Ứng phó với bão số 11: Không thể chủ quan ngay từ bây giờ

GD&TĐ -  Chiều 14-10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì họp ứng phó với bão số 11. Bộ trưởng nhấn mạnh, bão số 11 sắp đổ bộ trong hoàn cảnh nhiều địa phương vừa trải qua mưa lũ lớn, thiệt hại nặng nề, sẽ làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo cuộc họp.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo cuộc họp.

"Mưa lũ đã tàn phá làm thiệt hại về người và kinh tế. Các địa phương đang gồng mình khắc phục hậu quả. Đây là diễn biến bất lợi cho ứng phó với bão 11. Vì vậy công tác ứng phó tuyệt đối không được chủ quan ngay từ bây giờ", Bộ trưởng lưu ý.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Phú Yên, tính đến 6 giờ ngày 14-10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 62.301 tàu, thuyền/266.866 lao động; 10.135 lồng bè, chòi canh thủy sản/9.906 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển vòng tránh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm

Hiện còn 68 tàu với hơn 500 lao động đang hoạt động tại khu vực phía bắc của Hoàng Sa. Tất cả các tàu đều đã nhận được thông tin về vị trí của bão số 11.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết bão số 11 ảnh hưởng trong hoàn cảnh thiệt hại từ lũ vẫn còn nhiều người mất tích chưa được tìm thấy, ngập lụt còn chia cắt ở nhiều nơi, sạt lở còn có nguy cơ xảy ra.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng rất cần cảnh báo tình trạng sạt lở đất. "Với bão số 11, Ban chỉ đạo sẽ huy động các nhà mạng cùng phát tin cảnh báo tới người dân", ông Hoài cho biết.

* Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, hồi 16 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 117,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và còn mạnh lên. Đến 16 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7-9, sau tăng lên cấp 10-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội. Vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ), khu vực biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, từ ngày mai (15/10) tăng lên cấp 7, giật cấp 9. Biển động mạnh.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) phía Bắc từ vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16 giờ ngày 16-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần.

Do ảnh hưởng của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 11, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang có mưa rào và dông, trong cơn dông khả năng có gió giật cấp 7-8.

* Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến hết ngày 13-10, có 60 người chết và 37 người mất tích, 31 người bị thương trong đợt lũ vừa qua.

Về sự cố sạt lở đất vùi lấp bốn hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đến chiều 13-10, đã tìm được 11 thi thể nạn nhân bị vùi lấp; còn bảy người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.

Có 214 nhà bị sập, gần 40 nghìn nhà bị ngập, gần 2.000 nhà phải di dời khẩn cấp. Có 5.930 gia súc, 198.249 gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Theo Nhân Dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.