Ứng phó với bệnh động mạch vành

GD&TĐ - Chóng mặt, mệt và tức ngực là những cảm giác thường thấy ở những người vừa làm việc gắng sức, chạy bộ, lên cầu thang và sau đó nặng hơn là những cơn đau thắt ngực. Theo khuyến cáo của bác sĩ, nhiều khả năng đó là triệu chứng của bệnh động mạch vành, nhất là đối với người cao tuổi. 

Ứng phó với bệnh động mạch vành

Vì thế, bệnh nhân không được coi thường và phải tìm cách ứng phó với căn bệnh được cảnh báo là rất nguy hiểm đến tính mạng con người.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Trung tâm oxy cao áp TPHCM) cho biết, những cơn đau rõ nhất là ở ngực trái và sau xương ức lan sang vai và mặt cánh tay trái khi bệnh nhân làm một việc gì đó quá sức.

Cơn đau đó còn kéo theo mệt mỏi, tức ngực, làm cho người bệnh có cảm giác hụt hơi do tim đập nhanh. Ngoài cơn đau thắt ổn định, còn có cơn đau thắt không ổn định mà biểu hiện rõ nhất là tần suất xuất hiện càng ngày càng lớn, thời gian đau cũng kéo dài hơn. Đặc biệt, đôi khi dù đã nghỉ mệt nhưng cơn đau vẫn chưa dứt mà cứ dai đẳng rất khó chịu. Đó là những triệu chứng dễ thấy của bệnh động mạch vành, khi lưu lượng máu nuôi cơ tim bị giảm do động mạch vành hẹp lại. Hẹp hay tắc nghẽn động mạch vành cũng là tình trạng xơ vữa động mạch. Bệnh tim thiếu máu cục bộ, thiếu máu cơ tim là tên gọi khác của bệnh động mạch vành.

Khi có những triệu chứng trên, người bệnh cần phải đến BV để được bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám và sau đó xét nghiệm máu, đo điện tâm đồ hay siêu âm tim, nếu thấy cần thiết. Nhưng dù kiểm tra bằng những cách nào thì cũng phải trả lời cho được các câu hỏi là có phải đúng bệnh nhân bị bệnh động mạch vành hay không và nếu bị thì đang ở mức độ nào? Có như vậy thầy thuốc mới chỉ định cách điều trị thích hợp.

BS Bùi Minh Thành - Trưởng khoa phẫu thuật tim (BV Nhân dân Gia Định) lưu ý một số bệnh nhân có triệu chứng đau thắt ngực nhưng chưa hẳn là do bệnh động mạch vành gây nên. Chính vì thế, nếu loại trừ được căn bệnh động mạch vành, BS có thể khám và xét nghiệm tiếp để tìm ra “thủ phạm giấu mặt” tương tự khác. Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như đã mắc bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, cao huyết áp. Ngoài ra những người hút thuốc lá, lười vận động, béo phì cũng dễ bị bệnh động mạch vành. Yếu tố nguy cơ cũng gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi và trong gia đình đã có người mắc bệnh trước đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ