm với dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, miệng thì nên đến viện để nhận được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư.

"Trong các trường hợp, sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến sự cắt giảm calo khẩu phần ăn, thì rất có thể do nguyên nhân bệnh ung thư gây ra”, bác sĩ Cường cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ