Ứng phó với dân số già

GD&TĐ - Nếu như Pháp mất 100 năm, Thụy Điển là 85 năm và Hoa Kỳ là 75 năm để chuyển đổi cơ cấu dân số từ giai đoạn vàng sang già thì Việt Nam chỉ mất chừng 30 năm. Già hóa dân số tăng với tốc độ phi mã có tác động lớn tới kinh tế, xã hội bởi dân số già có đặc trưng riêng về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe…

Ứng phó với dân số già

Dân số chuyển từ vàng sang già

Thống kê gần đây của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam đang ở giai đoạn già hóa dân số. Đây là thời điểm mà số người dưới 14 tuổi và nhóm “dân số vàng” 15 - 64 tuổi đang giảm dần trong lúc số dân trên 65 tuổi tiếp tục tăng.

Già hóa dân số là kết quả của việc quá độ nhân khẩu học, trong đó mức chết và sinh đều giảm còn tuổi thọ trung bình thì tăng lên. Quá trình già hóa dân số ở nước ta bắt đầu từ năm 2011 với 10% dân số trên 60 tuổi. 

Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên Hiêp Quốc, đến năm 2017, Việt Nam mới chính thức bước vào giai đoạn dân số già nhưng chỉ đến năm 2013, người già đã chiếm 10,5% dân số. Già hóa dân số thể hiện rõ qua các kỳ tổng điều tra dân số. 4 kỳ tổng điều tra dân số (1979, 1989, 1999, 2009), số lượng và tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta chỉ tăng trung bình 0,06% mỗi năm. 

Nhưng chỉ trong vòng 1 năm, từ 1/4/2009 – 1/4/2010, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã tăng từ 8,67% lên 9,4%, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 6,4% lên 6,8%. Con số này cho thấy, chỉ trong một năm, tỷ lệ người cao tuổi đã tăng hơn gấp 10 lần so với cả giai đoạn trước đây.

Mỗi độ tuổi cần một chính sách phù hợp. Với đất nước mà người già chiếm ưu thế sẽ làm tăng gánh nặng về an sinh xã hội, đặc biệt là chăm sóc y tế. Theo bà Ritsu Nacken, ước tính mỗi người già ở Việt Nam chịu 9 năm bệnh tật trong đời, đó là một thách thức lớn đối với ngành y tế và toàn xã hội. 

Theo điều tra của Bộ Y tế, chỉ có 5% người cao tuổi của nước ta có sức khỏe tốt, còn lại 95% không khỏe mạnh và mang trong mình nhiều thứ bệnh như tăng huyết áp, viêm khớp, bệnh phổi - phế quản tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, sa sút trí tuệ… Chi phí y tế của người cao tuổi cao gấp 7 lần so với người trẻ; tính riêng chi phí y tế của nhóm người trên 75 tuổi đã chiếm 30% tổng ngân sách quốc gia.

Chăm lo cho người già

Mô hình gia đình truyền thống ở Việt Nam đang thay đổi, ngày càng nhiều người già sống một mình. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống bảo trợ xã hội và chế độ an sinh hưu trí cũng là một vấn đề lớn. 

Nghiên cứu của GS. TS Giang Thanh Long (Viện Chính sách công và Quản lý, Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho thấy, những năm trước đây, 80% người cao tuổi sống cùng con cái thì nay chỉ còn 60%. Nguyên nhân do sự thay đổi đời sống kinh tế - xã hội nên giới trẻ đi làm ăn xa. Nhiều gia đình trước kia con cái là chỗ dựa cho cha mẹ nay người già tự chăm sóc nhau hoặc thay con cái chăm sóc các cháu…

Người già sống cô đơn đã khổ, nhưng với người không có tích lũy còn khổ hơn nhiều. Với khoảng 70% người cao tuổi sống ở nông thôn, chỉ có 25% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, có khoảng 30% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào và 54,6% cần được điều trị y tế nhưng 50% người cao tuổi không đủ tiền chi trả dẫn đến không điều trị. Điều này phản ánh thực tế, tốc độ thay đổi thu nhập chậm hơn tốc độ già hóa dân số.

Để ứng phó với những thay đổi khi cơ cấu dân số chuyển sang giai đoạn già hóa, chúng ta đã có nhiều chính sách với người cao tuổi. Tuy nhiên, nhiều chính sách hiện hành vẫn chưa thực sự hiệu quả. Điển hình như chỉ các cụ già hơn 80 tuổi mới được trợ cấp. Hệ thống hưu trí tập trung chủ yếu vào khu vực Nhà nước trong khi khu vực phi chính thức chiếm tới 63% lực lượng lao động. Nhìn vào thực trạng đời sống, sức khỏe cũng như nhu cầu người cao tuổi cho thấy, cần phải bắt đầu một kế hoạch hành động tổng thể cho đối tượng này. 

Đó là quy định tuổi hưu linh hoạt hơn, có chính sách khuyến khích sự tham gia của tư nhân trong việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và thúc đẩy cơ hội việc làm phù hợp cho người cao tuổi đồng thời phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Theo bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiêp Quốc tại Việt Nam, già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra với tốc độ rất nhanh so với các nước khác, dự báo chỉ trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già. Trong khi đó, già hóa dân số ở các nước khác thường diễn ra trong 40 - 50 năm, thậm chí gần 100 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ