Ứng phó với ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa bão

GD&TĐ - Trong mùa mưa bão, người dân phải đối diện với nhiều bệnh tật do ảnh hưởng của môi trường sống bị ô nhiễm.

Người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, chế biến thực phẩm phải khử trùng. (Ảnh minh họa)
Người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, chế biến thực phẩm phải khử trùng. (Ảnh minh họa)

Trong đó, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 10, trên Biển Đông có thể xuất hiện khoảng 6 - 8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Trong đó, khoảng 2 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Cơ quan khí tượng cũng khuyến cáo các địa phương và người dân cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.

Hiện tượng mưa lớn, giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc.

Trước tác động của mùa mưa bão đối với sức khỏe con người, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật. Khi bão lũ xảy ra, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế.

Lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thường gặp sau bão lụt, thiên tai như: Vibrio cholerae gây bệnh tả; Salmonella gây thương hàn; Shigella gây lỵ trực trùng; Bacillus anthracis gây bệnh than hay bệnh tiêu chảy do virus (rotavirus, enterovirus...), viêm gan A, E...

Nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn.

Đối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lụt cao, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lụt trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, các hóa chất sát khuẩn của ngành Y tế.

Ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

Thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lụt xảy ra.

Người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ…

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các cơ sở thực phẩm tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.

Các địa phương cần phối hợp với cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt. Từ đó, nhằm bảo đảm không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.

Các đơn vị chủ động dự trữ thuốc men, hóa chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.

Thức ăn ướt Pate mèo