Phòng chống sét mùa mưa bão

GD&TĐ - Mùa mưa bão, giông sét là một dạng thiên tai nguy hiểm. Việc phòng tránh sét đánh không khó nếu tuân thủ các nguyên tắc an toàn.

Phòng chống sét mùa mưa bão

Điện thoại di động, máy bay “vô can”

Ngày 22/9, trong quá trình làm nhiệm vụ kiểm tra kỹ thuật máy bay trước khi cất cánh từ sân bay Nội Bài, nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) đã bị ảnh hưởng bởi vụ sét đánh vào cánh máy bay, dẫn tới tử vong.

Trường hợp này khiến không ít người đặt câu hỏi liệu có khả năng máy bay sẽ bị sét đánh khi đang bay trên bầu trời?

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, sét có thể gây thương tích bằng nhiều cách thức. Sét đánh thẳng vào vị trí nạn nhân từ trên đám mây xuống. Khi nạn nhân đứng cạnh vật bị sét đánh, sét có thể phóng qua khoảng cách không khí giữa người và vật - trường hợp này gọi là sét đánh tạt ngang.

Sét đánh khi nạn nhân tiếp xúc với vật bị sét đánh hoặc khi người tiếp xúc với mặt đất ở một vài điểm khi có sét lan truyền trên mặt đất. Sét lan truyền qua đường dây cáp tới các vật như điện thoại, tivi, ổ cắm…

Bản thân máy bay là một chiếc lồng Faraday cực lớn nên hiếm có khả năng trúng sét. Khi sét đánh vào thân máy bay, dòng điện sẽ ngay lập tức truyền ra ngoài. Nên có thể nói chiếc máy bay là thiết bị chống sét.

Điều này là yêu cầu bắt buộc khi máy bay được xuất xưởng để bảo đảm an toàn hàng không. Do vậy, người dân không nên lo lắng về việc sét đánh vào máy bay có thể dẫn đến tai nạn hàng không bởi điều này đã được các nhà sản xuất, thiết kế, chế tạo tính toán kỹ càng.

Nhiều người cho rằng, sử dụng điện thoại di động khi trời có giông sét sẽ khiến điện thoại hút sét, có thể bị sét đánh. TS Nguyễn Xuân Anh cho biết đây là quan điểm sai lầm. Sóng điện từ phát ra từ điện thoại di động rất yếu.

Nó không đủ để trở thành cột hút sét giống như một số diễn đàn mạng bàn luận lo lắng. Cường độ phải lớn như các trạm phát sóng phát thanh truyền hình, các đường truyền radio, tivi… thì mới trở thành đường truyền sét gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Cũng theo TS Nguyễn Xuân Anh thì đáng lưu ý nhất vẫn là điện thoại cố định. Đây chính là thiết bị tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất mà rất nhiều người không để ý. Theo nguyên lý, khi một người nào đó bị sét đánh, điện sẽ truyền vào người.

Dòng điện càng mạnh thì sẽ càng nguy hiểm. Nếu nạn nhân đang tiếp xúc với các chất dẫn điện như chất lỏng hay kim loại khi bị sét đánh thì dòng điện được dẫn vào người càng nhanh. Vì sét luôn chọn con đường dễ đi nhất tới mặt đất, nên ai đó đang đứng và sử dụng điện thoại dường như đã tạo ra một đường dẫn ít điện trở nhất. 

Việc sử dụng điện thoại bàn (có dây từ xa nối đến) cũng nguy hiểm bởi dòng sét có thể xâm nhập qua đường dây. Người ngồi xem tivi hoặc đang dùng điện thoại trong nhà, nếu nhà không lắp cột thu sét vẫn có thể bị sét đánh từ đám mây giông xuống tivi, điện thoại.

Vì thế, khi có giông sét, nên tắt các thiết bị phát thanh, truyền hình, điện thoại để bảo đảm an toàn.

Việt Nam hứng khoảng 2 triệu cú sét đánh/năm

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, khi trời sắp xảy ra giông thì biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là tòa nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét.

Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông gần xảy ra.

Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Vô tuyến nối với dây anten để ngoài trời cũng rất cần rút ra khi có giông.

Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt...Tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ.

Phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Nhón chân, không được nằm xuống đất. Đứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.

Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu thì sét đánh thẳng là nguy hiểm nhất, cứ 10 người bị sét đánh thẳng thì 8 người chết. Khi sét đánh xuống cây, thì 1 tia sét có thể giết chết ngay vài người xung quanh.

Độ nguy hiểm phụ thuộc vào bản chất của vật bị sét đánh và vị trí tương đối với nạn nhân. Trong một số trường hợp năng lượng tia sét không tiêu tán ngay tại chỗ mà truyền theo mặt đất và khi nạn nhân đứng trên đường truyền đó có thể bị liệt. 

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á, là một trong ba tâm giông trên thế giới có hoạt động giông sét mạnh. Số ngày giông trung bình ở Việt Nam khoảng 100 ngày/năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ/năm.

Trong một năm, Việt Nam có thể có tới 2 triệu cú sét đánh xuống đất. Một số địa phương giông sét xuất hiện nhiều như xã Cổ Dũng (Hải Dương), huyện Đông Anh (Hà Nội), Thăng Bình (Quảng Nam), Đồng bằng sông Cửu Long...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.