Vì sao nhiều người không hút thuốc vẫn mắc ung thư phổi?

GD&TĐ - Các nhà khoa học cho biết, đã xác định được cơ chế ô nhiễm không khí gây ra ung thư phổi ở những người không hút thuốc.

Tiếp xúc với các chất gây ung thư, gây ra đột biến DNA và có thể trở thành ung thư.
Tiếp xúc với các chất gây ung thư, gây ra đột biến DNA và có thể trở thành ung thư.

Khám phá này được coi là một bước tiến quan trọng cho khoa học và xã hội.

Ông Charles Swanton thuộc Viện Francis Crick (Anh) đã trình bày nghiên cứu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư Y tế châu Âu ở Paris.

Ô nhiễm không khí từ lâu đã được cho là có liên quan đến nguy cơ ung thư phổi cao hơn ở những người không hút thuốc. “Tuy nhiên, chúng tôi không thực sự biết liệu ô nhiễm có trực tiếp gây ra ung thư phổi hay không”, ông Swanton cho biết.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, tiếp xúc với các chất gây ung thư, như trong khói thuốc lá hoặc ô nhiễm, gây ra đột biến DNA và sau đó trở thành ung thư. Theo ông Swanton, nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, đột biến DNA có thể hiện diện mà không gây ung thư. Trong khi đó, hầu hết các chất gây ung thư trong môi trường không gây đột biến.

Nhóm nghiên cứu từ Viện Francis Crick và Trường Đại học College London đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 460.000 người ở Anh, Hàn Quốc và Đài Loan. Họ phát hiện, việc tiếp xúc với các hạt ô nhiễm PM2.5 cực nhỏ dẫn đến tăng nguy cơ đột biến trong gen EGFR.

Trong các nghiên cứu thực hiện trên chuột, nhóm đã chỉ ra rằng, các hạt ô nhiễm này gây ra thay đổi trong gen EGFR và KRAS. Cả hai gen này đều liên quan đến ung thư phổi. Nhóm nghiên cứu cũng phân tích gần 250 mẫu mô phổi của những người không bao giờ tiếp xúc với chất gây ung thư do hút thuốc hoặc ô nhiễm nặng.

Mặc dù phổi khỏe mạnh nhưng những người này có đột biến DNA trong 18% gen EGFR và 33% gen KRAS. Ông Swanton giải thích, khi một tế bào tiếp xúc với ô nhiễm, nó có thể kích hoạt “phản ứng chữa lành vết thương” gây ra viêm nhiễm.

Nếu tế bào đó chứa một đột biến, nó sẽ hình thành ung thư.

Trong một thí nghiệm khác trên chuột, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một kháng thể có thể ngăn chặn chất trung gian - được gọi là interleukin 1 beta - gây ra tình trạng viêm. Từ đó, ngăn ung thư khởi phát ngay từ đầu.

Ông Swanton bày tỏ hy vọng rằng, phát hiện này sẽ cung cấp cơ sở hiệu quả cho một tương lai về những biện pháp có thể phòng chống ung thư nhờ một viên thuốc. Trong khi đó, Suzette Delaloge - người đứng đầu chương trình phòng chống ung thư tại Viện Gustave Roussy (Pháp), cho biết, nghiên cứu này mang tính đột phá. Bởi, thực tế, chưa có chứng minh nào về cách hình thành ung thư như vậy.

Theo MedicalXpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ