Ứng phó bão CONSON: Ngành điện tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết

GD&TĐ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công điện số 5513/CĐ-EVN gửi các đơn vị thành viên về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão CONSON và mưa lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, các đơn vị trong ngành sẽ tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Riêng với các công ty thủy điện trực thuộc; các tổng công ty phát điện, EVN chỉ đạo tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tuyên truyền, vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Cùng đó, tham gia cắt, giảm, làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu. Đặc biệt, các công ty này bố trí lực lượng để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.

Với công ty nhiệt điện trực thuộc, các tổng công ty phát điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Các đơn vị lưu ý dự phòng nhiên liệu cho sản xuất điện khi các địa phương thực hiện lệnh cấm biển.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các công ty truyền tải điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời.

Các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ; khẩn trương gia cố các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở của các đợt mưa bão trước; khắc phục những tồn tại khiếm khuyết của lưới điện tại khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Đồng thời, các tổng công ty điện lực tiếp tục củng cố lưới điện, xử lý các tồn tại, gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố để đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.

Trong trường hợp có ảnh hưởng của thiên tai gây sự cố mất điện, các đơn vị nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện đảm bảo an toàn cho các khách hàng đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, tuyệt đối không được chủ quan và cần tăng cường kiểm tra việc chuẩn bị ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai.

Ngoài ra, các công ty, tổng công ty trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất. Cùng đó, thực hiện tốt phương châm phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh là “4 tại chỗ + 5K + vắc xin”; tăng cường, chủ động phương án kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kiểm tra, diễn tập, chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.